Khối ngoại mua ròng
Theo thống kê, khối ngoại có phiên mua ròng trên HoSE với 1.852,07 tỷ đồng, mua ròng trên HNX với 38,85 tỷ đồng và trên UPCoM mua ròng 10,60 tỷ đồng. Tổng cộng, khối ngoại mua ròng trên cả ba sàn với giá trị đạt 1.901,52 tỷ đồng.
Trên HoSE, khối ngoại mua ròng mạnh nhất VPD với giá trị đạt 780,6 tỷ đồng, thị giá mã này cũng tăng 5,05% trong phiên.
Tepco Renewable Power Singapore Pte.Ltd vừa thông báo đã mua xong 26,6 triệu cổ phiếu VPD, tương đương gần 25% vốn của CTCP Phát triển điện lực Việt Nam (VNPD). Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận vào ngày 20/12 với giá bình quân 29.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 785 tỷ đồng.
Sau giao dịch, Tepco Renewable Power đã trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại VNPD sau Tổng công ty Phát điện 1 - EVNGENCO1 (tỷ lệ 36,65% cổ phần). Ngoài ra, VNPD còn có 2 cổ đông lớn khác là CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc và CTCP Nhiệt điện Phả Lại (mã PPC) với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 17,2% và 10,6%.
Về tổ chức nước ngoài vừa trở thành cổ đông lớn của VNPD, TEPCO Renewable Power Singapore Ple. Ltd là pháp nhân đăng ký kinh doanh tại Singapore của TEPCO Renewable Power - thành viên chuyên biệt về lĩnh vực phát điện từ năng lượng tái tạo thuộc Tokyo Electric Power Company Holdings, Incorporated (TEPCO Group) đến từ Nhật Bản.
VPD hoàn thành vượt 88% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.
Thành lập vào tháng 5/1951, TEPCO Group hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực năng lượng với 97 công ty liên kết (tính đến tháng 4/2021). Vốn điều lệ của tập đoàn này lên đến hơn 1.400 tỷ yen (~250.000 tỷ đồng). Tổng tài sản của “gã khổng lồ” ngành điện Nhật Bản tính đến cuối năm 2020 đạt 12.093 tỷ yen (~2,2 triệu tỷ đồng).
Về phía VNPD, công ty được thành lập từ năm 2002 và là một trong những công ty liên kết của EVNGENCO1. VNPD hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, bán điện được, nhằm đảm bảo cung cấp kịp thời và đủ sản lượng điện theo nhu cầu của Hệ thống điện quốc gia với chất lượng điện năng và độ ổn định cao.
Về kết quả kinh doanh quý 3, VNPD ghi nhận doanh thu thuần đạt 250 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp cao ngất ngượng ở mức 68,4% tương ứng lợi nhuận gộp đạt 171 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, VPD lãi ròng 132 tỷ đồng, tăng 70,5% so với quý 3 năm ngoái.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, VNPD ghi nhận doanh thu thuần đạt 524 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 218,7 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% và 61% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, doanh nghiệp ngành điện này đã hoàn thành vượt 88% mục tiêu lợi nhuận đề ra cho cả năm 2022.
Trên thị trường, cổ phiếu VPD đã bất ngờ quay xe chóng vánh tại đỉnh ngay sau khi thành viên của TEPCO Group trở thành cổ đông lớn. Thị giá VPD hiện dừng ở mức 28.200 đồng/cổ phiếu, tăng gần 70% so với đầu năm 2022 nhưng thấp hơn 4,4% so với giá tổ chức nước ngoài chi ra để gom cổ phần. Ước tính tại mức thị giá này, khoản đầu tư của cổ đông ngoại tạm lỗ gần 35 tỷ đồng.
Trước đó CTCP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thông báo đăng ký bán toàn bộ 18,3 triệu cổ phiếu VPD (tỷ lệ 17,17%), muốn thoái vốn sau nhiều năm đồng hành. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 12/12/2022 đến 6/1/2023. Hiện tại Tuấn Lộc chưa báo cáo kết quả giao dịch.
Tuấn Lộc đã ”ôm” cổ phiếu VPD từ rất lâu trước đó. Tháng 1/2018 trước khi CTCP Phát triển điện lực Việt Nam mang cổ phiếu VPD chuyển sàn từ Upcom sang niêm yết trên HoSE thì Tuấn Lộc còn tranh thủ mua thêm gần 5 triệu cổ phiếu. Thời điểm đó giá cổ phiếu VPD giao dịch quanh mức 15.600 đồng/cổ phiếu.
Trong bản công bố thông tin tháng 1/2016 khi VPD đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán, Tuấn Lộc lúc đó đã có tên trong danh sách cổ đông lớn, sở hữu gần 12,36 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 12,36%).
Trong cơ cấu cổ đông của VNPD, ngoài Tuấn Lộc, công ty còn có 2 cổ đông lớn khác là Tổng công ty phát điện 1 và CTCP Nhiệt điện Phả Lại.
Đóng cửa phiên giao dịch hôm nay 21/12/2022 cổ phiếu VPD giảm 900 đồng về mức 28.200 đồng/cổ phiếu.