Trong vài ngày qua, người ta đã nhắc đến việc Huawei là bên chịu thiệt nhiều nhất sau khi chính quyền tổng thống Trump đưa công ty này vào danh sách đen và cấm các công ty Mỹ hợp tác hoặc bán chip cho Huawei.
Tuy nhiên thực tế thì không chỉ Huawei phải chịu ảnh hưởng mà chính các công ty ở thung lũng Silicon cũng phải gánh hậu quả lớn khi mất đi một khoản doanh thu lớn từ việc bán chip cho hãng công nghệ Trung Quốc.
Theo ước tính năm ngoái, Huawei đã mua số linh kiện trị giá 70 tỷ USD từ 13 ngàn nhà cung cấp. Trong đó có 11 tỷ USD chủ yếu mua từ các công ty Mỹ, bao gồm Qualcomm, Broadcom, Microsoft hay Google.
Mặc dù vậy sau khi sắc lệnh của tổng thống Trump có hiệu lực, cũng chính các công ty bán chip cho Huawei đã đơn phương dừng hợp tác làm ăn với công ty Trung Quốc vì lý do phải tuân thủ sắc lệnh của chính phủ.
Về phía Huawei, hãng khẳng định đã dự trù được động thái trên của chính phủ Mỹ nên đã có sự chuẩn bị từ trước, bao gồm mua sẵn và tích trữ nguồn cung chip để đảm bảo dây chuyền sản xuất hiện tại không bị gián đoạn trong ít nhất 3 tháng.
Chia sẻ với CNN Business, chủ tịch luân phiên của Huawei, ông Ken HU cho biết: "Quyết định trên là động thái mới nhất trong chiến lược chống lại Huawei do chính phủ Mỹ thực hiện vì động cơ chính trị. Chúng tôi đã biết điều này có thể xảy ra từ cách đây nhiều năm. Do đó Huawei đã đầu tư rất nhiều và chuẩn bị sẵn sàng trong nhiều lĩnh vực".
Huawei được cho sẽ sử dụng các nguồn cung chip nội bộ từ HiSilicon và các công ty chip của Đài Loan, Trung Quốc như TSMC. HiSilicon là công ty con của Huawei chuyên sản xuất chip di động và đây chắc chắn là "kế hoạch B" mà Huawei đã âm thầm dự trù từ lâu cho những biến cố.
Mặc dù vậy theo các chuyên gia, sẽ rất khó để Huawei có thể chịu được sự thiếu vắng của các công ty chip nước Mỹ quá lâu. Các công ty Mỹ hiện đang tham gia sản xuất nhiều linh kiện, bộ phận có giá trị quan trọng trên smartphone và thiết bị viễn thông. Nhà phân tích Rex Wu thuộc hãng tư vấn Jefferies cho biết, việc mất mối làm ăn với các công ty Mỹ sẽ khiến Huawei thiếu hụt trầm trọng các lựa chọn chip máy tính cho các trạm viễn thông.
Nói cách khác, dù Huawei có đi đầu trong công nghệ 5G nhưng nếu thiếu các bộ phận quan trọng như modem chip, hãng cũng sẽ khó có thể triển khai được trên quy mô toàn cầu. Huawei hiện đang có hàng chục hợp đồng triển khai mạng 5G thương mại trên toàn thế giới, bao gồm 25 nước Châu Âu và 10 nước ở Trung Đông. Nếu không tìm ra cách hợp tác trở lại với các đối tác Mỹ, Huawei sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng lan rất nguy hiểm.
Đó là với Huawei, bên mua hàng còn với bên bán là Qualcomm, Intel,…rõ ràng việc mất đi một vị khách sộp như Huawei sẽ là một tổn thất lớn về doanh số. Họ giờ đây sẽ không được phép bán chip cho Huawei nếu như không có sự cho phép của chính phủ.
Lệnh cấm của Nhà Trắng chắc chắn sẽ làm gián doạn chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt với các sản phẩm của Huawei. Thậm chí hãng còn không thể mua được chip từ các nhà cung cấp Đài Loan nếu chip sử dụng nguồn linh kiện từ Mỹ.
Ngay sau khi biến cố xảy ra, cổ phiếu của hàng loạt hãng sản xuất chip nước Mỹ đã lao dốc trầm trọng. Cụ thể cổ phiếu của Qualcomm đã giảm 4% sau khi đóng cửa trên sàn New York hay như cổ phiếu của Lumentum, nhà cung cấp linh kiện quang học và có tới 15% doanh thu đến từ đối tác Huawei đã ghi nhận mức giảm mạnh tới 12% sau phiên giao dịch.
Cả Qorvo và cả Skyworks Solutions cũng kết thúc phiên giao dịch với một sắc đỏ ảm đạm.