Giờ đây, các nhà sản xuất mì ăn liền lớn đang tìm kiếm thêm cơ hội tại các thị trường đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil.
Hội nghị quy tụ các “ông lớn” mì ăn liền thế giới đã diễn ra ngày 22, 23/8 để thảo luận về xu hướng thị trường toàn cầu.
"Trung Quốc và Ấn Độ còn không gian để tăng trưởng hơn nữa", một người tham gia cho biết tại cuộc họp. Mì ăn liền thường bị loại bỏ vì thiếu dinh dưỡng. Nhưng " khi nhu cầu đang gia tăng trở lại ở Indonesia, nhận thức đó phải được xóa bỏ", một đại biểu khác cho hay.
Khoảng 100.1 tỷ gói mì ăn liền đã được bán trên toàn thế giới trong năm 2017, đánh dấu mức tăng 10% so với năm 2008, theo Hiệp hội Mì Ăn liền Thế giới. Trong khi 80% doanh thu đến từ châu Á, các thị trường khác cũng đang phát triển. Bắc Mỹ chiếm 5 tỷ gói, trong khi Trung và Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi, và châu Âu chiếm 3 tỷ gói/ từng khu vực.
Còn Nhật Bản - nơi khai sinh của mì ăn liền, đang mờ dần trong bức tranh. Nước này tiêu thụ 5,7 tỷ gói mì mỗi năm, chiếm 6% tổng lượng tiêu thụ trên toàn thế giới. Còn bốn công ty hàng đầu Nhật Bản chỉ chiếm hơn 20% thị phần toàn cầu.
Tập đoàn quốc tế Ting Hsin của Đài Loan, công ty sở hữu thương hiệu Master Kong nổi tiếng ở Trung Quốc đại lục, hiện là nhà sản xuất mì ăn liền số 1 thế giới về doanh thu với 15% thị phần, theo Euromonitor International. Nissin Foods Holdings theo sau với 12%, sau đó là Indofood Sukses Makmur của Indonesia với 7%.
Các công ty Nhật Bản đang mở rộng hoạt động ở nước ngoài với hy vọng chiếm lại thị phần. Nissin đã mở một nhà máy hiện đại ở tỉnh Chiết Giang của Trung Quốc vào năm 2017, hiện đang hoạt động hết công suất.
Công ty đã từng có sản phẩm chủ đạo là mỳ hương vị hải sản với mức giá cao ở Trung Quốc, tuy nhiên, hiện lại tập trung vào mì ramen tonkotsu vị thịt lợn. Trong khi Đài Loan vẫn đang dẫn đầu thị trường mì ăn liền tonkotsu, Nissin hi vọng những du khách đến Nhật Bản và nếm thử hương vị nguồn gốc thực sẽ thích sản phẩm của họ.
Tại Trung Quốc, "việc ra quyết định và quá trình phát triển sản phẩm sẽ được thực hiện theo từng địa phương để đáp ứng nhanh hơn với nhu cầu", Kiyotaka Ando, người đứng đầu chi nhánh Trung Quốc của Nissin, nói.
Acecook, công ty mì ăn liền chiếm hơn một nửa thị phần tại Việt Nam, coi Myanmar là điểm đến lớn tiếp theo. Công ty này đã thành công ở Việt Nam thông qua nhiều sản phẩm, trong đó có mì vị tôm cay nóng lấy cảm hứng từ ẩm thực địa phương. Acecook hiện đang phát triển một loại mì cay hơn nữa để phù hợp với thị hiếu ở Myanmar. Nissin cũng đang cạnh tranh thị phần Myanmar, nơi tập đoàn này đang làm việc với một đối tác địa phương về quá trình sản xuất.