Ngày pháp luật

Một công ty của Shark Bình bị phạt và truy thu tiền tỷ vì vi phạm thuế

Đức Huy

Cơ quan chức năng tiến hành thanh tra thuế tại CTCP Cổng trung gian thanh toán Ngân lượng từ 8/5 tới 17/5.

Cục Thuế TP Hà Nội ra kết luận về thanh tra thuế tại CTCP Cổng trung gian thanh toán Ngân lượng - một đơn vị thuộc hệ sinh thái NextTech của ông Nguyễn Hoà Bình (Shark Bình). Trong đó, Ngân lượng bị phạt và truy thu tổng cộng hơn 1,2 tỷ đồng do những vi phạm trong lĩnh vực thuế.

 Ví Ngân lượng. (Ảnh: Đức Huy).  
 Ví Ngân lượng. (Ảnh: Đức Huy).  

Về thuế giá trị gia tăng (VAT), Ngân lượng kê khai khấu trừ thuế VAT hàng hoá dịch vụ mua vào đối với các hoá đơn mua vào của các đơn vị cơ quan thuế có thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; khấu trừ thuế VAT đầu vào được khấu trừ đối với hóa đơn trên 20 triệu thanh toán bằng tiền mặt trong một ngày. Công ty chưa kê khai thuế VAT đối với quà tặng khách hàng.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, công ty xác định chi phí được trừ đối với chi phí không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ. Đồng thời, các chi phí không đầy đủ hồ sơ, chi phí khấu hao tài sản cố định không đúng quy định, chi phí tiền phạt vi phạm hành chính, tiền thuế, tiền chậm nộp, phân bố chi phí cho hoạt động ưu đãi và không ưu đãi chưa chính xác.

Về thuế thu nhập cá nhân, Ngân lượng khấu trừ thiếu thuế thu nhập cá nhân từ đầu tư vốn, khấu trừ thiếu thuế VAT nộp thay cá nhân kinh doanh. Về việc sử dụng hoá đơn, công ty của Shark Bình chưa xuất hoá đơn quà tặng khách hàng, xuất hoá đơn không đúng thời điểm. 

Với những vi phạm kể trên, Ngân lượng bị phạt hơn 217 triệu đồng, truy thu thuế gần 910 triệu đồng. Đồng thời, công ty này cũng phải nộp 87 triệu đồng tiền nộp chậm thuế.

Ngân lượng là một trong những ví điện tử và cổng trung gian thanh toán trực tuyến xuất hiện đầu tiên tại Việt Nam. Ngân lượng được phát triển bởi NextTech Group từ năm 2009 nhằm hỗ trợ thanh toán cho Chodientu.vn và eBay.vn. Đến nay, công ty này mở rộng cung cấp dịch vụ cho các cá nhân, doanh nghiệp gửi và nhận tiền trên internet.

Theo công bố, đến nay tổng giao dịch trên Ngân lượng là 15 triệu với tổng giá trị giao dịch lên tới 200 triệu USD và số người dùng là 1,3 triệu người cùng 18.000 đối tác bán hàng, thanh toán trên toàn quốc.

Ngân lượng được xem là “gà đẻ trứng vàng” cho hệ sinh thái của Shark Bình. Thông tin từ TTXVN, trong giai đoạn 2016 - 2018, doanh thu của Ngân lượng liên tục tăng trưởng. Trong đó, doanh thu năm 2018 cao nhất gần 1.900 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm trước đó.

Đến năm 2019, doanh thu của Ngân lượng sụt giảm chỉ còn chưa bằng 1/3 năm trước, chỉ đạt hơn 424 tỷ đồng. Tuy vậy, lợi nhuận trong năm này của công ty này lại tăng vọt lên 109,5 tỷ đồng, cao gấp 3,4 lần so với năm trước, biên lợi nhuận cũng được cải thiện lên 25,5%. Luỹ kế 4 năm từ 2016 đến 2019, Ngân Lượng mang về cho NextTech tổng cộng 166 tỷ đồng lợi nhuận.

Ngoài Ngân lượng, NextTech còn sở hữu ứng dụng ví điện tử Vimo - đơn vị trung gian thanh toán đầu tiên cho phép du khách Trung Quốc sử dụng ví điện tử WeChat Pay thanh toán tại Việt Nam.

Nếu thời điểm năm 2018 Ngân lượng có mức doanh thu đạt đỉnh thì Vimo lại ghi nhận doanh thu chạm đáy với 67,5 tỷ đồng, chưa bằng một nửa so với năm 2017. Nhưng sang đến năm 2019, khi lượng khách Trung Quốc sang Việt Nam tăng mạnh, doanh thu của Vimo bật lên mức 342,6 tỷ đồng, vượt trội hơn hẳn so với ba năm trước đó.

Dù vậy, Vimo chỉ duy nhất một lần báo lãi vào năm 2017 (4,2 tỷ đồng). Kinh doanh thua lỗ triền miên, tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Vimo âm 11,7 tỷ đồng tại thời điểm tháng 8/2022.

Tin Cùng Chuyên Mục