Sáng 30/6, Công ty cổ phần tập đoàn Masan (Masan Group - MSN) cùng hai công ty thành viên là Masan Consumer (MCH) và Masan MEATLife (MML) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2020.
Chủ đề của kỳ đại hội lần này là "Our Journey is The Consumer’s Journey – Con đường chúng ta đi”, đánh dấu sự chuyển đổi của Masan trong năm qua. Phát biểu mở đầu đại hội, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đăng Quang nói về hành trình 20 năm phát triển của Masan với nhiều những sự thay đổi đã diễn ra. Tuy vậy, ông Quang cho rằng thứ duy nhất bất biến là mục tiêu và con đường mà Masan đã chọn.
Bên cạnh đó, Masan muốn là cái tên dẫn đầu, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi bán lẻ hiện đại trên toàn quốc chứ không chỉ giới hạn ở một vài địa phương. Thay vì chỉ ở mức 8% hiện nay, kênh mua sắm hiện đại dự kiến sẽ chiếm 30% toàn ngành bán lẻ vào năm 2025 và Masan có thể gia tăng quy mô này lên đến 50%.
"Yếu tố thay đổi cuộc chơi là khi Masan không chỉ có kênh mua sắm hiện đại cho các cư dân thành thị mà còn mang trải nghiệm tuyệt vời này đến phục vụ cả người tiêu dùng ở nông thôn", người đứng đầu HĐQT Masan tiết lộ định hướng phát triển của tập đoàn.
Sau thương vụ sáp nhập VinCommerce từ Vingroup, Masan có tham vọng muốn lọt vào top 50 nhà bán lẻ của thế giới. Đây cũng là bước tiến lớn để Masan vươn mình trở thành Tâp đoàn Tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu và nâng cao khả năng phục vụ tốt hơn các nhu cầu thiết yếu của người tiêu dùng.
Trong bài phát biểu đầu tiên của mình trước các cổ đông trên cương vị mới, Tổng giám đốc Masan Danny Le nói về tham vọng lấn sân sang các mảng truyền thông, giáo dục, sức khỏe, tài chính... của Masan. Trước một thị trường tiêu dùng có giá trị tới 20 tỷ USD, Masan mới chỉ đạt doanh thu 1 tỷ USD. Để tiếp tục phát triển, ông Danny Le cho rằng tiếp tục củng cố hạ tầng ở hai kênh online và offline.
Vị này cũng nói về tham vọng nâng số cửa hàng Vinmart, Vinmart+ từ 3.000 lên 30.000 từ giờ cho tới năm 2025. Trong đó, 10.000 cửa hàng sẽ do tập đoàn tự vận hành, số còn lại hoạt động theo hình thức nhượng quyền.
Sau thương vụ sáp nhập VinCommerce, ông Danny Le cho biết Masan đang bước vào giai đoạn chuyển đổi tiếp theo bằng cách sở hữu và mở rộng cả sự hiện diện tại các cửa hàng offline và nền tảng kỹ thuật số để tiếp cận trực tiếp đến người tiêu d ùng, nơi hành trình và trải nghiệm của người tiêu dùng ngày càng trở nên quan trọng.
Năm 2020, Masan đặt mục tiêu doanh thu thuần ở mức 75.000 đến 85.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế từ 1.000 đến 3.000 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Masan hy vọng lợi nhuận sẽ khởi sắc trong nửa cuối năm.
Kỳ vọng lớn vào The CrownX
Tại đại hội, Masan cũng chính thức công bố thành lập Công ty cổ phần The CrownX, sở hữu 85,71% cổ phần Masan Consumer và 83,74% cổ phần VinCommerce.
Đồng thời, Masan đã thông qua nghị quyết của HĐQT để mua thêm 15% cổ phần của The CrownX, giao dịch đang được cân nhắc thực hiện bằng tiền mặt với giá trị lên đến 1 tỷ USD dự kiến sẽ được hoàn tất trong quý II và quý III/2020. Theo lộ trình, 5 năm tới The CrownX chỉ phục vụ nhu cầu trong nước và sau đó mới bước sang thị trường nước ngoài.
Theo Chủ tịch HĐQT Masan Consumer Trương Công Thắng, The CrownX là một "thực thể kinh doanh mạnh", nhắm đến mục tiêu đưa nền tảng bán lẻ VinCommerce trở thành một trong 50 nhãn hiệu bán lẻ mạnh nhất thế giới
Với chiến lược phát triển của The CrownX, ông Thắng cho biết công ty này sẽ hướng đến cắt bỏ dần các trung gian để đưa tận tay sản phẩm đến người tiêu dùng, từ đó chi phí mua sẽ rẻ hơn, nhanh hơn.
Ở kịch bản tốt nhất, lãnh đạo Masan kỳ vọng The CrownX sẽ đạt doanh thu 200.000 đến 250.000 tỷ đồng. Lãnh đạo công ty khẳng định Masan sẽ luôn nắm cổ phần kiểm soát tại The CrownX, và sẽ mở cơ hội cho các nhà đầu tư chiến lược mạnh về công nghệ.