Xung quanh vấn đề hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ảnh hưởng dịch COVID-19, Ông Phạm Như Ánh, Thành viên Ban điều hành Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã CK: MBB) có cuộc trao đổi với phía báo chí về những chính sách cụ thể trong 5 tháng cuối năm.
Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến căng thẳng, gây ra những khó khăn rất lớn cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp và người dân, MB có những chính sách như thế nào dành cho khách hàng?
Ông Phạm Như Ánh: 5 tháng cuối năm, MB dự toán giảm 1.000 tỷ đồng tiền lãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của COVID-19. Cùng với đó, Ngân hàng thực hiện gia hạn nợ gốc để giúp khách hàng có thêm nguồn lực đi qua khó khăn.
Cụ thể hơn, đối với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid, ngay từ đầu năm 2021, MB đã thực hiện các chính sách miễn giảm lãi. Cùng với đó, chúng tôi thực hiện gia hạn trả nợ gốc, lãi theo Thông tư 03/NHNN cho các khách hàng này. Ngay từ khi đại dịch bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam, MB đã nhanh chóng thực hiện các chương trình miễn giảm lãi, gia hạn nợ cho các khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch, theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.
Trong 5 tháng cuối năm 2021, MB giảm 1.000 tỷ đồng lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đến giữa tháng 8, MB đã giảm 400 tỷ đồng số tiền lãi lũy kế đến cuối năm. Cuối tháng 8, MB giảm thêm 300 tỷ đồng nữa. Số tiền 300 tỷ đồng còn lại sẽ được MB giảm trong các tháng còn lại của năm 2021.
Mỗi khách hàng có những đặc thù khác nhau, mức lãi suất hỗ trợ cụ thể giảm cho khách hàng của MB là như thế nào, thưa ông?
- Đối với lãi suất hỗ trợ cho khách hàng, MB giảm từ 0,5%-1,5%, tùy theo nhóm khách hàng và mức độ khách hàng chịu ảnh hưởng của đại dịch. Tại mức lãi suất này, có khoảng 70.000 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng cá nhân, 50.000 tỷ đồng dư nợ đối với khách hàng doanh nghiệp được hưởng chính sách giảm.
Cùng với việc giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hành, chúng tôi cũng xây dựng các gói lãi suất cũng như các sản phẩm cho vay mới và với lãi suất thấp hơn 0,5-1,5% so với biểu lãi suất thông thường trước đây của MB. Với các sản phẩm, dịch vụ mới, MB giảm lãi suất cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.
Cụ thể, MB phân loại nhóm khách hàng như thế nào? Khách hàng cần đáp ứng các thủ tục, điều kiện gì để nhận được ưu đãi từ MB?
- Trước hết, về nhóm khách hàng, MB giảm lãi suất cho các nhóm khách hàng ưu tiên theo định nghĩa của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Quân đội. Đối với các khách hàng cũ, chúng tôi thực hiện giảm ngay cho các nhóm khách hàng ưu tiên. Chúng tôi thông báo đến những khách hàng được giảm lãi suất bằng văn bản cùng với việc nhắn tin tới khách hàng. Khách hàng không cần ký kết các văn bản và đề nghị gì với MB.
Đối với các khách hàng giải ngân mới, thuộc đối tượng ưu tiên của MB, chúng tôi sẽ áp dụng biểu lãi suất mới để đảm bảo khách hàng được giảm 0,5%-1% so với trước. Chúng tôi cũng thực hiện cách thông tin đến khách hàng bằng văn bản và tin nhắn. Các thủ tục diễn ra rất đơn giản, chúng tôi thông báo tới khách hàng để tự đồng giảm trên hệ thống.
Với chính sách doanh nghiệp được cơ cấu nợ của NHNN, doanh nghiệp được hỗ trợ như thế nào, thưa ông?
- Đợt dịch bùng phát lần thứ 4 diễn ra trên diện rộng, đã ảnh hưởng đến cả các khách hàng được thực hiện cơ cấu nợ theo Thông tư 03/NHNN và những khách hàng chưa thực hiện cơ cấu theo Thông tư 03. Chuỗi sản xuất của một số ngành, lĩnh vực đang tạm thời bị gián đoạn, đặc biệt là những lĩnh vực như du lịch hay các lĩnh vực sản xuất có nhiều người lao động bị mắc Covid. Do đó, toàn bộ dòng tiền của rất nhiều chủ thể bị ảnh hưởng bởi đại dịch, theo đó, việc cơ cấu giãn thời gian trả nợ gốc và lãi cho cả khách hàng đã được cơ cấu và chưa được cơ cấu là vô cùng cần thiết.
Tại MB, chúng tôi tuân thủ theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch gây ra nhiều khó khăn hơn, theo chúng tôi, việc giãn thời gian trả nợ gốc và lãi theo dự thảo Thông tư mới của Ngân hàng Nhà nước là cần thiết và phù hợp, nhằm giúp cho nhiều chủ thể phục hồi sản xuất, quay vòng vốn để từ đó, phù hợp với thời hạn của các khoản vay cũ và mới mà khách hàng cần thanh toán khi đến hạn.
Trong điều kiện giãn cách để tránh lây lan của dịch bệnh, MB có giải pháp nào để duy trì dòng chảy tín dụng tới khách hàng mà vẫn hạn chế tiếp xúc?
- Các ngân hàng nói chung, không chỉ riêng MB đều gặp khó khăn khi có những nghiệp vụ cần tiếp xúc như thẩm định, ký kết văn kiện. Giai đoạn này, MB chuyển dịch từ tiếp xúc trực tiếp sang nhận hồ sơ thông qua các kênh giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, MB cũng nâng cấp hai nền tảng dành cho khách hàng là App MBBank (đối với khách hàng cá nhân) và Biz MBBank (đối với khách hàng doanh nghiệp) để khách hàng có thể dễ dàng tiếp cận dòng vốn tín dụng từ Ngân hàng trên hai nền tảng online này.
Cảm ơn chia sẻ của ông!