Ngày pháp luật

Moca không còn thuộc top ví điện tử thông dụng hàng đầu Việt Nam

Linh Nga

Trong 3 tháng đầu năm quý I/2023, 3 ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam là MoMo, ZaloPay và ViettelPay.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng Ví điện tử ở Việt Nam ngày một tăng lên con số 40 so với 5 ví điện tử ở thời điểm 6 năm trước.

Một số ví điện tử đã tận dụng lợi thế "người đi đầu" bằng cách trở thành đối tác độc quyền của siêu ứng dụng, trong khi những ví khác thu được lợi ích từ các tổ chức tài chính.

Vào năm 2020, theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Cimigo về nhận định và hành vi người dùng với thương hiệu ví điện tử phổ biến tại Việt Nam, Momo, Moca và ZaloPay là 3 ví điện tử được sử dụng phổ biến nhất ở 2 thành phố lớn của Việt Nam là Hà Nội và TP. HCM. Đồng thời, ba ví này chiếm tới 90% thị phần người dùng ví điện tử.

Ở thời điểm đó, tần suất người dùng Việt Nam sử dụng 3 ví điện tử MoMo, Moca và ZaloPay là ngang nhau. Nhưng 3 năm sau, những con số này đã có sự thay đổi rõ rệt.

Thị phần các ví điện tử tại Việt Nam trong quý I/2023
Thị phần các ví điện tử tại Việt Nam trong quý I/2023

Báo cáo của Decision Lab phối hợp cùng Hiệp hội Tiếp thị Di động Việt Nam (Mobile Marketing Association Vietnam - MMA) vừa công bố cho thấy, trong quý I/2023, 6 ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam tiếp tục là MoMo, Moca, ZaloPay, ViettelPay, ShopeePay và VNPay. Tuy nhiên, 3 ví điện tử thông dụng hàng đầu đã không còn cái tên Moca.

MoMo đứng đầu về thị phần và là ví điện tử được ưa chuộng nhất Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2023 khi chiếm 68% thị phần ví điện tử. 

Xét trên độ tuổi người tiêu dùng, MoMo cũng là ví điện tử được ưa chuộng nhiều nhất tại Việt Nam ở tất cả các thế hệ (Gen X, Gen Y và Gen Z) với mức độ yêu thích 48%, tăng 2% so với quý IV năm ngoái.

Đứng thứ hai là ZaloPay với độ yêu thích 18%, ViettelPay đứng thứ ba với độ yêu thích là 10%.

Mức độ ưa thích sử dụng ví điện tử của người dùng các thế hệ tại Việt Nam. 
Mức độ ưa thích sử dụng ví điện tử của người dùng các thế hệ tại Việt Nam. 

Ở góc độ truyền thông, bảng xếp hạng ngành fintech năm 2022 được Reputa - Hệ thống giám sát và phân tích thông tin trên môi trường mạng ghi nhận, MoMo hiện đứng số 1 bảng xếp hạng công ty thanh toán điện tử theo mức độ phổ biến trên mạng xã hội, với tổng điểm cao nhất.

Số điểm mà MoMo có cao gấp gần 4 lần so với đơn vị xếp thứ hai - Shopee Pay. Ở vị trí thứ ba là VNPay, theo sau lần lượt là VTC Pay và Viettel Money.

Theo Tech in Asia, với định giá 2,2 tỷ USD và 31 triệu người dùng, MoMo đang dẫn đầu mảng thanh toán số ở Việt Nam, bỏ xa các đối thủ trên thị trường.

Trong nhiều năm, MoMo duy trì việc hoạt động khá độc lập bằng cách liên tục mở rộng mạng lưới các nhà bán hàng và người dùng thông qua chiết khấu và marketing, đồng thời hợp tác với những công ty như Lazada, Tiki, Apple hay Google để mở rộng tập người dùng nhanh chóng.

Thành công của Momo đến từ việc cung cấp các chức năng chính vượt trội, chẳng hạn như giao dịch nhanh và mạng lưới chấp nhận rộng rãi. Mặt khác, ShopeePay với vai trò là ví điện tử mua sắm thương mại điện tử được người tiêu dùng sử dụng nhiều nhất để khuyến mãi và thuận tiện khi mua hàng trực tuyến.

Về phía ZaloPay, chiến lược thâu tóm rầm rộ bằng hàng loạt khuyến mãi rõ ràng đã phát huy hiệu quả khi phần lớn người dùng chuyển sang ZaloPay vì dịch vụ thanh toán tiện lợi (nhanh chóng, được chấp nhận tại nhiều điểm bán lẻ) và các chương trình khuyến mãi. Đối với ViettelPay, uy tín thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất để áp dụng.

Cho đến nay, có vẻ như các ví điện tử khó có thể tạo ra sự khác biệt ngoài giao dịch tiền dễ dàng, thanh toán hóa đơn thuận tiện và các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Những con số nói trên phần nào chỉ ra sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường ví điện tử Việt Nam, đồng thời cho thấy thói quen sử dụng công cụ thanh toán không tiền mặt ở người Việt có sự cải thiện.

Tin Cùng Chuyên Mục