Ngày pháp luật

Mạnh Vãn Chu viết “tâm thư” gửi nhân viên Huawei

Theo Du Lam/ICT News

“Công chúa” Huawei Mạnh Vãn Chu vừa viết thư gửi 188.000 nhân viên công ty để cảm ơn họ đã ủng hộ và mang đến cho bà sức mạnh.

Mạnh Vãn Chu viết “tâm thư” gửi nhân viên Huawei - Ảnh 1

 

Mạnh Vãn Chu, ái nữ của nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi, đang phải chờ phiên điều trần dẫn độ đến Mỹ, nơi bà đối mặt với một số tội danh vì vai trò của mình trong việc Huawei vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.

Hôm 13/5, lá thư của bà Mạnh được đăng trên diễn đàn nội bộ của công ty. Trong thư, bà viết: “Mỗi lần một phiên điều trần kết thúc, tôi lại chứng kiến nhân viên Huawei thức cả đêm chỉ để theo dõi vụ kiện của tôi dù khác biệt múi giờ. Điều đó khiến tôi rơi nước mắt”.

Vụ kiện chống lại bà Mạnh chỉ là một phần trong chiến dịch chống lại công ty công nghệ Trung Quốc của chính phủ Mỹ. Mỹ tố cáo thiết bị mạng Huawei đe dọa an ninh quốc gia. Hãng này còn bị buộc tội cố gắng đánh cắp bí mật thương mại từ nhà mạng T-Mobile.

Bà Mạnh nói rằng bản thân được động viên nhờ thông điệp ủng hộ đăng trên diễn đàn Huawei và cảnh tượng các cựu nhân viên Huawei xếp hàng bên ngoài tòa án tại Vancouver (Canada). Bà được tại ngoại gần 2 tuần sau khi bị bắt giữ, đồng ý giao nộp hộ chiếu, sống tại 1 trong 2 căn hộ mà bà sở hữu trong thành phố, trả chi phí giám sát 24/7 và đeo vòng tay GPS.

"Dù thể chất bị hạn chế trong một không gian nhỏ hẹp trong suốt thời gian tại Vancouver, nội tâm của tôi chưa bao giờ rực rỡ và phóng khoáng như vậy".

Vụ bắt giữ bà Mạnh đã dẫn đến căng thẳng ngoại giao giữa Canada, Trung Quốc và Mỹ cũng như các cuộc đàm phán thương mại phức tạp giữa Washington và Bắc Kinh.

Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới, cho thấy họ sẵn sàng phản kháng. Trong thông báo sáng 10/5, Huawei khẳng định : "Chúng tôi tin rằng Hoa Kỳ đã ra lệnh bắt giữ bà Mạnh như một thủ tục lạm dụng bất hợp pháp, được thúc đẩy bởi các yếu tố chính trị hơn là luật pháp.

Bà Mạnh nộp đơn kiện vào tháng 3/2019, tố cáo nhà chức trách Canada cáo buộc chính phủ Canada đã vi phạm Hiến chương về Quyền và Tự do của nước này khi bắt bà tại sân bay cuối năm 2018.

Dự kiến, bà phải ra tòa một lần nữa vào tháng 9.

Tin Cùng Chuyên Mục