Ngày pháp luật

Mảng nông dược bứt tốc, lãi sau thuế năm 2023 của Tập đoàn PAN (PAN) tăng 9% lên gần 408 tỷ đồng

Minh An

Luỹ kế cả năm 2023, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu hợp nhất 13.204 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 407,6 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.

Công ty cổ phần Tập đoàn PAN (mã ck: PAN) mới đây công bố kết quả kinh doanh quý IV/2023 và cả năm 2023.

Theo đó, trong 3 tháng cuối năm, PAN ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.196 tỷ đồng, tăng 7,6% so với cùng kỳ. Mức tăng này chủ yếu được thúc đẩy nhờ lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là mảng nông dược với tăng trưởng 37%. Trong khi đó, doanh thu tại mảng bánh kẹo và hạt điều lại giảm nhẹ. 

Mảng nông dược bứt tốc, lãi sau thuế năm 2023 của Tập đoàn PAN (PAN) tăng 9% lên gần 408 tỷ đồng - Ảnh 1

Trừ đi giá vốn và các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, tập đoàn PAN báo lãi trước thuế 424,1 tỷ đồng, tăng mạnh 46% so với quý IV/2022.

Đại diện Tập đoàn PAN cho biết, mức tăng trưởng cao của lợi nhuận chủ yếu đến từ việc lợi nhuận trước thuế của mảng nông dược trong quý IV/2022 tăng hơn gấp 2 lần, nhờ chi phí đầu vào (nhập khẩu nguyên vật liệu) giảm mạnh so với cùng kỳ. Đồng thời, sự tăng trưởng cao về doanh thu đã giúp tối ưu hóa chi phí bán hàng hơn với tỷ lệ chi phí bán hàng trên doanh thu giảm 5%.

Ngoài ra, lợi nhuận của mảng bánh kẹo cũng tăng trưởng trên 80% trong quý 4/2023. Các mảng kinh doanh khác cũng có tăng trưởng lợi nhuận khả qua, như mảng tôm với mức tăng trưởng 34%; mảng giống cây trồng, gạo tăng trưởng 37%.

Luỹ kế cả năm 2023, Tập đoàn PAN ghi nhận doanh thu hợp nhất 13.204 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 407,6 tỷ đồng, tăng 9% so với năm 2022.

Tại lĩnh vực nông nghiệp, PAN cho biết mảng nông dược tăng trưởng mạnh trong năm 2023 khi doanh thu tăng 10% và lợi nhuận tăng hơn 30%. Giá lúa và sầu riêng xuất khẩu cao kỷ lục dẫn đến việc người nông dân đầu tư hơn cho canh tác, nhu cầu và giá bán nông dược cũng tăng theo.

Mảng gạo đóng gói cũng đóng góp đáng kể vào lợi nhuận chung khi tận dụng tốt cơ hội giá gạo tăng cao để thúc đẩy biên lợi nhuận. Kết quả, biên lợi nhuận gộp của mảng gạo tăng từ mức 9% lên hơn 15% trong năm 2023.

Đối với 2 lĩnh vực có doanh thu suy giảm, ở lĩnh vực thủy sản, mặc dù doanh số giảm 10% nhưng lợi nhuận gần như đi ngang so với năm trước, nhờ tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao và thị trường xuất khẩu chủ yếu là Nhật Bản.

Với lĩnh vực thực phẩm đóng gói, BBC (bánh kẹo) và LAF (hạt điều) đều giảm nhẹ về doanh thu, lần lượt 7% và 15%, nhưng vẫn đảm bảo lợi nhuận tăng trưởng nhờ quản trị tốt hàng tồn kho và giảm chi phí lãi vay.

Với kết quả đạt được, PAN đã hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và vượt 1,2% mục tiêu 402 tỷ đồng lợi nhuận đề ra cho năm 2023. 

Tại thời điểm 31/12/2023, trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của PAN tăng 26% so với đầu năm, lên 20.214 tỷ đồng. 

Chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản đầu tư tài chính ngắn hạn với 7.051 tỷ đồng, chủ yếu nằm ở khoản mục chứng khoán kinh doanh (6.676 tỷ đồng, gấp 3 lần so với thời điểm hồi đầu năm). Tổng tiền, tương đương tiền ghi nhận tại 1.794 tỷ đồng.

Về cơ cấu nợ, tính đến cuối năm 2023, tổng dư nợ vay của PAN là 8.982 tỷ, chiếm 44% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm chủ yếu với 8.379 tỷ đồng, đều là vay ngân hàng, còn 600 tỷ là dư nợ trái phiếu.

Trong năm 2024, Tập đoàn kỳ vọng sẽ tiếp tục có tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh với các động lực chính. Cụ thể, tại lĩnh vực thủy sản dự báo sẽ có sự phục hồi mạnh mẽ.

Lĩnh vực nông nghiệp sẽ tiếp tục đà tăng trưởng và mang lại hiệu quả cao khi đã đạt lợi thế tối ưu về chi phí nhờ quy mô. Ở lĩnh vực thực phẩm đóng gói (bánh kẹo, hạt, nước mắm, cà phê) tiếp tục mở rộng khai thác thị trường xuất khẩu đầy tiềm năng trong khi nhu cầu từ thị trường nội địa vẫn trên đà hồi phục.

Tin Cùng Chuyên Mục