Theo báo cáo cập nhập mới của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), CTCP xây dựng Coteccons (CTD) của ông Nguyễn Bá Dương đang trong quá trình mua bán, sáp nhập (M&A) với nhiều công ty liên quan.
Một số thương vụ, trong đó có Ricons có thể sẽ hoàn tất cuối năm nay hoặc đầu sang năm 2019.
Đây cũng là vấn đề mà ông Nguyễn Bá Dương đã đề cập tại Tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 với mục tiêu hướng đến doanh thu 3 tỷ USD vào năm 2020.
M&A cũng được đánh giá sẽ là yếu tố quyết định làm thay đổi cục diện một cách tích cực cho CTD trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt cho dù doanh nghiệp này vừa ghi nhận kỷ lục, xây dựng thành công tòa nhà cao nhất khu vực Đông Nam Á - the Landmark 81 của Tập đoàn Vingroup (VIC) của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng.
Ricons là hiện công ty liên kết của Coteccons với tỷ lệ sở hữu 14,87%. Đây là một doanh nghiệp có bước phát triển thần tốc trong vài năm gần đây và được dự báo sẽ sớm trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong ngành xây dựng, cùng với Coteccons và các công ty thành viên CTD.
Gần đây, Coteccons chứng kiến cú sốc khá mạnh khi giá cổ phiếu tụt giảm 50% từ ngưỡng 240 ngàn đồng/cp xuống còn 120 ngàn đồng/cp trong vòng khoảng 6 tháng. Vốn hóa của từ hơn 19 ngàn tỷ đồng xuống còn dưới 10 ngàn tỷ đồng.
Cú bốc hơi 10 ngàn tỷ đồng trong một thời gian ngắn của công ty xây dựng được cho là số một Việt Nam hiện nay khiến giới đầu tư nghi ngờ về triển vọng của doanh nghiệp này, bất chấp Coteccons dần hoàn thành tòa nhà cao nhất Đông Nam Á cho Vingroup.
Nhiều NĐT lo ngại Coteccons có thể gặp cạnh trạnh mạnh từ đối thủ là doanh nghiệp thành lập bởi “người cũ” của Coteccons. Cựu Phó Tổng giám đốc thành lập CTCP Xây dựng Central - Central Cons và trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm.
Gần đây, Central Cons trúng thầu rất nhiều công trình giá trị lên tới hàng ngàn tỷ đồng từ nhiều chủ đầu tư lớn như Vingroup, Phát Đạt...
Kế hoạch M&A được xem là giải pháp giúp Coteccons lớn mạnh và giữ vững vị trí số 1 đang bị lung lay.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp Việt cũng sử dụng M&A như một cách để gia tăng quy mô và vị thế.
Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam - Gelex (GEX) là một doanh nghiệp như vậy. Công ty của chủ tịch 34 tuổi Nguyễn Văn Tuấn thực hiện thâu tóm hàng loạt doanh nghiệp hàng đầu trong một số lĩnh vực chủ chốt như cáp điện, logistics và gần đây là bất động sản. Gelex được dự báo sẽ là một tập đoàn lớn trong vài năm tới.
PAN Group của ông Nguyễn Duy Hưng cũng phát triển thành một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp thực phẩm nhờ hoạt động mua bán. PAN chính là doanh nghiệp đánh dầu cái kết cho cuộc chiến cổ đông nội-ngoại tại Bibica, sau khi nâng vốn lên trên 50%.
Trong phiên cuối tuần trước, thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn khá ảm đạm. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng đã trở lại hút dòng tiền. Một số cổ phiếu nông nghiệp trong đó có HAG và HNG của ông Đoàn Nguyên Đức tiếp tục tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu bất động sản xây dựng như Novaland, Nam Long, Đất Xanh, CEO, VPI,... tăng giá. Cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán cũng diễn biến tích cực nhờ kết quả kinh doanh tốt.
Cũng nhờ kết quả kinh doanh khả quan, thị trường chứng kiến làn sóng tăng giá của các cổ phiếu vừa và nhỏ. Các cổ phiếu blue-chips trong khi đó chững lại.
CTCK Rồng Việt - VDS dự báo thị trường tiếp tục phục hồi để duy trì trạng thái đi ngang trong ngắn hạn. Áp lực bán có phần giảm bớt, một phần nhờ khối ngoại ngừng bán ròng, nhưng đa phần các cổ phiếu không tăng quá mạnh.
VPBS cho rằng, thị trường đang trong nhịp tăng hồi phục khá tích cực, nhất là dòng bất động sản. Dự kiến nhiều dự án được hoàn thiện và bàn giao ở phân khúc tầm trung đưa đến nhiều doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận tăng trưởng mạnh.
BSC nhận định, thị trường giằng co trong xu hướng đi lên kiểm tra 950 điểm. VN-Index chững đà tăng điểm trước sự thoái lui của một số ngành có tỷ trọng lớn như ngân hàng, sản xuất và chứng khoán.
Nhóm cổ phiếu smallcap nối tiếp đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu midcap tuần trước đã có mức tăng vượt trội 4,6% so các nhóm cổ phiếu khác. Điều này cho thấy dòng tiền dù không tăng trưởng mạnh nhưng vẫn đang vận động tích cực ở các nhóm cổ phiếu có quy mô vừa và nhỏ.
Kết thúc phiên giao dịch 27/7, VN-index tăng 5,36 điểm lên 935,52 điểm; HNX-Index tăng 1,12 điểm lên 105,7 điểm. Upcom-Index tăng 0,15 điểm lên 49,98 điểm. Thanh khoản đạt 230 triệu cổ phần. Giá trị đạt hơn 4,4 ngàn tỷ đồng.