Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018, doanh thu thuần của Masan đạt 38.187 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với năm 2017. Do giá vốn hàng bán ở mức 26.306 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với năm trước, Masan thu về khoản lợi nhuận gộp 11.881 tỷ đồng.
Nhờ tiết giảm được chi phí bán hàng, chi phí tài chính và doanh thu tài chính tăng, Masan báo lãi ròng cả năm 2018 đạt 5.621 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 55,8% so với năm 2017.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, Masan là công ty quản lý vốn đầu tư và tài sản, hiện đang trực tiếp sở hữu và quản lý các đơn vị: Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (nắm 85,7% vốn, kinh doanh mặt hàng tiêu dùng như nước mắm, mì gói, nước tương…), Công ty TNHH Tầm nhìn Masan (nắm 99,9% vốn, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên, khoáng sản với nòng cốt là mỏ Núi Pháo) và CTCP Masan Nutri-Science (nắm 80,8% vốn, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, chế biến thịt).
Ngoài ra, Masan còn có các khoản đầu tư vào công ty liên kết, trong đó nổi bật nhất là Ngân hàng thương mại cổ phần Techcombank (nắm 20% vốn) hay CTCP Kỹ nghệ súc sản Vissan (nắm 24,9% vốn).
Theo cơ cấu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018, mảng thực phẩm đồ uống mang về cho Masan nguồn thu lớn nhất với 17.345 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh 28,3% so với 2017; lợi nhuận đạt 2.720 tỷ đồng.
Tiếp theo là mảng chuỗi giá trị thịt mang về 13.977 tỷ đồng, sụt giảm 25,3% so với 2017; lợi nhuận cũng giảm mạnh từ 688 tỷ đồng xuống chỉ còn 182 tỷ đồng. Cuối cùng là doanh thu từ mảng khác (bao gồm thác mỏ - chế biến khoáng sản và tiền lãi được chia từ Techcombank) đạt 6.865 tỷ đồng và lãi ròng 2.774 tỷ đồng.
Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của Masan trong năm 2018. Đơn vị: tỷ đồng
Như vậy có thể thấy, cơ cấu doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018 của Masan đã có sự thay đổi mạnh. Mảng thực phẩm, đồ uống tiếp tục tăng trưởng mạnh; còn mảng chuỗi giá trị thịt lại suy giảm sâu về cả doanh thu và lợi nhuận, nguyên nhân chủ yếu là do thị trường thịt lợn biến động mạnh trong năm 2018.
Doanh thu từ nước chấm, gia vị, đồ uống của Masan qua các năm gần đây. Đơn vị: tỷ đồng
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan có diễn biến khá tiêu cực trong thời gian gần đây, hiện chốt phiên 17/3 tại mức 86.500 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa của Masan đạt khoảng 100.600 tỷ đồng, đứng thứ 8 trong số 10 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất sàn HSX.