Ngày pháp luật

Mark Zuckerberg đang tìm người thay “nữ tướng” Sheryl Sandberg?

Theo Thuỷ Vũ/ICT News

Trang The Information cho biết CEO Facebook - Mark Zuckerberg mới đây đã tiếp cận một giám đốc Microsoft nhưng không thành công.

Khi Zuckerberg muốn xin lời khuyên, anh tìm đến tỷ phú Bill Gates. Gần đây, đồng sáng lập Microsoft đã khuyên Zuckerberg nên cân nhắc tuyển một người có lý lịch như Brad Smith, Chủ tịch kiêm Giám đốc pháp lý của Microsoft. Ông chính là đại sứ có tầm ảnh hưởng đối với các nhà chức trách và lập pháp khắp thế giới.

Theo tờ The Information, Zuckerberg đã trực tiếp nói chuyện với ông Smith. Tuy không phải lời đề nghị làm việc chính thức, ông Smith vẫn cảm thấy cần làm rõ với Zuckerberg rằng ông hạnh phúc với Microsoft và không có ý định rời đi. Dù vậy, động thái của CEO Facebook cho thấy các tùy chọn mà anh đang xem xét khi muốn xây dựng lại niềm tin cho Microsoft vốn đã bị xói mòn qua hàng loạt bê bối dữ liệu và vai trò của Facebook trong truyền bá thông tin giả mạo trong năm qua.

Mark Zuckerberg đang tìm người thay “nữ tướng” Sheryl Sandberg? - Ảnh 1

Xin lời khuyên của Bill Gates là việc làm đúng đắn. Microsoft từng đối mặt với áp lực từ công chúng vào khoảng cuối những năm 1990, đầu những năm 2000 khi các vụ kiện chống độc quyền biến đổi hình ảnh của hãng từ nhà cách tân sang kẻ bắt nạt. Ông Smith gia nhập công ty đầu những năm 1990, trở thành Giám đốc pháp lý năm 2002, đã hỗ trợ Microsoft lấy lại uy tín khi dàn xếp các vụ kiện và làm dịu căng thẳng với nhà chức trách. Hiệu quả làm việc của ông dưới thời CEO Satya Nadella cũng tốt hơn nhiều so với thời của CEO Steve Ballmer.

Các vấn đề của Facebook không thể giải quyết chỉ bằng cách thay đổi nhân sự. Song, mạng xã hội có thể hưởng lợi từ cách tiếp cận với khủng hoảng của ông Smith. “Quy tắc Brad Smith”, như mọi người hay gọi, liên quan đến việc nhanh chóng thừa nhận sai lầm và thi hành các thay đổi chính sách có ý nghĩa.

Hiện tại, Zuckerberg không có vẻ gì là sẽ thiết lập một vị trí tại Facebook tương tự ông Smith tại Microsoft, nơi ông báo cáo trực tiếp cho CEO và có quyền lực để thay đổi chiến lược chính sách và pháp lý của công ty. Hồi tháng 10, Facebook mời cựu Phó Thủ tướng Anh Nick Clegg làm Giám đốc chính sách và truyền thông toàn cầu. Vị trí này làm việc với COO Sheryl Sandberg, người đang bị công kích vì không đủ nỗ lực để sửa chữa hình ảnh cho Facebook. Zuckerberg đã bảo vệ cánh tay phải của mình khi nói anh muốn cộng tác với bà trong hàng thập kỷ nữa.

Ông Smith là nhân vật quen mặt với công chúng hơn các giám đốc pháp lý của các hãng công nghệ khác. Gần đây, ông còn là tiếng nói nổi bật kêu gọi chính phủ giám sát trí tuệ nhân tạo, công nghệ hứa hẹn mang đến cả những đột phá lẫn nhược điểm lớn cho xã hội. Ông vừa viết blog yêu cầu chính phủ khắp thế giới ra các quy định quản lý việc sử dụng nhận diện gương mặt, công nghệ đang được các nhà hành pháp khắp nơi dùng để xác định nghi phạm.

Khi ông Smith trở thành luật sư trưởng của Microsoft năm 2002, ông chịu trách nhiệm khép lại một trong các chương khó khăn nhất trong lịch sử công ty và mở ra trang mới. Ông đã dẫn đầu để dàn xếp vụ kiện chống độc quyền liên bang cùng một loạt vụ kiện tương tự tại các bang của Mỹ, các công ty tư nhân và nhà chức trách châu Âu. Tiếp sau đó, Microsoft bước hụt chân và đánh mất quyền lực vào tay Google, Facebook hay Apple.

Ông Smith và một số luật sư khác bị đổ lỗi vì liên tục can thiệp vào các sản phẩm tương lai nhằm tránh làm trầm trọng xung đột với cơ quan quản lý cạnh tranh, cản trở sự sáng tạo tại Microsoft trong gần một thập kỷ. Dù vậy, rắc rối của Microsoft sâu sắc hơn nhiều khi liên tục "mò mẫm" các sản phẩm và thương vụ thâu tóm nhằm trở thành người chơi mạnh hơn trên các thị trường tăng trưởng cao như tìm kiếm Internet và smartphone nhưng không thành công.

Bài học thực sự từ hành trình của ông Smith tại Microsoft cũng có thể là tầm quan trọng của một lãnh đạo cấp cao làm việc dưới trướng của một CEO hiệu quả. Trong hơn một thập kỷ dưới sự lãnh đạo của ông Ballmer, Microsoft dường như chỉ thụt lùi và ông Smith thi hành chiến lược thu phí bản quyền ráo riết khiến công ty không có nhiều bạn bè trong ngành công nghệ.

Phải đến khi ông Nadella lên ngôi, Microsoft mới trở lại thông qua việc tập trung vào điện toán đám mây. Công ty nay tránh xa khỏi các thương vụ cấp phép bản quyền gây tranh cãi và có thời điểm còn vượt qua Apple trở thành công ty đại chúng giá trị nhất thế giới.

Mark A. Lemely, giáo sư trường Luật Stanford, gọi ông Smith là hình mẫu của một giám đốc pháp lý nhưng từ chối bình luận trực tiếp về các vấn đề nhân sự của Microsoft. "Hình mẫu ấy chỉ hiệu quả nếu công ty cam kết trao cho cố vấn pháp lý vai trò thực sự trong quyết định về hướng đi của công ty. Microsoft thực hiện cam kết ấy vì đối mặt với sự giám sát của chính phủ. Lứa doanh nghiệp Internet hiện nay có thể đưa ra cam kết tương tự vì lý do tương tự".

Tin Cùng Chuyên Mục