Các nhà mạng viễn thông truyền thống phải xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, mở rộng đồng thời là bảo trì, nâng cấp thường xuyên. Chi phí xây dựng hạ tầng không hề rẻ, hệ thống này cũng có công suất thừa đến nỗi dùng không hết. Giải pháp tiết kiệm nhất chính là cho thuê hạ tầng, chia sẻ tài nguyên,đó là khi mạng di động ảo ra đời. Không cần xây nền móng, sử dụng hạ tầng có sẵn và cung cấp dịch vụ cạnh tranh như những mạng di động thật.
Với 130 triệu thuê bao di động trên quỹ 500 triệu số, kho số để cấp phép cho mạng di động ảo vẫn còn rất nhiều, hạ tầng của các mạng truyền thống có đủ khả năng phân phối thêm cho mạng ảo. Tính trên toàn cầu, thị trường mạng di động ảo được dự đoán có tổng giá trị 63,3 tỷ USD trong năm 2020 và được kì vọng tăng lên 89,9 tỷ USD trong năm 2025 cho thấy tiềm năng lớn của mô hình này.
Riêng tại Mỹ có 139 mạng di động ảo đang hoạt động, chiếm 7% lượng người dùng. Tại Nhật Bản có 80 mạng chiếm 12,2% tổng thị phần viễn thông. Thậm chí, rất nhiều mạng viễn thông ảo đang dần vượt xa khả năng của các nhà mạng thật khi phân phối đa quốc gia
Lấp đầy khoảng trống của các mạng di đồng truyền thống
Các mạng đi động truyền thống luôn có mục tiêu tăng độ phủ trên thị trường, từ mở rộng hạ tầng viễn thông, cải thiện kết nối cho tới áp dụng công nghệ mới. Tuy nhiên, với số lượng người được tiếp cận quá lớn, mạng viễn thông truyền thống khó lòng cung cấp các gói cước, lựa chọn đa dạng tới người dùng.
Mạng di động ảo lại khác, không tốn chi phí, nhân lực xây dựng, bảo trì hay phát triển hạ tầng viễn thông, họ có thể tập trung toàn lực cho dịch vụ, các gói cước để phù hợp hơn với nhiều đối tượng người dùng. Thêm vào đó, tận dụng được hạ tầng mạng của các nhà mạng truyền thống, thế nên từ độ phủ sóng, tốc độ kết nối cho tới chuẩn kết nối của mạng di động ảo đều rất cạnh tranh, cập nhật.
Nói đơn giản hơn, mạng di động ảo giống như một đại lý của mạng truyền thống nhưng có toàn quyền quyết định về chiến lược kinh doanh, sản phẩm cho tới người dùng mục tiêu.
Miếng bánh lớn đầy tiềm năng
Các gói cước viễn thông hiện tại cho dù giá cả đã rất cạnh tranh và có tùy chọn đa dạng tuy nhiên vẫn chưa đủ để phủ toàn bộ thị trường. Mạng di động truyền thống còn thiếu nhiều chính sách, ưu đãi cho nhiều nhóm đối tượng. Ví dụ đơn cử như nhóm người có thu nhập cao, vẫn chưa có gói cước đặc biệt hấp dẫn nào để sử dụng toàn bộ tiện ích của nhà mạng. Hay ví dụ khác là nhóm người chỉ sử dụng mạng xã hội, các mạng di động truyền thống chưa thể phủ hết cho những đối tượng người dùng này.
Cơ hội của mạng di động ảo tới từ những đối tượng khách hàng khác, thị trường ngách mà mạng di động truyền thống chưa tiếp cận. Một khi có nhiều lựa chọn đa dạng, mang lại lợi ích lớn, người dùng sẽ tự động chuyển đổi để phù hợp cho nhu cầu sử dụng riêng.
Ngoài các gói cước đặc biệt, tập trung phát triển theo khu vực hay các cộng đồng là điều mà mạng đi động truyền thống chưa phát huy hết sức mạnh. Nhiều địa điểm đã được phủ sóng viễn thông, tích hợp đầy đủ các tiện ích mạng di động tuy nhiên hệ thống bán lẻ chưa được phát triển hay chưa có chính sách giá hợp lý cho từng khu vực. Mạng di động ảo có thể tận dụng thị trường này để phát triển, có chính sách cùng mức giá riêng.
Nhưng bánh lớn chưa chắc đã ngon
Thị trường dù còn rất nhiều khoảng trống cho mạng di động ảo phát triển tuy nhiên sự thành hay bại của mạng ảo lại phụ thuộc lớn vào mạng thật. Phụ thuộc này tới từ chính sách giá cước, địa bàn cung cấp cũng như ràng buộc giữa các nhà phân phối.
Giá bán cuối của mạng di động ảo không được thấp hơn quá nhiều so với mạng di động thật, những địa điểm mà mạng di động truyền thống phát triển mạnh như khu vực thành phố thì mạng di động ảo cũng ít có cơ hội cạnh tranh hơn.
Ngoài chính sách, mạng di động ảo cũng chịu rất nhiều áp lực tài chính. Mặc dù không mất chi phí xây dựng ban đầu như các nhà mạng truyền thống, thế nhưng tất cả các công đoạn còn lại từ marketing, xây dựng kênh phân phối, chăm sóc khách hàng... cũng đều phải đủ và tạo nên hệ thống độc lập như các mạng di động thật.
Lợi thế duy nhất của mạng di động ảo là giá cùng sự linh động trong gói cước cũng rất bấp bênh. Giá cước viễn thông qua nhiều năm đã ổn định dần, sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp truyền thống khiến mức giá cước không còn khiến người dùng quan tâm. Một khi bài toán bán gì, bán bao nhiêu còn chưa giải được, các mạng di động ảo sẽ vẫn còn chật vật tồn tại trên thị trường.