Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) vừa công bố tờ trình cho buổi Đại hội cổ đông thường niên 2020, diễn ra ngày 30/6 tới. Theo đó, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt từ 75.000 đến 85.000 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số 38.819 tỷ đồng ghi nhận năm 2019. Tập đoàn kỳ vọng lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty (sau khi loại trừ các khoản thu nhập bất thường) ở mức 1.000 - 3.000 tỷ đồng.
Tờ trình cũng nói rõ về định hướng và quan điểm chiến lược của từng công ty thành viên. Với VinCommerce (VCM), đơn vị sở hữu hệ thống bán lẻ Vinmart và Vinmart+, Masan đặt trọng tâm là vạch ra lộ trình cụ thể để đạt lợi nhuận. Mục tiêu tăng thị phần của chuỗi sẽ được đẩy mạnh bằng việc tiếp tục mở thêm các siêu thị, cửa hàng Vinmart, Vinmart+ tại Hà Nội và các tỉnh thành khác một cách có chọn lọc. Tuy nhiên, Masan dự định đóng cửa các cửa hàng không có khả năng hòa vốn. Theo kế hoạch, VCM sẽ có biên EBITDA của năm 2020 từ -3% đến 0%, đạt mô hình hoà vốn vào nửa cuối của năm 2020.
Kết thúc quý 1, dù doanh thu thuần của Tập đoàn tăng gấp đôi, song lần đầu tiên sau gần 6 năm Masan lại báo lỗ, với mức lỗ trước thuế 60 tỷ đồng, lỗ sau thuế hơn 216 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ là do công ty hợp nhất kết quả kinh doanh của VCM, sau khi sở hữu công ty này từ cuối năm 2019.
Liên quan tới công ty này mới đây, Masan đã thông qua việc thành lập Công ty cổ phần The CrownX để vận hành và sở hữu lợi ích kinh tế của MSN trong VCM và MCH. Hồi tháng 1/2020, Masan cho biết công ty dự kiến VinCommerce sẽ đạt doanh thu hơn 42.000 tỷ đồng năm 2020. So với số thu năm 2019, doanh thu công ty sẽ tăng tương ứng 64%.
Với Masan Consumer Holdings (MCH), trong năm 2020 dự kiến sẽ đạt tăng trưởng doanh thu trên 15% và tăng trưởng lợi nhuận hai chữ số.
Về Masan MeatLife (MML), công ty đặt mục tiêu doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến để tạo ra giá trị gia tăng. Thức ăn chăn nuôi dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy mạnh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Masan Resources (MSR) sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp nền tảng kinh doanh vonfram của H.C.Stark (HCS) để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu (midstream) giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá vonfram theo chu kỳ hàng hoá.
Tại đại hội, ban lãnh đạo Masan cũng trình cổ đông phương án chào bán tối đa 9,99% tổng số cổ phần đang lưu hành của công ty cho không quá 5 nhà đầu tư. Mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/cổ phần, dự kiến phát hành trong năm 2020 hoặc trước đại hội cổ đông thường niên 2021, sau khi được Uỷ ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Môt nội dung khác liên quan tới phát hành cổ phiếu cho người lao động theo chương trình ESOP, với số lượng tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành, mệnh giá 10.000/cổ phần. Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2020 hoặc trước tháng 5/2021.