Chúc mừng chuỗi rạp phim giá rẻ Beta Cinemas đã gọi thành công 8 triệu USD vốn đầu tư từ quỹ Nhật Bản Daiwa PI Partners ngay sau giai đoạn giãn cách xã hội. Việc gọi vốn này đã được bắt đầu từ khi nào và có gì khiến anh cảm thấy hài lòng nhất trong lần ký kết hợp tác này?
Không phải việc này chúng tôi vừa làm là đã thành công.
Thật ra công việc này chúng tôi đã khởi động từ đầu năm 2019 và đến cuối năm là có kết quả. Mọi thứ gần như đã sẵn sàng thì Covid-19 bùng phát nên bị chững lại, tưởng không biết bao giờ mới thực hiện được.
Trong thời điểm ấy, ai cũng đều bi quan. Nếu tôi cũng như vậy, nghĩ mọi thứ tồi tệ thì tự nhiên những năng lượng xung quanh sẽ dồn lại khiến cho việc đó thực sự sẽ xảy ra theo hướng không tích cực. Nên khi đó tôi giữ cho mình cảm xúc lạc quan để vượt qua mọi thứ.
Nó giống như một cái vòng xoay, nếu cố gắng đẩy nó lên từng chút một thì những năng lượng tích cực xung quanh sẽ hội tụ dần và sẽ khiến cho mọi chuyện ổn thôi.
Khi bắt đầu cụm rạp Beta Cinemas đầu tiên vào năm 2014, tôi cũng đã từng có lúc bế tắc và cảm thấy bi quan nhưng thật may mắn là đội ngũ đồng hành đã khiến tôi có thêm năng lượng, thêm niềm tin vào sứ mệnh phục vụ nhóm khách hàng đang bị bỏ ngỏ là học sinh, sinh viên và người thu nhập trung bình. Cho đến bây giờ đã có 12 cụm rạp rồi, tôi mới cảm thấy thấm thía hơn việc năng lượng tích cực đã lan tỏa và mình nhất định sẽ thành công.
Đây không phải lần đầu tiên Beta Cinemas nhận được vốn đầu tư, và nếu tính trên tổng vốn được nhận thì con số đến nay là rất lớn. Có bất đồng nào từng nảy sinh giữa anh với các nhà đầu tư đã và đang hợp tác với Beta Cinemas hay không?
Không có bất đồng lớn, bởi vì tất cả mọi người đều vì sự lớn mạnh của doanh nghiệp thôi. Cái khác nhau trong suy nghĩ hay trong tư duy, cách làm, những việc nhỏ, cụ thể sẽ có, nhưng giống như mọi việc trong cuộc sống, những mâu thuẫn đó sẽ là động lực cho chúng tôi phát triển. Chứ cứ một mình một ý, chỉ làm những gì mình nghĩ thì có mọi người để làm gì?
Mọi thứ đều do cách mình tiếp cận vấn đề. Khi thấy mọi người có góc nhìn khác, quan niệm khác, cách làm khác, nếu mình có tư duy tích cực thì sẽ lắng nghe, đàm phán và trao đổi thì có thể đưa hoạt động của công ty đến một điểm tối ưu mới tốt hơn. Đấy là cách thức để tôi sống chung được với cả các nhà đầu tư bên ngoài, lẫn nhân viên bên trong công ty.
Trong công bố về khoản đầu tư mới, Beta Cinemas có nhấn mạnh đến việc mở rộng hoạt động nhượng quyền. Quá trình này sẽ được thực hiện ra sao trong thực tế?
Trước đây, dù có thể nhưng tôi không thực hiện việc nhượng quyền một cách gấp gáp. Tôi mất 6 năm để xây dựng đội ngũ, chuẩn bị những kiến thức, quy trình trong doanh nghiệp, và giờ mới “dám” đi nhượng quyền.
Với mô hình franchise - nhượng quyền thương hiệu - hiện tại Beta Media rất mong muốn tìm được những đối tác ở các địa phương, đặc biệt là những nơi chưa có rạp chiếu phim. Những gì mà Beta có là cách thức vận hành, thương hiệu, cách vận hành một rạp phim và hoạt động hiệu quả, cũng như mạng lưới có thể hỗ trợ qua lại lẫn nhau từ công nghệ đến các hoạt động hàng ngày.
Điều tôi cần ở các địa phương chính là chủ đầu tư am hiểu về địa bàn hoạt động của mình và có những lợi thế nhất định ở đó để giúp Beta quản trị, vận hành cũng như có vị thế trên thị trường một cách nhanh chóng.
Đây sẽ là công cuộc tìm kiếm mà hai bên phải gặp được nhau cả về tư duy, cách làm cũng như điều kiện để có thể làm tốt công việc của mình. Bởi vì tôi hiểu, để đi xa được thì phải tìm được người “môn đăng hộ đối”, cũng như sẵn sàng đi cùng nhau thời gian dài.
Anh không đặt yêu cầu về vốn đối với đối tác làm ăn với mình?
Vốn trong kinh doanh thì quan trọng đấy, nhưng nó chỉ là một yếu tố thôi. Khó khăn lớn nhất là ở tâm lý.
Ai cũng thế, đã kinh doanh thì chắc chắn đều phải trải qua những vấp ngã, không thành công. Ai cũng sẽ có những lúc như vậy, nhưng làm sao để mình có đủ dũng khí và đủ tâm lý để mình vượt qua được những việc đấy.
Tất nhiên tôi cũng có lúc lo lắng, lo vì chính Beta Media. Cứ nhìn đại cục ổn thì nghĩ mình sẽ vượt qua, nhưng lúc rơi vào, có thể chỉ nhìn thấy toàn khó khăn và tuyệt vọng. Có lẽ trong cuộc sống của mỗi người, ai cũng có những lúc như vậy.
Vậy giai đoạn nào là khó khăn nhất với doanh nghiệp của anh?
Có lẽ là giai đoạn Covid-19 vừa rồi. Nhưng tôi nghĩ, không phải mình tôi đâu mà tất cả mọi người đều trải qua quãng thời gian khó khăn như thế.
Lúc ấy anh nghĩ gì?
Tôi tìm lại những năng lượng tích cực cho mình bằng nhiều cách khác nhau. Tôi trao đổi với bạn bè, gia đình, lo cho cuộc sống của mình, của những người xung quanh, tìm những việc mình có thể làm.
Bởi vì trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có những việc mình có thể kiểm soát được, có những việc mình không thể kiểm soát được. Cố gắng đừng để tâm mình vào những việc mình không thể kiểm soát được, vì nó chỉ làm cho mình bi quan hơn. Tôi điều chỉnh cảm xúc của mình từ từ, mỗi ngày, mỗi ngày rồi cũng qua.
Anh không chỉ làm mảng phân phối phim mà còn là nhà sản xuất nữa, trong khi sản xuất phim có rất nhiều yếu tố và kỹ năng đặc thù. Là người không học chuyên ngành, anh có gặp khó khăn gì khi bắt tay vào làm không?
Đến tận bây giờ, nếu nói chân tình, tôi vẫn chưa biết cách làm tốt công việc sản xuất phim như thế nào. Tôi nghĩ, con đường sản xuất phim và công việc về điện ảnh và văn hoá nó là một chặng đường rất dài.
Các công việc kinh doanh, tôi có thể nhìn nhận nó chỉ là dự án, thấy hợp thời thì kinh doanh mô hình này, mô hình kia, nếu hết thời thì lại đổi hướng, nhưng làm điện ảnh và văn hoá với tôi sẽ là sự nghiệp cả đời.
Khó khăn nhất với tôi trong nghề này là không được đào tạo về chuyên môn, niềm tin của mọi người trong nghề dành cho mình chưa nhiều. Cách tôi làm là đang gây dựng từ từ, cố gắng học hỏi mỗi ngày một chút.
Tôi tin, câu chuyện trong những tác phẩm sau này chắc chắn sẽ càng ngày càng đắp đầy qua năm tháng, ngày càng có chiều sâu và thú vị hơn.
Đến tận bây giờ tôi vẫn đang đi học thêm về diễn xuất và đạo diễn. Và càng học thì lại càng thấy mình kém. Nhưng cũng hay, tôi sẽ lấy lại được sự khiêm tốn trong mình để nhìn mọi việc một cách tĩnh lặng hơn.
Đứng ở góc độ nhà sản xuất, anh đánh giá thế nào về những bộ phim mình đã làm bởi trên thực tế dù cả 3 phim sở hữu dàn diễn viên đình đám nhưng có vẻ các tác phẩm này vừa không được đánh giá cao về chuyên môn, lẫn đạt doanh thu khả quan?
Tính đến hiện tại, tôi đã sản xuất ra rạp 3 phim “Ngày mai - Mai cưới”, “Tìm vợ cho bà”, “Kế hoạch đổi chồng”. Thực ra ngay từ khi làm xong tôi đã thấy là nó dở rồi (Cười). Tuy nhiên, các dự án phim cũng chiếm tỷ trọng nhỏ trong hoạt động đầu tư của chúng tôi. Hơn nữa, nếu nhìn từ góc độ dự án là thử nghiệm, khảo sát cách làm, những bài học trong ngành…, cá nhân tôi cảm thấy hài lòng.
Trước đó, sản xuất phim với tôi là một con số 0. Nhưng sau 3 dự án, tôi đã hiểu muốn làm phim cần trải qua những công đoạn nào, phải làm việc với ai, để thành công phải có những yếu tố gì. Cái nhìn lúc này chưa đầy đủ nhưng ít nhất cũng không lờ mờ giống như ở ngoài sáng và nhìn vào phía trong bóng tối nữa.
Dẫu vậy, xét một cách khách quan chất lượng nghệ thuật, tôi không hài lòng, dù vị trí của tôi chỉ sản xuất thôi. Còn ở về góc độ tài chính, tôi hài lòng với những gì mình bỏ ra và thu nhận được.
Nghệ thuật thì không phán xét được. Nghệ thuật là cảm quan, mỗi người một góc nhìn, một cách đánh giá. Bản thân tôi lúc nào cũng khó tính và cầu toàn với tất cả những thứ mình làm.
Kể cả bây giờ nếu nghe lại bản thu bài “Việt Nam ơi” do chính mình sáng tác và thể hiện đã rất thành công trước đó, vẫn có những thứ tôi cảm thấy chưa hài lòng. Có những câu, những chữ mỗi lần nghe là tôi cảm thấy khó chịu, nhưng có lẽ cũng chỉ một mình tôi cảm thấy như thế. Mọi người nghe thì mọi người thích bởi cảm nhận, cảm thụ về chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật đôi khi là theo thời kỳ và góc nhìn của mỗi người.
Vậy còn 2 dự án sắp tới, khi mà anh đã biết trước việc mình đã sai những gì và cần làm như thế nào?
“Huyền sử Lang Liêu” là phim đầu tiên mà tôi sẽ đứng ra làm đạo diễn, chịu trách nhiệm về nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm. Vậy nên tôi muốn mình chuẩn bị cho kỹ: đi học về diễn xuất, đạo diễn, biên kịch. Nếu cần, tôi tìm kiếm những tài năng từ các nước lân cận, ở những nền điện ảnh phát triển hơn để họ dạy mình cách làm.
Còn bao giờ để sẵn sàng làm việc đó và làm thật tốt dự án đó thì tôi chưa biết được. Tôi bây giờ giống như một cậu bé và đang đi học, chỉ biết chắc chắn sẽ tốt nghiệp chứ chưa xác định được ngày tốt nghiệp .
Còn dự án phim với Thái Lan, chúng tôi đảm nhận vai trò nhà sản xuất và đang trong giai đoạn hậu kỳ. Phim có hợp tác với một số nghệ sĩ, diễn viên ở Thái Lan và quay cùng lúc cả 2 thứ tiếng (tiếng Việt và tiếng Thái), tôi thấy cũng khá thú vị.
Phim dự kiến sẽ chiếu ở thị trường Việt Nam trước để xem phản ứng của khán giả rồi mới đưa sang Thái Lan.
Anh có bao nhiêu phần trăm tự tin vào dự án lần này?
Với một tác phẩm phải xong hết mới đánh giá được. Giống như gần đây tôi có viết nhạc cho một bên đối tác, từ giai đoạn viết nhạc cho đến demo, bản master, lần nào làm tôi cũng thấy nó khác nhau hoàn toàn.
Khi đưa bản demo cho một người không làm trong nghề nhiều nghe, và thậm chí bản thân tôi là người làm, tôi cũng nghe demo thì thấy chưa hay, nhưng khi làm ra master thì mới thấy nó hay.
Người ta hay nói, nghệ sĩ mà đi làm kinh doanh thì hay bị cảm xúc chi phối. Bản thân anh có nghĩ thế không?
Tôi cho rằng đó là một quan điểm sai. Khi tôi làm việc cùng chị Kathy Uyên tôi mới thấy, thực ra lao động nghệ thuật là một loại lao động cực kỳ nghiêm túc và kỷ luật. Nó khác hoàn toàn với cách mọi người vẫn nghĩ về giới nghệ sĩ.
Đầu óc mộng mơ và sống quá cảm xúc thực ra không phải là "nghệ sĩ tính" đâu. Cảm xúc là điều vô cùng cần trong kinh doanh. Bởi vì cuối cùng mọi suy nghĩ, hành động… của con người đều được chi phối bởi cảm xúc.
Tuy nhiên, khi mình làm nghệ thuật mà kiểm soát tốt và biết đặt cảm xúc vào đúng thời điểm cũng như dùng nó để kết nối được với cảm xúc của người khác thì sẽ dễ đạt được các mục tiêu hơn.
“Cảm xúc lung tung” chỉ có ở những nghệ sĩ không giỏi, thiếu tự tin trong tâm hồn và phải dùng những nhiều thứ bề ngoài để chứng minh cho bản thân cũng như người xung quanh về danh xưng “Tôi là nghệ sĩ”. Những người như thế thường không đạt được nhiều thành tựu trong công việc.
Với nghệ sĩ thực thụ, họ chăm chỉ, miệt mài luyện tập, rèn luyện những kỹ năng cho công việc và sẽ cống hiến đúng lúc, đúng chỗ. Họ nổi tiếng nhờ sự cống hiến, tài năng và sản phẩm, chứ không phải vì những scandal gây chú ý.
Scandal cũng giống như chỉ là đòn đánh ngắn hạn. Còn tôi làm nghệ thuật dài hạn nên sẽ không dùng cách như vậy. Tôi chấp nhận kết quả công việc của mình sẽ không bùng nổ trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, nó lại tạo nên nền móng vững chắc. Cách đó rất ổn mà!
Anh tự nhận mình là người cầu toàn, vậy chắc hẳn cũng đòi hỏi nhân viên ở một mức độ chẳng thua kém. Một người sếp mà khó tính và quá cầu toàn như vậy liệu có làm nhân viên thấy mệt mỏi?
Tôi nghĩ đúng là nhân viên mệt với mình đấy! Nhưng bản thân sự mệt đó nó là một màng lọc. Những người sẵn sàng chấp nhận tức là hiểu rằng để đạt được những thành tựu thì bắt buộc phải mệt, và họ sẽ ở lại với tôi. Còn những người cảm thấy "mệt quá, không bõ, không đáng" và rồi ra đi, thì tôi cũng chấp nhận thôi.
Tôi nghĩ, cuộc sống là một sự xáo trộn để sắp xếp không ngừng, cái gì hợp lý thì nó sẽ tồn tại và ngược lại, cái gì tồn tại thì hợp lý. Thành ra, bảo mệt là đúng, nhưng bù lại sẽ có những thứ khác các bạn nhận lại được từ thứ mệt ấy.
Bận rộn với nhiều việc như vậy, thời gian anh nào dành cho bản thân?
Bạn bè, đối tác hay người thân đều cho rằng tôi rất bận, nhưng thực ra tôi cũng không bận lắm đâu (Cười).
Một ngày tôi chỉ làm việc mấy tiếng đồng hồ, còn lại tôi có rất nhiều thời gian rảnh. Ngồi xem, ngồi nghĩ. Với vị trí và vai trò của mình thì một ngày chỉ dành thời gian để làm việc không thôi thì sẽ không thực sự hiệu quả.
Tôi cần phải có thời gian dành cho bản thân mình: suy nghĩ, giao thiệp, đi ra ngoài, đi ăn, đi chơi, nghe nhạc, xem phim… Tưởng như là chơi nhưng thực ra cũng là làm. Từ đó, để mình có vốn sống nhiều hơn, có những góc nhìn, nhân sinh quan phong phú và đủ rộng… cũng là để phục vụ cho công việc.
Mọi người vẫn biết đến Minh Beta là ca sĩ, nhạc sĩ và doanh nhân. Cá nhân anh muốn được mọi người nhìn nhận mình ở vai trò nào?
Tôi muốn mọi người biết đến mình với vai trò là một creator, tức là người tạo dựng, sáng tạo. Khi là creator, tôi có thể tạo dựng bất kỳ tác phẩm, sản phẩm hay cả một doanh nghiệp.
Bởi lẽ, đích đến của tất cả những việc tôi làm đều là để tạo ra giá trị cho xã hội. Dù nó có là công cụ, hay là doanh nghiệp thì nó cũng tạo ra giá trị bằng sản phẩm thực tế.
Anh đặt ra mục tiêu cho tương lai gần của mình là gì?
Tôi cho rằng một mục tiêu đẹp là vừa đủ xa để quyết tâm nhưng cũng vừa đủ gần để có thể đạt được. Với tôi, mục tiêu hiện nay là phát triển được 50 rạp chiếu phim trên toàn quốc trong 3 năm tới. Đây là một cột mốc đẹp, bởi vừa đủ tham vọng để mình phải cố gắng nhiều nhưng cũng là mục tiêu có thể đạt được chứ không phải quá viển vông, xa vời.
Có một mục tiêu mà kể cả trong tương lai gần và tương lai xa tôi luôn biết mình chưa bao giờ và sẽ không bao giờ đạt được, đó chính là bản thân phải thật hoàn hảo trong mọi thứ. Bởi vì, tôi cho rằng mình sẽ mãi là một bản Beta!
Ảnh: NVCC | Thực hiện: Phương Thảo