FPT Retail (FRT) vừa công bố dự thảo đại hội cổ đông thường niên với một nội dung rất đáng chú ý. Doanh nghiệp thuộc hệ thống của đại gia từng đứng ở vị trí số 1 trong bảng giàu có nhất Việt Nam Trương Gia Bình (2006) định hướng tấn công vào bán lẻ dược phẩm.
Theo đó, trong năm 2019, FPT Retail dự kiến mở rộng chuỗi nhà thuốc Long Châu lên 70 cửa hàng và gia tăng độ phủ sóng ra toàn quốc. FPT Retail kỳ vọng sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3-4 năm tới, mảng dược đóng góp khoảng 40% doanh thu của FPT Retail với doanh thu đạt khoảng 10.000 tỷ đồng.
Cũng theo kế hoạch, FPT Retail sẽ tăng trưởng doanh thu 16% lên 17,7 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận tăng 20% lên 418 tỷ đồng.
FPT Retail không phải là doanh nghiệp đầu tiên nhìn thấy triển vọng lớn trong mảng bán lẻ dược phẩm, mà trước đó tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và ông trùm bán lẻ Nguyễn Đức Tài, người nổi danh với chuỗi cửa hàng bán lẻ điện thoại Thế giới Di động cũng đã tấn công vào lĩnh vực này.
Cuối 2018, Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng đã chính thức thông báo gia nhập vào mảng bán lẻ dược phẩm với chuỗi hơn chục nhà thuốc VinFa đầu tiên với một lợi thế không hề nhỏ: nằm kế bên cửa hàng Vinmart+ (cũng của Vingroup) vốn đã có thương hiệu và hút khách hàng khá lớn trong thời gian qua.
Trước đó, Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài cũng đã đầu tư vào chuỗi bán lẻ dược phẩm với thương hiệu nhà thuốc An Khang và FPT Retail.
Hầu hết các dự báo gần đây đều cho thấy, ngành dược sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm, thậm chí trong dài hạn. Việt Nam vẫn là một quốc gia có dân số trẻ, đang phát triển. Chi phí thuốc bình quân/người tại Việt Nam vẫn thấp, chỉ bằng 20-50% so với các nước trong khu vực, dưa địa cho tăng trưởng ngành dược còn nhiều.
Quy mô ngành dược được đánh giá là rất lớn với giá trị khoảng 5 tỷ USD năm và có thể gia tăng do thu nhập của người dân được cải thiện, nhu cầu của người dân gia tăng liên tục trong những năm gần đây.
Đây có lẽ là lý do để cả MWG của ông Nguyễn Đức Tài và FPT Retail của ông Trương Gia Bình chọn bán lẻ dược làm một trong những ngành chiến lược cho năm nay và các năm tới. Dược phẩm cũng được chọn sau khi bán lẻ điện thoại, điện máy bắt đầu có dấu hiệu bão hòa về số lượng các chuỗi phủ trên khắp cả nước. Bán lẻ thực phẩm và tạp hóa cũng phát triển với tốc độ rất nhanh.
Ông Trương Gia Bình.
Trước đó, tại đại hội cổ đông 2018, lãnh đạo FPT Retail cho biết năm 2018 công ty không còn thử nghiệm tại mảng dược mà sẽ chính thức đầu tư và đẩy mạnh mảng bán lẻ dược.
Trong khi đó, với tiềm lực tài chính mạnh, Vingroup từ cuối năm 2017 đã có dự án "Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Thuốc VinFa" tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với tổng vốn đầu tư 2.200 tỷ đồng.
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) gần đây cũng có kế hoạch trồng 5.000ha dược liệu sau khi được Thaco của ông Trần Bá Dương rót vốn thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp.
Đây là những tín hiệu cho thấy ngành dược sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới. Bán lẻ trong lĩnh vực này cũng có triển vọng sáng sủa.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, thách thức cũng không nhỏ. Trong thời gian đầu, sau khi thâu tóm các chuỗi dược phẩm, các đại gia sẽ gặp khó. Theo dự báo, FPT Retail có thể sẽ chứng kiến chuỗi Châu Long lỗ khoảng 15 tỷ đồng do các khoản đầu tư vào kho thuốc và khối hỗ trợ (back office), kéo lùi lợi nhuận chung của doanh nghiệp.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đã giúp VN-Index vững trên ngưỡng 1.000 điểm. Các cổ phiếu có diễn biến tích cực như: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Techcombank của ông Hồ Hùng Anh, HDB của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo; Chứng khoán Sài Gòn SSI, Chứng khoán HCM,... Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài, PNJ của bà Cao Thị Ngọc Dung tăng điểm.
Ở chiều ngược lại, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng chịu áp lực chốt lười; Petrolimex, FPT của ông Trương Gia Bình, VJC của bà Thảo, GAS... cũng giảm điểm.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt, xu hướng tăng điểm của thị trường sẽ được duy trì và chỉ số sẽ tiến đến vùng kháng cự mạnh 1019-1024. Tại đây, lực bán gia tăng làm xuất hiện khả năng đảo ngược xu thế hiện tại. Với diễn biến hiện nay, BVSC cho rằng nhà đầu tư có thể tiếp tục nắm giữ các cổ phiếu đang có trong danh mục và xem xét giảm tỷ trọng khi VnIndex đi vào vùng kháng cự mạnh như đã nêu trên.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 13/3, VN-Index tăng 4,09 điểm lên 1005,41 điểm; HNX-Index tăng 0,27 điểm lên 109,82 điểm. Upcom-Index tăng 0,19 điểm lên 56,77 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 290 triệu đơn vị, trị giá 6,1 ngàn tỷ đồng.