May 10 lãi ròng quý III/2022 tăng 57%

Tứ Liên

Kết thúc 9 tháng năm 2022, Tổng Công ty May 10 – Công ty cổ phần (UPCoM: M10) cán mốc doanh thu gần 3,465 tỷ đồng (tăng 43% so với cùng kỳ) và đạt gần 92 tỷ đồng lãi trước thuế (tăng 53%), lần lượt thực hiện 91% mục tiêu doanh thu và 76.5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Lãi ròng 9 tháng hơn 75 tỷ đồng

Theo thống kê, quý III/2022, M10 ghi nhận doanh thu thuần 1.382 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng tăng nhanh hơn (41%), khiến biên lợi nhuận gộp thu hẹp từ 10,1% xuống 8,7%.

May 10 lãi ròng quý III/2022 tăng 57%  - Ảnh 1

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt, đạt 32,3 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần cùng kỳ, chủ yếu đến từ lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính cũng tăng mạnh tương tự, lên gần 28 tỷ đồng (gấp 2,7 lần). 

Các chi phí khác như chi phí bán hàng, chi phí quản lý tăng lần lượt 6% (đạt hơn 42,8 tỷ đồng) và 24% (đạt gần 52 tỷ đồng). Kết quả, M10 lãi ròng gần 25 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, M10 thu về 3.464 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 43% so với cùng kỳ và lãi ròng hơn 75 tỷ đồng, tăng 51%.

Tại ĐHĐCĐ thường niên diễn ra vào tháng 4/2022, Công ty đã thông qua kế hoạch tổng doanh thu 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 120 tỷ đồng. Kết thúc 9 tháng đầu năm, May 10 thực hiện được 91% mục tiêu tổng doanh thu và 76,5% mục tiêu lợi nhuận trước thuế. 

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của M10 tại ngày 30/9/2022 gần 2.339 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Phần tăng đến từ khoản mục tiền và các khoản tương đương tiền đạt gần 348 tỷ đồng (cao gấp hơn 9 lần đầu năm), chiếm chủ yếu là tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn (342 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng 11%, lên gần 580 tỷ đồng, phần lớn là phải thu ngắn hạn của khách hàng với hơn 524 tỷ đồng. 

Tại cuối tháng 9, hàng tồn kho đạt hơn 750 tỷ đồng, giảm 12% so với đầu năm, trong đó nguyên vật liệu và thành phẩm hơn 564 tỷ đồng (chiếm gần 75% tỷ trọng). Ngoài ra, Công ty giảm trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho còn hơn 8 tỷ đồng (giảm 45%).

Điểm nhấn khác là chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm hơn 99%, còn gần 388 triệu đồng - so với 71 tỷ đồng đầu năm. Nguyên nhân là Công ty đã hoàn thiện các dự án xây dựng dở dang từ đầu năm như dự án mở rộng năng lực sản xuất XN May Bỉm (hơn 39 tỷ đồng); dự án mở rộng xí nghiệp may Hưng Hà (hơn 28 tỷ đồng)… 

Nợ phải trả tại thời điểm này hơn 1.897 tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm, gấp 4,3 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng 21%, lên gần 1.694 tỷ đồng; nợ dài hạn hơn 203 tỷ đồng, tăng 84%.

Điểm nhấn đến từ vay nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 614 tỷ đồng (tăng gần 81%); vay nợ thuê dài hạn gần 171 tỷ đồng (gấp 2,5 lần); phải trả người lao động hơn 326 tỷ đồng (tăng 16%); chi phí phải trả ngắn hạn hơn 30 tỷ đồng (gấp gần 114 lần). Ngược lại, khoản phải trả người bán ngắn hạn giảm 16%, còn gần 582 tỷ đồng.

Vượt khó nhờ linh hoạt, chủ động

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc May 10 cho biết, trong hơn 2 năm qua, bản thân ông và tập thể hàng chục nghìn người lao động May 10 đã thực sự thay đổi mạnh mẽ và toàn diện, từ tốc độ ra quyết định, tốc độ làm việc đến thay đổi tư duy, thói quen…

Hiện nay, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, không ít doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp – doanh nhân vẫn hoạt động tốt và không ngừng phát triển nhờ áp dụng tốt công nghệ 4.0.

Ông Thân Đức Việt, chia sẻ, đơn vị đã tích cực nghiên cứu nâng cao giá trị của sản phẩm dựa trên áp dụng phần mềm, công nghệ hiện đại vào sản xuất kinh doanh. Hiện với hàng xuất khẩu, May 10 tập trung vào phân khúc trung cao cấp, sản phẩm mang tính thời trang chất lượng cao, giá cao, kết cấu phức tạp. Đối với hàng nội địa, Tổng công ty tập trung vào tất cả các phân khúc, từ cao cấp tới bình dân…

Trong xu hướng phát triển, doanh nghiệp luôn duy trì mục tiêu làm đơn hàng khó, kết cấu sản phẩm phức tạp, chuyển đổi sản phẩm nhanh, mang tính thời trang, thời gian giao hàng nhanh. Để làm được điều này, buộc doanh nghiệp phải có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Hiện nay May 10 đã ứng dụng tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm áp lực về nhân công lao động. Bên cạnh đó, May 10 cũng đang áp dụng các phần mềm quản lý tiên tiến cho công tác quản trị.

Có thể thấy, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào trong sản xuất đã giúp các doanh nghiệp trong ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng phù hợp với xu hướng.

Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian qua, việc áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, triển khai sáng kiến đã giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, vượt khó thành công.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đón đầu những xu thế chung của các thị trường mà dệt may Việt Nam đang hướng đến, cần phải đẩy mạnh triển khai hơn nữa công tác này trong thời gian tới, đảm bảo và tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tin Cùng Chuyên Mục