Ngày pháp luật

Muốn chi 8.000 tỉ đồng mua cổ phần ACV: Không dễ

Phương Minh

Cần xem xét kỹ có nên đưa Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam quay trở lại doanh nghiệp nhà nước không, bởi dễ dẫn đến câu chuyện độc quyền tại các sân bay.

Cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) nhà nước đang gặp tình trạng tréo ngoe khi một số DN đã bán cổ phần rồi đòi mua lại để trở về cái nôi nhà nước, còn số khác muốn bán thì thị trường chê.

Bán rồi đòi mua lại

Từ năm 2016, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Tuy nhiên, mới đây Bộ GTVT đề xuất mua lại số cổ phần đã bán ra cho cổ đông ngoài nhà nước để đưa tổng công ty này quay trở lại DN nhà nước.

Bộ GTVT lý giải rằng: Để ACV là DN nhà nước sẽ tạo điều kiện đảm bảo duy trì sự vận hành tài sản liên tục; không gây xáo trộn ảnh hưởng đến an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác cảng hàng không, sân bay.

Đặc biệt, đề xuất này diễn ra trong bối cảnh đường cất hạ cánh, đường lăn tại hai sân bay lớn nhất cả nước là Tân Sơn Nhất và Nội Bài đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng, chưa bố trí được nguồn vốn cải tạo, nâng cấp.

“ACV đang giữ nguồn tiền rất lớn có thể dùng cho việc cải tạo khu bay. Nhưng do là công ty cổ phần nên Nhà nước không thể giao trực tiếp mà cần phải thông qua đấu thầu. ACV cổ phần nên việc đầu tư đường băng không thuộc trách nhiệm của DN và theo luật, không thể giao cho DN đầu tư” - Bộ GTVT nêu trong đề xuất đưa ACV quay lại công ty nhà nước.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết thêm: Tài sản phục vụ hoạt động bay (đường băng, đường lăn…) thuộc Nhà nước nên Nhà nước có trách nhiệm bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn vấp phải là kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 từ nguồn dự phòng của Chính phủ có hạn nên không bổ sung được vào danh mục trên. Vì vậy mới nảy sinh ra câu chuyện Nhà nước không có tiền sửa đường băng, ACV dù có tiền cũng không thể sửa chữa vì vướng cơ chế.

Muốn chi 8.000 tỉ đồng mua cổ phần ACV: Không dễ - Ảnh 1
Đường cất hạ cánh, đường lăn tại hai sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa bố trí được nguồn vốn cải tạo, nâng cấp. Ảnh: VL

Lo độc quyền tại các sân bay

Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, đưa vấn đề nguy cơ an ninh để mua lại cổ phần ở các DN nhà nước đã cổ phần hóa cũng có thể thực hiện vì hiện đã có những quy định liên quan. Tuy nhiên, trước giai đoạn cổ phần hóa, ACV quản lý từ nhà ga đến đường lăn, khu bay. Để bán được giá khi cổ phần hóa, Nhà nước chỉ để lại phần nhà ga cho ACV, tách toàn bộ việc quản lý sân bay, đường băng thuộc quyền nhà nước. Do đó, khó có lý do để áp dụng mua lại cổ phần.

Hơn nữa, hiện nay tại ACV, Nhà nước đang nắm giữ 95,4% tỉ lệ sở hữu, phần còn lại thuộc về các quỹ đầu tư và nhà đầu tư cá nhân, hơn 100 triệu cổ phiếu. Giai đoạn chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng, giá trúng bình quân 14.300 đồng nhưng hiện thị giá của ACV đã dao động 70.000-80.000 đồng/cổ phần, tương đương nếu Nhà nước mua lại phải bỏ số tiền lớn 7.000-8.000 tỉ đồng.

“Chắc chắn khi mua lại, Nhà nước phải trả đúng theo giá thị trường chứ không thể mua bằng giá trúng đấu giá cổ phiếu giai đoạn chào bán chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng. Tính ra phần bù thêm này là khá lớn so với tiền bán đấu giá cổ phần trước đó. Mặt khác, Nhà nước muốn mua nhưng cổ đông không bán, câu chuyện này phải giải quyết ra sao?” - một vị chuyên gia đặt vấn đề.

Câu chuyện của ACV tương tự trường hợp Cảng Quy Nhơn. Chỉ khác là tại Cảng Quy Nhơn, Nhà nước chỉ lấy lại đúng số cổ phần được xác định mua bán sai luật. Ngoài ra, việc Cảng Quy Nhơn mua lại cổ phần đã bán một cách nhanh chóng vì số cổ phần đó chỉ do một nhà đầu tư nắm giữ và ngoài việc họ tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho cảng thì họ cũng rất hợp tác.

“Dù vậy, thương vụ Cảng Quy Nhơn vẫn đang gặp vướng mắc sau khi Nhà nước trả cho nhà đầu tư số tiền đúng bằng mệnh giá đã mua trước đó bốn năm. Hiện nay nhà đầu tư đòi thêm khoản tiền 300 tỉ đồng, được gọi là tiền bồi đắp giá nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất được con số thương lượng. Mặt khác, dù nói là Cảng Quy Nhơn quay trở lại nhà nước nhưng thực tế Nhà nước chỉ giữ vai trò chi phối, còn công ty đó vẫn là công ty cổ phần. So sánh để thấy rằng Nhà nước lấy lại cổ phần Cảng Quy Nhơn đã khó thì ACV còn khó gấp bội phần” - một chuyên gia kinh tế phân tích.

Đồng quan điểm, một chuyên gia kinh tế nhìn nhận: Việc mua lại cổ phần không hề dễ bởi phải thương lượng với các cổ đông theo tiêu chí thuận mua vừa bán. Bên cạnh đó, cần phải xem xét kỹ có nên mua lại không bởi dễ dẫn đến câu chuyện độc quyền tại các sân bay.

Điều gây quan ngại hơn, theo vị chuyên gia này, việc bán cổ phần xong rồi đòi mua lại phát ra một tín hiệu không an tâm cho nhà đầu tư. Nhà đầu tư mua cổ phần DN nhà nước một cách hợp pháp nhưng một ngày đẹp trời, bất ngờ họ có thể bị đòi lại. Điều này dẫn đến khả năng làm chậm tiến trình cổ phần hóa các DN nhà nước tiếp theo.

Có lẽ lường trước các khó khăn đó nên ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT, cho biết kiến nghị mua lại một phần của cổ đông ngoài Nhà nước nắm vốn tại ACV mới là đề xuất của Bộ GTVT, chưa được Thủ tướng phê duyệt. “Vì thế trong đề xuất, cơ quan này chưa tính tới việc huy động nguồn tiền ở đâu để mua lại cổ phần ACV, tương đương khoảng 8.000 tỉ đồng” - ông Đông cho hay.

Muốn bán cũng không dễ

Ngoài những phần bán rồi muốn lấy lại, có rất nhiều trường hợp muốn thoái vốn nhà nước nhưng nhà đầu tư lại không mặn mà. Chẳng hạn, trong tháng 7, Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã đưa Công ty Xuất nhập khẩu Sa Giang ra chào bán với kỳ vọng sẽ thu về hàng trăm tỉ đồng vì đây là công ty hàng đầu thị trường về bánh phồng tôm và bán nguyên lô cổ phiếu để nhà đầu tư nắm vai trò chi phối. Tuy nhiên, kết thúc thời hạn đăng ký mua cổ phần Sa Giang nhưng không có nhà đầu tư tham gia đăng ký đấu giá. Như vậy, SCIC đã thất bại trong thoái vốn khỏi Sa Giang.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, cho biết Chính phủ đang đặt quyết tâm đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước và sẽ có 140 DN phải thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2017-2020. Tuy nhiên, áp lực cổ phần hóa đang rất lớn vì giai đoạn 2017-2018 mới cổ phần hóa được 37 DN, do đó giai đoạn 2019-2020 việc hoàn thành cổ phần hóa các DN còn lại là rất lớn.

Tin Cùng Chuyên Mục