Ngày pháp luật

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sao 3 năm chưa làm được gì?

Viết Long/PLO

Về hạ tầng hàng không, Nhà nước, Chính phủ, Bộ GTVT, doanh nghiệp đều rất sốt ruột chỉ có “anh cơ chế” cứ đủng đà đủng đỉnh...

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sao 3 năm chưa làm được gì? - Ảnh 1

 

“Hạ tầng hàng không hiện đang tắc nghẽn ở đâu, tôi cho rằng chủ yếu là ở sân bay Tân Sơn Nhất. Sân bay này tắc cả trên lẫn dưới. Chúng ta đã có kế hoạch mở rộng cách đây 3-4 năm, sao đến nay chưa làm được gì ?” - TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đặt vấn đề như vậy tại tọa đàm hàng không Việt Nam, cơ hội và thách thức do Bộ GTVT tổ chức diễn ra sáng 11-12.

Điểm nghẽn hàng không theo ông Nguyễn Đình Cung không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng của ngành mà ảnh hưởng đến tăng trưởng du lịch và từ đó sẽ kéo theo nhiều vấn đề khác.

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, sao 3 năm chưa làm được gì? - Ảnh 2

 Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn phát biểu ghi nhận các ý kiến tại buổi tọa đàm.

Vì vậy, ông Cung cho rằng để giải quyết vấn đề sân bay Tân Sơn Nhất được nhanh phải dùng giải pháp phi truyền thống. Nếu cứ theo truyền thống, đi đúng quy trình thì rất chậm.

“Việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất tôi nghĩ rất đơn giản. Tài sản ở sân bay hiện nay thuộc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác thì đơn vị này cứ mở rộng ra, đâu nhất thiết phải đi tìm ông khác. Tài sản ông khai thác lâu nay rồi, giờ bảo ông khác vào là vô lý… Chúng ta phải nhìn cách đơn giản để làm, chứ vấn đề này bàn quá nhiều rồi…” - ông Cung nói.

Đồng tình, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất đang giao ACV quản lý, khai thác nhưng khi nâng cấp, mở rộng lại đặt vấn đề chọn nhà đầu tư.

“Rõ ràng điều này rất bất cập. Để giải quyết, khi sửa đổi Nghị định 102 về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay, chúng tôi sẽ đưa vào và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để thông qua. Chúng tôi cho rằng ngay cả dự án sân bay Long Thành cũng phải có cơ chế đặc thù mới đảm bảo hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2025 theo kế hoạch…” - ông Thắng nhấn mạnh.

Liên quan đến hạ tầng hàng không, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV, cho biết khi các hãng hàng không mới ra đời, hạ tầng phải được đáp ứng tốt. Tuy nhiên, sân bay Tân Sơn Nhất hiện nay đã quá tải, nhiều hãng mới dù có nhu cầu nhưng hết slot (giờ hạ, cất cánh).

“Vậy chúng ta có sốt ruột về hạ tầng không. Tôi đảm bảo là có. Nhà nước sốt ruột, Chính phủ, Bộ GTVT, doanh nghiệp cũng rất sốt ruột. Hãng hàng không sốt ruột về phát triển hạ tầng cảng. Có mỗi “anh cơ chế” cứ đủng đà đủng đỉnh…” - ông Thanh nói và cho rằng để giải quyết nút thắt trên Luật Hàng không dân dụng phải sửa đổi để tạo sự phát triển bình đẳng, lành mạnh.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn cho biết giai đoạn 2014-2018 thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, liên tục với mức độ tăng trưởng trung bình giai đoạn là 20,5% về hành khách và 13,2% về hàng hóa. Dự báo năm 2020, tổng thị trường đạt 86,8 triệu khách, tăng 10,8% so với năm 2019; đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn hàng hóa, tăng 11% so với năm 2019.

“Trong quá trình phát triển, mặc dù đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng còn rất nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh, cả với cơ quan quản lý nhà nước, với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không. Nên tại tọa đàm là cơ hội để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt các cơ hội, thách thức trong phát triển hàng không” - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn khẳng định.

Tin Cùng Chuyên Mục