Khởi tố 3 bị can
Ngày 3/5, một lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm thông tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) - Công an quận Nam Từ Liêm vừa quyết định khởi tố 3 bị can gồm: Lê Văn Hoàng (34 tuổi, cầm đầu), Lê Hoàng Phi (23 tuổi, em trai Hoàng, cùng quê tỉnh Bình Thuận) và Tạ Quang Minh (SN 1994, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội) để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015.
CQĐT cũng đang mở rộng điều tra vụ án, trong đó có nội dung điều tra các đối tượng mua và sử dụng bằng là cán bộ, quan chức. Lãnh đạo Công an quận Nam Từ Liêm đánh giá đây là đường dây làm giả con dấu, văn bằng có quy mô lớn với hàng nghìn con dấu của các trường đại học, cao đẳng và tiêu thụ tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Trước đó, qua công tác nắm bắt tình hình, Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện có đường dây chuyên làm văn bằng tốt nghiệp của các trường đại học chuyển từ TPHCM ra Hà Nội tiêu thụ với số lượng lớn do đó lập chuyên án điều tra.
Quá trình điều tra, đầu tháng 4, tổ công tác Đội Cảnh sát Kinh tế - Công an quận Nam Từ Liêm phát hiện Tạ Quang Minh đang vận chuyển văn bằng giả Trường Đại học Thăng Long để giao cho khách tại khu vực cổng ký túc xá Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Cảnh sát đã kiểm tra, lập biên bản và đưa đối tượng này về trụ sở để làm rõ.
Tại cơ quan công an Minh khai, nhận vận chuyển, tiêu thụ bằng giả ở TP Hà Nội cho Lê Văn Hoàng (34 tuổi) cùng em trai của Hoàng là Lê Hoàng Phi (23 tuổi, cùng quê tỉnh Bình Thuận). Ngay sau đó, tổ công tác thuộc Công an quận Nam Từ Liêm vào TPHCM để phối hợp làm rõ. Khám xét tại nơi ở của Hoàng, cơ quan công an phát hiện, thu giữ hơn 1 tấn phôi bằng, 1.200 con dấu của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp cùng nhiều máy móc, thiết bị. Sau đó, cả hai đối tượng này được di lý về Hà Nội để mở rộng điều tra.
Tiêu thụ hàng nghìn văn bằng giả
Tại cơ quan công an, bước đầu Hoàng khai, qua tìm hiểu trên mạng xã hội biết rất nhiều người có nhu cầu mua bằng, chứng chỉ giả. Nảy sinh ý định sản xuất và cung cấp số lượng lớn, Hoàng đầu tư khoảng 100 triệu đồng tìm mua các loại phôi, con dấu cùng các loại công cụ, máy móc để sản xuất bằng.
Hai đối tượng cầm đầu Lê Văn Hoàng (trái ảnh) và Lê Hoàng Phi tại cơ quan công an. Ảnh: Y.H
Sau khi tìm ra cách thức sản xuất, Hoàng thuê người lập trang web: lambangdaihoc.com.vn để quảng cáo, tư vấn và nhận đơn đặt hàng. Đồng thời, huy động em trai là Lê Hoàng Phi phụ trách đóng dấu, ký các văn bằng, chứng chỉ giả và hỗ trợ vận chuyển văn bằng cho khách hàng.
Với mỗi tấm bằng bán trót lọt, hai đối tượng này thu về từ 3-5 triệu đồng. Các đối tượng cũng khai các văn bằng, chứng chỉ giả đều được làm ở TPHCM, sau đó thuê người chuyển đi các tỉnh thành trên cả nước theo đơn đặt hàng. Trong đó, Hà Nội là thị trường tiêu thụ số lượng văn bằng giả nhiều nhất.
Trao đổi về “vấn nạn” bằng giả, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ÐT khuyến cáo đối với nhân dân: Không mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ (VBCC) giả. Các VBCC giả chắc chắn sẽ bị phát hiện và bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ðối với nhà tuyển dụng: Không chỉ quá đề cao bằng cấp mà chú trọng đến năng lực thực sự của người lao động, phù hợp với vị trí cần tuyển dụng. Khi tiếp nhận hồ sơ tuyển dụng, cần yêu cầu ứng viên cam kết về tính pháp lý của VBCC, coi đó là biện pháp phòng ngừa việc sử dụng VBCC giả.
Về cách phân biệt VBCC thật - giả, ông Mai Văn Trinh cho biết các phôi VBCC do Bộ GD&ÐT phát hành đều được dán tem chống giả. Bộ GD&ÐT cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục được tự chủ in phôi VBCC phải quy định ký hiệu nhận dạng và chống làm giả. Có thể căn cứ vào dấu hiệu này để phân biệt VBCC thật hay giả. Tất cả các VBCC được cơ quan, cơ sở giáo dục cấp đều có hồ sơ lưu trữ. Trong trường hợp có nghi vấn, cơ quan, đơn vị có thể xác minh tại cơ quan, cơ sở cấp VBCC.