Chưa đầy một tháng từ ngày mở bán, những chiếc iPhone 15 Plus lock (khóa mạng) đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam. Chúng đã sửa lỗi không nhận SIM và có thể nghe gọi hay truy cập dữ liệu di động bình thường.
Từng là dòng máy được không ít khách hàng tại Việt Nam quan tâm nhờ giá rẻ hơn so với máy quốc tế, tuy nhiên những chiếc iPhone khoá mạng hiện tại chẳng còn được nhiều người quan tâm vì độ kém ổn định khi sử dụng.
Theo đó, một số dân buôn tại TP.HCM và Hà Nội đã chào bán iPhone 15 Plus khoá mạng từ thị trường Mỹ với giá từ 19-20 triệu đồng cho bản bộ nhớ trong 128GB, rẻ hơn khoảng 20% so với hàng chính hãng. Những người này cho biết nguồn hàng sản phẩm năm nay không nhiều nhưng vẫn có đủ các phiên bản màu sắc để người dùng lựa chọn.
Kể từ dòng iPhone 14, Apple quyết định loại bỏ khay SIM vật lý tại thị trường Mỹ để chuyển sang eSIM. Điều này khiến quá trình ghép nối trở nên khó khăn hơn vì phôi SIM ghép chỉ có thể hoạt động khi có khe cắm vật lý.
Để giải quyết điều này, một số cửa hàng đã quyết định “đục” một lỗ nhỏ vào cạnh trái khung viền. Tiếp đến, gắn khay SIM vào và kết nối các bảng mạch để hệ thống có thể nhận dạng SIM vật lý một cách bình thường, trừ khi người dùng tháo khay SIM ra. Đây cũng là lý do người dùng nên hạn chế tối đa việc tháo, thay SIM để tránh những rủi ro không đáng muốn.
"Với mức giá của iPhone 15/15 Plus khoá mạng, khách hàng đã có thể mua các dòng iPhone cũ chính hãng hoặc iPhone qua tay. Chẳng có lý do gì mà phải bỏ ra số tiền cả chục triệu đồng để mua về một chiếc điện thoại sử dụng không ổn định ”, một người dùng cho biết.
iPhone khoá mạng từng là "món hàng" béo bở cho giới buôn điện thoại xách tay tại thị trường Việt Nam, bởi những sản phẩm này có tính năng tương tự iPhone chính hãng mà giá thành rẻ hơn đến hàng chục triệu đồng.
Tuy nhiên, vài năm gần đây, sức mua của iPhone khoá mạng tại Việt Nam ngày càng sụt giảm, nhiều người không còn mặn mà với dòng điện thoại khóa mạng này, kể cả những nơi kinh doanh cũng hạn chế bán iPhone khoá mạng.
Lý do đến từ sự bất ổn trong quá trình sử dụng, mức giá chênh lệch không còn đáng kể so với phiên bản quốc tế khiến cũng như việc Apple đẩy mạnh các đợt truy quét "mã ICCID lậu".
Sức mua của iPhone khoá mạng tại Việt Nam ngày càng sụt giảm, nhiều người không còn mặn mà với dòng điện thoại khóa mạng này. (Ảnh: Future)
"Những năm gần đây, việc tiêu thụ iPhone khoá mạng rất khó khăn. Do liên tục gặp sự cố lỗi SIM, mã ICCID dễ đột tử nên người dùng có tâm lý hết sức dè dặt với dòng sản phẩm này ", một người từng kinh doanh các sản phẩm iPhone khoá mạng, cho biết.
Nguời này cho biết, việc bán iPhone khoá mạng hiện tại lời lãi chẳng bao nhiêu. Sau mỗi lần iPhone khoá mạng đột tử, người bán lại phải tìm cách đảm bảo quyền lợi cho người dùng, đôi khi là tặng không SIM ghép.
Lợi nhuận không còn đủ hấp dẫn, iPhone khoá mạng lại tồn tại quá nhiều nhược điểm và bất tiện trong quá trình sử dụng, thế nên nhiều người như anh cũng đã ngừng kinh doanh loại hàng này.
So với hàng chính hãng, iPhone khoá mạng thường hao pin hơn khi dùng SIM ghép, sóng yếu, kết nối mạng chậm,... Đây cũng là lý do người dùng cần tỉnh táo trước khi quyết định mua một chiếc iPhone bản khóa mạng.