Ngày pháp luật

Mộc Châu Milk về tay Vinamilk: Tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng và niêm yết HoSE

Theo Người đồng hành

Mộc Châu Milk đang lấy ý kiến về phương án phát hành tổng cộng 43,2 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng. Công ty có kế hoạch nâng cấp trang trại cũ, đầu tư trang trại mới và mở rộng nhà máy với tổng vốn đầu tư 1.600 tỷ đồng. Công ty muốn thực hiện việc niêm yết cổ phiếu trên HoSE.

CTCP Giống bò Sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) vừa công bố tài liệu lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, phương án niêm yết cổ phiếu trên HoSE và các nội dung khác.

Ngày chốt danh sách cổ đông là 30/6. Phiếu biểu quyết phải được gửi về công ty trước 10h00 ngày 15/7. Thời gian kiểm phiếu là 2 ngày kể từ khi kết thúc thời hạn nhận phiếu và kết quả biểu quyết sẽ được công bố thông tin chậm nhất vào 20/7.

Tăng vốn từ 668 tỷ lên 1.100 tỷ đồng

Mộc Châu Milk có kế hoạch phát hành tổng cộng 43,2 triệu cổ phiếu mới để tăng vốn điều lệ từ 668 tỷ đồng lên mức dự kiến 1.100 tỷ đồng, thông qua 3 phương án.

Mộc Châu Milk về tay Vinamilk: Tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng và niêm yết HoSE - Ảnh 1

 Mộc Châu Milk sẽ tăng vốn từ 668 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng

Đầu tiên là phương án phát hành cho cổ đông hiện hữu với khối lượng 3,34 triệu cổ phiếu. Tỷ lệ thực hiện 100:5 (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được quyền mua 5 cổ phiếu mới). Quyền mua không được phép chuyển nhượng.

Giá chào bán cho cổ đông là 20.000 đồng/cp. Tổng số tiền tính theo mệnh giá là 33,4 tỷ đồng và số tiền dự thu theo giá chào bán là 66,8 tỷ đồng. Số cổ phần không mua hết sẽ được chào bán cho nhà đầu tư chiến lược bên dưới.

Công ty có phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược với khối lượng gần 39,2 triệu cổ phiếu, cộng thêm khối lượng không chào bán hết cho cổ đông hiện hữu nếu có.

Giá phát hành cho cổ đông chiến lược là 30.000 đồng/cp, cao hơn 50% so với chào bán cho cổ đông. Tổng số tiền dự tính thu về theo giá chào bán là 1.176 tỷ đồng.

Danh sách nhà đầu tư chiến lược bao gồm Vinamilk (VNM) và GTNFoods (GTN). HĐQT muốn được ủy quyền quyết định khối lượng chào bán cụ thể cho từng nhà đầu tư. Cổ phần bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Cuối cùng Mộc Châu Milk muốn phát hành cổ phần theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với khối lượng 668.000 cổ phiếu. Giá chào bán 10.000 đồng/cp, dự kiến thu về 6,7 tỷ đồng. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm.

Đầu tư 1.600 tỷ đồng cho trang trại và nhà máy

Tổng số tiền dự kiến thu được từ 3 đợt phát hành trên tính theo giá chào bán là gần 1.250 tỷ đồng. Thời gian thực hiện trong năm 2020.

HĐQT trình ĐHĐCĐ phê duyệt tổng vốn đầu tư dự kiến cho các dự án phát triển bao gồm đầu tư trang trại bò sữa mới với quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái; nâng cấp trang trại bò sữa hiện hữu lên 2.000 con; đầu tư dây chuyền sản xuất sữa nước và xây dựng nhà máy sản xuất mới. Tổng số tiền cần đầu tư là 1.600 tỷ đồng.

Mộc Châu Milk về tay Vinamilk: Tăng vốn lên 1.100 tỷ đồng và niêm yết HoSE - Ảnh 2

Công ty có kế hoạch nâng cấp trang trại cũ, đầu tư trang trại mới và xây dựng nhà máy sản xuất mới.

Riêng dự án nâng cấp và đầu tư mới trang trại bò sữa nhằm tạo nguồn sữa tươi nguyên liệu và phát triển hình ảnh cho Mộc Châu Milk về dài hạn. Dự án này được đầu tư và phát triển dựa trên kinh nghiệm của Vinamilk.

Nguồn vốn được lấy từ tiền thu được trong các phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ trong năm 2020. Số tiền còn lại sẽ được lấy từ nguồn vốn tự có khác của công ty hoặc đi vay thêm từ các tổ chức tín dụng.

Mở room ngoại, niêm yết cổ phiếu

Mộc Châu Milk cũng xin ý kiến bỏ một số ngành nghề kinh doanh như dịch vụ chăn nuôi thú ý, bán lẻ hàng hóa lưu động, vận tải hàng hóa bằng đường bộ, bán buôn vật liệu, xây dựng nhà để ở, tổ chức tua du lịch… nhằm đáp ứng điều kiện cho phép nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu tới 100% cổ phần.

Đồng thời việc bỏ một số ngành nghề cũng giúp doanh nghiệp tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa.

Công ty cũng muốn triển khai kế hoạch lưu ký và niêm yết cổ phiếu của Mộc Châu Milk tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE), ủy quyền cho HĐQT và người đại diện theo pháp luật thực hiện các thủ tục cần thiết để lưu ký và niêm yết cổ phiếu trong không quá 9 tháng kể từ khi vấn đề này được thông qua.

Mộc Châu Milk tiền thân là Nông trường Quân đội Mộc Châu được ra đời năm 1958. Công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần vào năm 2005. Nhà nước thoái vốn toàn bộ vốn vào năm 2016 và GTNFoods đã nắm giữ 51% cổ phần.

Cuối năm 2019, Vinamilk đã thương lượng để mua lại cổ phần từ nhiều nhóm cổ đông nhằm trở thành công ty mẹ GTNfoods khi nắm giữ 75% vốn, qua đó gián tiếp sở hữu 51% cổ phần tại Mộc Châu Milk. Hiện 3/5 thành viên HĐQT của Mộc Châu Milk là người của Vinamilk, trong đó Tổng giám đốc Vinamilk bà Mai Kiều Liên được bầu làm Chủ tịch HĐQT.

Năm ngoái, Mộc Châu Milk ghi nhận tổng doanh thu là hơn 2.600 tỷ và lợi nhuận sau thuế gần 167 tỷ đồng. Về định hướng năm 2020, công ty dự kiến tăng tổng đàn bò từ 25.580 con lên 28.680 con (bao gồm cả bò của hộ nông dân), doanh thu thuần tăng 13% lên 2.905 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế đạt 157 tỷ đồng, giảm 6% do không còn ưu đãi về thuế TNDN.

Trong cuộc họp cổ đông mới đây của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên cho biết Mộc Châu Milk là thương hiệu sữa tốt và có tiềm năng phát triển. Vinamilk đã có kế hoạch phát triển Mộc Châu theo lộ trình cụ thể và nhà đầu tư sẽ thấy kết quả vào cuối năm nay.

Tin Cùng Chuyên Mục