Ngày pháp luật

Một thập niên cổ phiếu FPT: Phát triển chậm rãi 7 năm đầu, "refresh" năm 2018 cho chu kỳ tăng trưởng mới được dự đoán là vũ bão

Quỳnh Chi

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghệ thời gian tới tới đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Covid và FPT đang cho thấy tiềm năng để thực hiện chiến lược tăng trưởng trong dài hạn.

Sau cú “sale off” toàn thị trường thời điểm cuối tháng 1/2021, cổ phiếu FPT của Công ty Cổ phần FPT bất ngờ trở thành tâm điểm của giới đầu tư khi liên tục tăng mạnh với giao dịch sôi động. Cổ phiếu này đang giao dịch gần mức lịch sử mới tại 83.000 đồng/cổ phiếu (tính theo giá điều chỉnh tại ngày 23/4/2021), ghi nhận mức tăng hơn 40% chỉ sau khoảng 3 tháng.

Trước khi có Covid-19, nhắc đến FPT, nhà đầu tư thường nghĩ đến tính bền bỉ thậm chí có phần “chậm chạp” nhiều hơn là kỳ vọng vào một sự bứt phá mạnh mẽ như thời gian gần đây. Thực tế, đến thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, thị giá FPT chỉ tăng gấp 5 lần so với cách đây 10 năm (đầu năm 2011) nhưng lại chỉ mất hơn 1 năm để đạt mức tăng 2,4 lần so với đáy Covid vào cuối tháng 3/2020.

Không quá khi cho rằng Covid-19 đã thay đổi diện mạo của nhiều Bluechips trên sàn chứng khoán, trong đó nổi bật phải kể đến FPT. Điều này cũng dễ hiểu khi tập đoàn công nghệ này được đánh giá sẽ hưởng lợi từ lớn quá trình chuyển đổi số đang được đẩy mạnh sau dịch bệnh.

Xoay trụ sang công nghệ

Khác với phần lớn doanh nghiệp trên sàn có yếu tố chu kỳ, kết quả kinh doanh của FPT thường không biến động quá lớn hàng năm. Bức tranh kinh doanh 10 năm qua của FPT bắt đầu có sự thay đổi rõ rệt vào năm 2018 khi tập đoàn này quyết định rút lui khỏi mảng bán lẻ để tập trung vào lĩnh vực công nghệ.

Một thập niên cổ phiếu FPT: Phát triển chậm rãi 7 năm đầu, "refresh" năm 2018 cho chu kỳ tăng trưởng mới được dự đoán là vũ bão - Ảnh 1

Không khó để nhận ra, kết quả kinh doanh của FPT có sự sụt giảm đáng kể trong năm bản lề 2018 khi doanh thu “bốc hơi” gần một nửa và lợi nhuận giảm hơn 9% so với cùng kỳ năm trước đó. Tuy nhiên, tập đoàn công nghệ này cũng nhanh chóng tăng trưởng dương trở lại trong 2 năm sau đó, thậm chí mức tăng trưởng năm 2019 còn đạt 2 con số.

Năm 2020, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, FPT vẫn ghi nhận 29.830 tỷ đồng doanh thu và 5.263 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tương ứng tăng trưởng 7,6% và 12,8% so với năm trước. Con số lợi nhuận này đã bỏ xa kết quả đạt được năm 2017, thời điểm FPT đạt đỉnh doanh thu và lợi nhuận trước khi “xoay trụ”.

Trong cơ cấu, nếu như năm 2016, mảng công nghệ chỉ chiếm tỷ trọng 24,5% tổng doanh thu toàn tập đoàn thì đến năm 2020 con số này đã lên đến 56,3%. Năm vừa qua, lĩnh vực công nghệ mang về cho FPT 16.805 tỷ đồng doanh thu và 2.238 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 6,5% và 13,4%. Tốc độ tăng trưởng kép về doanh thu và lợi nhuận của lĩnh vực này trong giai đoạn 2017-2020 đều ở mức 2 con số, tương ứng đạt 11% và 19%.

Một thập niên cổ phiếu FPT: Phát triển chậm rãi 7 năm đầu, "refresh" năm 2018 cho chu kỳ tăng trưởng mới được dự đoán là vũ bão - Ảnh 2

Năm 2021, FPT đặt mục tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.210 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 16,4% và 18% so với năm 2020. Kế hoạch kinh doanh được xây dựng trên cơ sở tiềm năng phát triển của ngành CNTT và thế mạnh của tập đoàn trong mảng công nghệ.

Sau quý đầu tiên của năm, FPT đạt 7.586 tỷ đồng doanh thu và 1.397 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng tương ứng 14,4% và 22,3% so với cùng kỳ. Khối Công nghệ đóng góp 40% vào tổng lợi nhuận và 55% vào tổng doanh thu của toàn tập đoàn. Doanh số ký mới của khối Công nghệ đạt 5.834 tỷ đồng, mức cao nhất trong 4 quý gần đây và tăng trưởng 46,3% so với cùng kỳ.

Động lực tăng trưởng đến từ xu hướng chuyển đổi số

Chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của ngành công nghệ thời gian tới tới đặc biệt sau cuộc khủng hoảng Covid và FPT đang cho thấy tiềm năng để thực hiện chiến lược tăng trưởng trong dài hạn. 

Ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT cho biết “Kế hoạch chuyển đổi số kéo dài từ 5-10 năm trước đây của nhiều tập đoàn hay tổ chức đã được rút ngắn xuống chỉ còn 2-3 năm. FPT đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội này, chuyển dịch mạnh mẽ và nâng tầm vị thế trên toàn cầu”.

Trong báo cáo phân tích mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Chứng khoán BSC) cho rằng FPT đang đứng trước giai đoạn chuyển dịch trong chuỗi giá trị công nghệ từ xuất khẩu phần mềm cho khách hàng (làm thuê) sang tự tạo ra các sản phẩm Made by FPT (làm chủ). Cơ hội này đến từ chính xu hướng Chuyển đổi số.

Mới đây, FPT đã công bố mua lại phần lớn cổ phần của Base.vn - nền tảng quản trị doanh nghiệp phổ biến nhất Việt Nam, nhằm hoàn thiện hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện cho 800.000 doanh nghiệp trong nước.

Tổng giám đốc FPT chia sẻ về sự kiện này: “Trong những năm qua, FPT luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp lớn Việt Nam và toàn cầu trong hành trình chuyển đổi số. Chiến lược của FPT là xây dựng một nền tảng chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ đứng số 1 trên thị trường. Đi cùng Base.vn là một trong những con đường ngắn nhất để FPT hiện thực hóa mục tiêu đó”.

Đối chiến lược tại các thị trường điểm quốc tế như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc, FPT hướng đến khách hàng Mega (doanh thu trên 1 triệu USD) nhằm tiếp cận các hợp đồng giá trị cao. Đồng thời, đây là những đối tượng không dễ dàng thay đổi đối tác nên các hợp đồng được ký kết thường có giá trị lâu dài, đảm bảo nguồn thu trung hạn cho doanh nghiệp.

Trong năm 2020, số lượng khách hàng Mega tăng từ 65 lên 90. Song song đó, khách hàng semi-mega (doanh thu trên 500.000 USD) của công ty cũng tăng từ 179 lên 193.

Kết hợp phát triển chiều rộng và chiều sâu, FPT đầu tư vào các công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, điện toán đám mây… làm nền tảng cho việc nghiên cứu những sản phẩm, ứng dụng giúp thay thế công việc của con người. Năm 2020, FPT cũng đã ký kết hợp tác chiến lược với viện công nghệ MILA, một trong những đơn vị nghiên cứu về AI hàng đầu thế giới.

Bên cạnh đó đó, hệ sinh thái công nghệ Made by FPT cũng là điểm nhấn để tạo lực đẩy trong hoạt động kinh doanh. Theo đó, công ty đã tạo ra các sản phẩm Made by FPT đáp ứng chuyển đổi số như AkaBot, AkaDoc, Aka Trans. Trong năm 2020, akaBot là một trong những giải pháp nền tảng Made by FPT đã cho kết quả đáng ghi nhận trên thị trường toàn cầu.

Tin Cùng Chuyên Mục