Xuất hiện trong tập 3 "Shark Tank Việt Nam", CEO Thùy Linh muốn kêu gọi 10 tỷ đổi lấy 20% cổ phần của mô hình chuỗi phòng tập sở hữu nền tảng số Lamita.
Theo giới thiệu, Lamita là hệ thống phòng tập Zumba với kinh nghiệm 7 năm phát triển. Mỗi khóa học có giá 500k/tháng.
Hiện tại, Lamita có 50 phòng tập, bao gồm 6 điểm do nhóm sáng lập sở hữu, 44 điểm nhượng quyền thương hiệu trên toàn quốc. Công ty sở hữu hơn 1.000 bài tập, huấn luyện hơn 200 vũ sư, có 10.000 học viên, trong đó 2.000 học viên trung thành.
Biết tới bộ môn Zumba trong thời gian làm việc tại nước ngoài, CEO Thuỳ Linh quyết định mang nó về Việt Nam, chỉnh sửa, phát triển lại sao cho phù hợp với người Việt. Lamita đưa học viên từ trình độ cơ bản là cảm nhận đến yêu và điên cuồng theo âm nhạc, giải phóng năng lượng tiêu cực, hấp thụ năng lượng tích cự.
Lamita ra đời để giúp người Việt có thêm kiến thức về sức khoẻ, đồng thời xoá bỏ tâm lý e ngại khi tập luyện trước đám đông. Theo CEO Thuỳ Linh, Lamita biết cách lan toả cảm hứng tích cực tới tất cả mọi người, đặc biệt là chị em phụ nữ.
"Em rất cần những người đồng hành với team trong thời gian tới, đặc biệt là những người có kinh nghiêm về phát triển chuỗi" - CEO Thuỳ Linh kỳ vọng.
Định giá công ty lên tới... 50 tỷ đồng
Năm 2018, doanh số Lamita đạt 14 tỷ, dự kiến tăng lên 32 tỷ vào năm 2019. Về lợi nhuận, năm 2019 do tái đầu tư nên chỉ đạt 2 tỷ.
"Khách hàng 98% là nữ. Học viên phải trả 500.000 đồng/ tháng, 5 triệu đồng/ 6 tháng, 9 triệu đồng/ năm. Doanh thu từ 100 triệu đồng đến 200 triệu đồng tùy địa điểm. Công ty chi 43 triệu đồng cho chi phí vận hành, bao gồm 34 triệu đồng cho huấn luyện viên, còn lại tiền thuê phòng tập (khoảng 10 - 15 triệu)"
Cũng theo CEO, đây là hệ thống có thể nhân thành chuỗi rất nhanh, chỉ mất 100 - 200 triệu cho một phòng tập, bao gồm: "mặt sàn gỗ, có nhà tắm, nhà vệ sinh, gương loa".
Nếu muốn hợp tác nhượng quyền, Lamita cung cấp thương hiệu, giáo trình, còn đối tác lo về địa điểm. "Tỷ lệ chia lợi nhuận giữa Lamita và đối tác là 70 - 30 hoặc 60 - 40" - CEO Thùy Linh trình bày.
Đặc biệt, Lamita tự tin rằng thương hiệu được định giá tới... 50 tỷ. Con số "khủng" này khiến Shark Liên và Shark Hưng thắc mắc và hỏi CEO: "Căn cứ vào đâu bạn định giá công ty tới 50 tỷ?". Thùy Linh trả lời do giám đốc tài chính và một công ty kiểm toán định giá.
Trong hệ sinh thái của Lamita còn có thương hiệu thời trang cho người tập và mảng tổ chức sự kiện. Khi Shark Việt yêu cầu kể cụ thể số tiền từng mảng, CEO Thùy Linh "bó tay" và giải thích: "Chỉ số cụ thể do giám đốc tài chính nắm rõ hơn."
"Lamita đã triển khai đóng gói khóa học, bán thử trên Facebook từ tháng 10/2017 đến tháng 8/2018 và đã bán 37.000 bản. Trên trang Facebook thứ hai, công ty tạo nền tảng chia sẻ nội dung, cung cấp dịch vụ thuê bao cho 10.000 học viên", Thùy Linh nói thêm.
Shark Liên quyết định rót vốn vì thích CEO
Shark Liên ngay lập tức "chốt deal" vì thấy thích sự tích cực và năng lượng toả ra từ CEO Thuỳ Linh: "Tôi luôn thích nạp vào trong mình những điều tích cực mỗi ngày. Nhìn bạn tràn trề năng lượng và có thể truyền cảm hứng cho người khác. Tôi thích đồng hành cùng bạn."
"Dù định giá công ty quá cao nhưng vì tôi thích nên đề xuất 10 tỉ đồng cho 35% cổ phần. Tôi có các văn phòng bảo hiểm trên toàn quốc, và có cả một đội ngũ tài chính giúp bạn định hướng chiến lược rõ ràng."
Tiếp lời Shark Liên, Shark Hưng chia sẻ ông rất khó đồng ý với đề nghị ban đầu của Lamita. Nhưng ở góc độ khác, Lamita có thể bổ sung vào hệ sinh thái của Cen Group. Vì vậy, Shark Hưng ngỏ ý muốn tham gia đầu tư chung cùng Shark Liên.
Shark Thủy, Shark Dũng từ chối đầu tư vì e ngại mô hình của Lamita rất dễ bị "copy". Shark Việt cũng "lắc đầu" dù nhận định Lamita có nhiều điểm tương đồng với các dự án y tế ông đang đầu tư.
Chỉ còn duy nhất "offer" từ Shark Liên và Shark Hưng (10 tỷ đổi lấy 35%), CEO Thùy Linh vẫn lưỡng lự bởi các cổ đông chỉ cho phép "dưới 30%". Sau khi ra ngoài hội ý lại, cô đã quyết định đồng ý hợp tác cùng hai nhà đầu tư.