Món kem đắt nhất hành tinh
Kem là món ăn giải khát mùa hè tuyệt ngon trong những ngày nắng nóng và được bán phổ biến ở khắp nơi trên hành tinh này. Tuy nhiên, với mỗi tầng lớp người khác nhau thì “gu” ăn kem lại có những nét riêng biệt.
Kem Golden Opulence Sundae của nhà hàng Serendipity 3 ở New York ra đời năm 2005, nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của nhà hàng Serendipity 3 - một trong những nhà hàng có chất lượng tốt nhất tại thành phố New York. Vào thời điểm ban đầu, giá trị của một ly Golden Oppulence Sundae lên tới 1.000 USD/ly (khoảng hơn 22 triệu đồng).
Nhiều người đặt ra thắc mắc rằng, vì đâu mà ly kem này lại mang cái giá trên trời tới vậy? Lý do được nhà sản xuất đưa ra đơn giản là bởi khi ăn kem này, bạn sẽ được tiếp xúc với toàn...vàng bằng đủ các giác quan, từ vị giác, xúc giác tới thị giác. Ngoài vàng, kem còn có nhiều nguyên liệu độc đáo và đắt tiền khác.
Nếu như các loại kem thông thường chỉ dùng cốc thủy tinh là cùng thì với Golden Opulence Sundae, thực khách sẽ được sử dụng ly Baccarat Harcourt - một loại ly pha lê chuyên dùng trong tòa thánh Vatican trị giá tới 300 USD (hơn 6,3 triệu đồng). Đặc biệt, sau khi thưởng thức món kem, chiếc ly quý giá này sẽ trở thành món quà tặng kèm cho các thực khách.
Sau khi chọn được ly làm kem, các đầu bếp sẽ bước vào công đoạn đầu tiên. Họ chuẩn bị 2 - 3 lá vàng siêu mỏng 23 carat để lót bên trong cốc. Theo chia sẻ của nhân viên nhà hàng Serendipity 3, đây là những lá vàng tinh khiết được chuẩn bị cẩn thận để giúp món ăn vừa đẹp mắt, lại đảm bảo sức khỏe cho thực khách.
Tiếp đó, nguyên liệu quan trọng nhất của Golden Opulence Sundae tất yếu chính là kem. Theo tiết lộ của đầu bếp, phần kem này được đặc chế từ hai loại vani có nguồn gốc tại Tahiti và Madagascar. Chúng được trộn lẫn để mang lại một hương vị độc đáo riêng biệt cho những viên kem.
Không chỉ vậy, bên ngoài món kem Golden Opulence Sundae còn được phủ loại chocolate Amedei Porcelana. Giới đam mê ẩm thực đều biết, đây là loại chocolate trứ danh, đắt tiền nhất thế giới.
Đặc biệt hơn, chocolate Chuao dạng sốt sẽ được rưới lên kem giúp làm tăng độ “ngon mắt” của món ăn. Chuao là chocolate hiếm tới nỗi bạn chỉ có thể tìm thấy cây cacao làm ra chúng tại bờ biển Caribbean, thuộc Venezuela.
Sau khi kem được cho vào ly pha lê, công đoạn tiếp theo là trang trí kem. Với một ly Golden Opulence Sundae, đầu bếp sẽ thêm vào xung quanh những viên hạnh nhân được bọc vàng nguyên chất, Golden Opulence Sundae còn được tô điểm thêm bằng mứt hoa quả, truffle chocolate và cherry.
Thêm nữa, món kem Golden Opulence Sundae không thể thiếu những viên kẹo trái cây cao cấp được nhập khẩu từ Paris. Những viên kẹo này đã được ngâm rất kỹ trong các loại nước hoa quả suốt nhiều tháng với độ ngấm được dàn trải đồng đều. 1kg kẹo trái cây này có giá lên tới hơn 200 USD (khoảng hơn 4 triệu đồng).
Thành phần của ly kem “sang chảnh” này chưa dừng lại ở đó. Ở trên cùng của những viên kem các đầu bếp sẽ đặt lên đó một bát nhỏ đựng một chút trứng cá muối Grand Passion để gia tăng hương vị.
Loại nguyên liệu này cũng “không phải dạng vừa” với giá trị lên tới hơn 64 USD (khoảng 1,4 triệu đồng) cho một lạng. Để tăng thêm độ đậm đà, món trứng cá muối sẽ được ướp cùng với rượu Armagnac, một loại rượu vang trứ danh của vùng Tây Nam nước Pháp.
Ở khâu cuối cùng để hoàn thành Golden Opulence Sundae, các đầu bếp sẽ bổ sung thêm vào ly kem một bông hoa bằng đường mạ vàng. Ước tính, để làm nên một bông hoa cho ly kem “đại gia” này, các đầu bếp của Serendipity 3 phải mất đến 8 tiếng đồng hồ.
Ly kem được hoàn thành với sự cầu kỳ ở mọi công đoạn, người làm kem không chỉ đóng vai trò là đầu bếp mà còn giống như một nghệ sĩ, tạo ra ly kem lấp lánh ánh vàng, lộng lẫy như một tác phẩm nghệ thuật.
Cách thưởng thức một ly Golden Opulence Sundae cũng rất sang trọng. Bạn sẽ “phải” dùng một chiếc thìa mạ vàng 18 carat. Và giống như chiếc ly pha lê, sau khi ăn xong thực khách có thể mang chiếc thìa này về làm kỷ niệm.
Một đặc điểm nữa góp phần làm tăng thêm sự “sang chảnh” cho ly kem này, đó là bạn sẽ phải mất ít nhất 48 tiếng đồng hồ sau khi đặt hàng để có thể được “nhấm nháp” hương vị tuyệt vời của nó.
Nhà hàng của những món ăn “đại gia”
Được biết, nhà hàng Serendipity 3 đã phục vụ món kem đặc biệt này kể từ khi lần đầu ra mắt năm 2005. Trong quãng thời gian ấy, dù có giá rất đắt nhưng vẫn không thiếu người muốn thưởng thức Golden Opulence Sundae. Ước tính, mỗi tháng có một thực khách giàu có sẽ tìm tới Serendipity 3 để trải nghiệm món kem hảo hạng này.
Nói về Serendipity 3, người ta thường biết đây là nhà hàng nổi tiếng bậc nhất ở New York, là nơi cho ra đời những món ăn đắt đỏ và xa xỉ. Không chỉ có món kem Golden Opulence Sundae, nhà hàng còn nổi tiếng với món Sandwich phô mai nướng, được bán với mức giá kỷ lục 214 USD (gần 5 triệu đồng) cho mỗi miếng bánh.
Nếu như bên ngoài là lớp bánh mì được làm cùng rượu sâm panh Dom Perignon cao cấp, được nướng cùng lớp vàng 23 carat. Phía bên trong, bánh sandwich sau đó được nhồi với caciocavallo podolico, một loại phô mai quý hiếm được nhập khẩu từ miền Nam nước Ý có vị giống như một hỗn hợp giữa hai loại phô mai khác là manchego và parmesan.
Đây là loại phô mai quý hiếm bậc nhất, chỉ có 25.000 con bò trên thế giới có thể sản xuất ra loại sữa đặc biệt để làm ra loại phô mai này, và cũng chỉ có sản xuất được trong vỏn vẹn hai tháng mỗi năm.
Sau khi được phết bơ lên, bánh mì được quét một lớp gồm hỗn hợp dầu nấm truffle trắng và vảy vàng, giúp làm tăng thêm độ giòn và giúp chiếc bánh thêm lấp lánh. Phần trang trí cuối cùng thuộc về những lát vàng 23K mỏng đến độ ăn được, bọc quanh miếng sandwich để hoàn thiện vẻ đẹp hoàng gia của nó.
Cuối cùng, một món ăn làm từ phô mai hoàn thiện không thể thiếu nước sốt cà chua mang tính biểu tượng, với mục đích làm giảm đi cảm giác ngấy của phô mai nhưng đồng thời giúp thực khách cảm nhận vị ngọt thanh của sữa rõ hơn.
Vàng vốn được coi là một loại kim loại quý bởi tính quý, hiếm, màu đẹp. Ngoài ra vàng còn được coi như là biểu tượng cho sự quyền lực, giàu sang. Ngay từ thời Trung Cổ, những bữa tiệc lớn của giới thượng lưu đã có sự góp mặt của vàng trong đó. Ý tưởng cho vàng vào thực phẩm không phải mới mà đã xuất hiện từ xưa ở Ai Cập, sau đó giới quý tộc Anh, Mỹ và Trung Quốc cũng làm theo. Nhiều người cho rằng dát vàng lên thực phẩm có thể khiến món ăn ngon hơn nhờ vào tác động tâm lý.
Điều này một phần cũng đúng sự thật, khi theo một nghiên cứu từ Đại học Oxford, việc bày biện và trang trí thực phẩm có tác động đến vị giác và trải nghiệm trong bữa ăn.