Chuyển đổi hoạt động
Trong năm 2023, nhiều liên doanh của Stavian Group đã liên tục thay đổi tên và định hướng kinh doanh. Cụ thể, một liên doanh của Stavian Group với Tập đoàn Capella là SVI Group đã được đổi tên thành StavianVP từ đầu năm 2023 sau 3 năm thành lập. Sau khi đổi tên, Stavian VP định hướng chuyên sâu về đầu tư, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực hóa chất cơ bản như lưu huỳnh, xút, than cốc, phân bón. Công ty cũng đang nghiên cứu phát triển dự án tổ hợp Vinyl Stavian VP có diện tích trên 50 ha tại Tiền Giang trị giá 695 triệu USD, dự kiến khởi công vào năm 2025 và vận hành thương mại vào năm 2029.
Trong khi đó, Công ty Stavian Land đổi tên thành Stavian Industrial Park. Phát triển khu công nghiệp là một mảng ghép quan trọng trong hệ sinh thái của Tập đoàn Stavian. Theo giới thiệu, tập đoàn đang có quỹ đất gồm140ha tại tỉnh Hưng Yên, 300ha tại tỉnh Hải Dương, 300 ha tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu và hệ thống kho bãi trên toàn quốc.
Được thành lập từ giữa năm 2022, Công ty Stavian Land từng đề nghị tài trợ lập quy hoạch khu vực 1.000 ha thuộc khu du lịch ven biển phía Nam tỉnh Ninh Thuận, hay đềnghị giới thiệu địa điểm để khảo sát,nghiên cứu lập quy hoạch và đầu tưdự án tại tỉnh Đồng Tháp, xin chủ trương được nghiên cứu, đề xuất phương án đầu tư và tài trợ quy hoạch dự án khu công ngiệp tại Hậu Giang.
Cuối năm 2023, Công ty CP Kim loại công nghiệp Stavian (Stavian Industrial Metal) – thành viên Tập đoàn Stavian ký thoả thuận hợp tác với Tập đoàn Fecon trên các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, cung cấp nguyên vật liệu, dịch vụ logistics.
Theo thỏa thuận, Stavian Industrial Metal sẽ ưu tiên hỗ trợ kết nối Fecon với các dự án xây dựng do Stavian Group hoặc đối tác là chủ đầu tư. Ngoài ra, công ty cũng sẽ hỗ trợ xúc tiến hợp tác giữa Fecon với Stavian Group để phát triển đầu tư các khu công nghiệp, trung tâm logistic và các loại dự án hạ tầng khác.
Stavian Industrial Metal, tiền thân là Công ty CP Stavian GFS Land (SGL), được thành lập vào ngày 18/6/2021 bởi tập đoàn đa ngành Stavian Group và GFS Group nhằm đầu tư vào các dự án bất động sản tiềm năng. Tuy nhiên, chỉ sau gần 2 năm hoạt động, SGL đã quyết định đổi tên thành Công ty CP Kim loại công nghiệp Stavian từ ngày 14/4/2023.
Dù công ty khẳng định chỉ thay đổi tên gọi thuần túy nhưng hoạt động của công ty mới không còn liên quan đến lĩnh vực bất động sản. Sau khi đổi tên công ty được định vị là doanh nghiệp cung cấp giải pháp toàn diện về thương mại và sản phẩm trong chuỗi giá trị của kim loại công nghiệp cho khách hàng trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài Fecon, Stavian Metal cũng từng ký nhiều văn bản hợp tác với các đối tác lớn trong lĩnh vực xây dựng các khu công nghiệp, dịch vụ như Công ty CP Đầu tư và xây dựng VINA2, Công ty CP OPL Logistics và Tập đoàn Đại Dũng, Tập đoàn Amaccao.
Stavian Group làm ăn ra sao?
Được sáng lập bởi doanh nhân Đinh Đức Thắng, Stavian Group tiền thân là Công ty Nhựa Opec, là doanh nghiệp hàng đầu thị trường về phân phối hạt nhựa, hóa chất. Đồng thời công ty cũng được biết đến như một trong những doanh nghiệp sản xuất bao bì sinh học tự hủy hàng đầu cả nước.
Bên cạnh lĩnh vực bất động sản, tập đoàn Stavian hiện gồm 11 thành viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ hóa chất, vật liệu công nghệ cao, giấy, tái chế, logistics, kim loại công nghiệp, bao bì....Tập đoàn đang xúc tiền đầu tư Nhà máy hóa dầu Stavian Quảng Yên trị giá 1,5 tỷ USD tại Quảng Ninh, dự kiến đi vào hoạt động thương mại cuối năm 2026, chuyên sản xuất hạt nhựa polypropylene (PP).
Ngoài ra, Stavian Group cũng tham gia đầu tư vào Quỹ ThinkZone – quỹ đầu tư khởi nghiệp nội địa có quy mô lớn nhất Việt Nam, với số vốn cam kết đầu tư 60 triệu USD.Theo VNR500 - bảng xếp hạng chuyên đánh giá doanh nghiệp theo các tiêu chí chính như doanh thu, lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng, tổng tài sản và tổng số lao động, “hạt nhân” Stavian Chemical được xếp số 21 trong số những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trong năm 2023 cùng hơn 14.000 đối tác tại hơn 100 quốc gia trên toàn cầu.
Với vị trí này, Stavian Chemical được xếp trên cả những “ông lớn” sở hữu hàng trăm nghìn tỷ tổng tài sản cùng hàng nghìn tỷ lãi ròng như Tập đoàn Thaco, tập đoàn Intimex, Digiworld, hay các ngân hàng lớn như TPBank hay LPBank. Trong năm 2022, Stavian Chemical ghi nhận mức doanh thu 2 tỷ USD.
Đáng chú ý, với vị trí thứ 205 trong xếp hạng các doanh nghiệp tư nhân có mức lãi lớn nhất (Profit 500) năm 2023, Stavian Chemical được ước đạt mức lợi nhuận sau thuế dạt khoảng hơn 500 tỷ đồng do xếp dưới Công ty CP Nhựa thiếu niên Tiền Phong (lãi ròng 560 tỷ đồng) và xếp trên Tổng công ty CP Công trình Viettel (lãi ròng 516 tỷ đồng), tương đương biên lãi ròng chỉ khoảng 1%.
Mặc dù đạt mức doanh thu rất cao nhưng mức lợi nhuận để lại của Stavian Chemical nói riêng cũng như các thành viên khác trong hệ sinh thái Stavian nói chung chỉ ở mức khiêm tốn so với doanh thu - điểm đặc thù của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thương mại.