Ngày pháp luật

'Ma trận' cầm đồ - Đâu là khung pháp lý?

Mai Chi

Hiện nay, các đơn vị hoạt động trong dịch vụ cầm đồ đang là nơi cung cấp tài chính cho những người không thể tiếp cận nguồn vay từ các ngân hàng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn cái nhìn khá tiêu cực bởi cho rằng nhà nước chưa có khung pháp lý rõ ràng để quản lý việc kinh doanh cầm đồ. Vậy việc cầm đồ có hợp pháp không và phải tuân thủ những quy định gì?

Khó tiếp cận dịch vụ tài chính

Theo thống kê từ nền tảng nghiên cứu Merchant Machine (Anh quốc), năm 2021, Việt Nam có tới 69% người dân chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính, chưa có tài khoản ngân hàng. Như vậy, khi có nhu cầu vay tiền để kinh doanh hoặc ổn định cuộc sống, họ sẽ khó, thậm chí không thể, tiếp cận nguồn vay từ ngân hàng, công ty tài chính do khó chứng minh được thu nhập và lịch sử tín dụng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

'Ma trận' cầm đồ - Đâu là khung pháp lý?   - Ảnh 1

Nếu lựa chọn hình thức vay có tài sản đảm bảo tại các ngân hàng thì cũng phải chứng minh mình sở hữu những tài sản có giá trị lớn như quyền sử dụng đất, nhà ở... và phải chấp nhận các khoản vay dài kỳ, từ 3–6 năm, phải trả lãi hàng tháng và tất toán khi hết thời hạn vay. 

Ngoài các Ngân hàng, còn rất nhiều công ty tài chính cung cấp dịch vụ vay tiền nhanh như FE Credit, Home Credit, Easy Credit… Các công ty này đang cung cấp các khoản vay tiền mặt bình quân từ 30 – 70 triệu đồng/khoản vay; lãi suất từ 50% - 80%/năm, tương đương 30% - 50% trên dư nợ gốc với thời gian vay lên tới 36 tháng.

Nhưng để vay được các công ty tài chính cũng không hề dễ, nhất là với những người có thu nhập thấp. Khách hàng cần phải chứng minh thu nhập và có lịch sử tín dụng tốt. Điều này rất khó tuân thủ đầy đủ.

Phân khúc khách hàng riêng biệt

Giả sử bạn là một lao động tự do, không chứng minh được thu nhập, không có lịch sử tín dụng nhưng cần vay dưới 10 triệu, nhận tiền lập tức, thời gian vay ngắn, từ 3–12 tháng thì chưa có công ty tài chính nào hỗ trợ, ngân hàng lại càng không vì đây là tập khách hàng dưới chuẩn, rủi ro cao.

Nhưng đó lại là phân khúc các công ty cầm đồ hướng tới. Các gói sản phẩm cho vay tiền mặt trong thời gian ngắn dựa trên nguyên tắc cầm cố tài sản ra đời. Ra mắt sớm nhất là chuỗi cầm đồ F88, hoạt động từ năm 2013, rồi tiếp theo là các công ty như VietMoney, Dong Shop Sun, Happy Money, T99, TrueMoney…

Với khách hàng, hình thức vay này có ưu điểm là thủ tục đơn giản, nhanh chóng, tiện lợi, đa dạng hình thức tài sản cầm cố và lãi suất hợp lý. Với xã hội, khi nhóm khách hàng trên không thể vay ngân hàng, công ty tài chính, họ sẽ phải phải nghĩ tới các khoản vay từ các tổ chức tín dụng đen. Các công ty cầm đồ theo chuỗi ra đời là để giúp đối tượng khách hàng này không rơi vào bẫy tín dụng đen.

Với các công ty cầm đồ, người vay chỉ cần có giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu) và có tài sản đảm bảo như xe máy chính chủ, điện thoại thông minh, máy tính xách tay... là có thể vay tiền mặt trung bình từ 5-10 triệu đồng/khoản vay với thời hạn lên đến 12 tháng và hoàn toàn có thể tất toán trước thời hạn. Tiền gốc, lãi và chi phí vay được phân bổ trả đều trong thời hạn vay với mức lãi suất từ 1,1% đến 1,5%/1 tháng cộng thêm các chi phí liên quan như phí thẩm định điều kiện cho vay và phí quản lý tài sản.

'Ma trận' cầm đồ - Đâu là khung pháp lý?   - Ảnh 2

Giả sử, khách hàng lựa chọn gói vay 10 triệu đồng với thời hạn 06 tháng của một công ty Cầm đồ có mức lãi suất tốt nhất là 1.1%/tháng thì sau 06 tháng, ngoài tiền gốc, khách hàng phải thêm chỉ 660 nghìn đồng tiền lãi và khoảng 1,2 triệu đồng phí thẩm định, bảo quản tài sản. So với lãi suất ngân hàng, tổng chi phí như trên có thể cao nhưng ngược lại, việc giải ngân cho khách hàng không có tài khoản ngân hàng, không chứng minh thu nhập sẽ khiến các công ty cầm đồ đối diện với nhiều rủi ro thất thoát, nợ xấu hơn.

Do đó, các công ty cầm đồ luôn phải bỏ ra rất nhiều chi phí để kiểm soát rủi ro, thẩm định và vận hành các hồ sơ vay tiền. Đó là chưa kể các chi phí như thuê kho bãi, bảo quản tài sản cầm cố nhằm đảm bảo lợi ích cao nhất của khách hàng. Ngoài ra, trên thực tế, số lượng khách hàng mất khả năng thanh toán của các công ty cầm đồ luôn luôn cao gấp nhiều lần so với ngân hàng.

Cho dù khi thẩm định, duyệt vay, các công ty cầm đồ cũng có các điều khoản thanh lý tài sản cầm cố nhưng về cơ bản, số tiền nhận lại từ thanh lý tài sản cũng không mấy khi bằng hoặc cao hơn số tiền mà công ty đã chi ra, bao gồm cả tiền vay, tiền vận hành, quản lý hoạt động cho vay. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi lãi suất và tổng chi phí vay của các công ty cầm đồ sẽ cao hơn lãi suất vay có tài sản đảm bảo tại các Ngân hàng.

Tuy nhiên, trong một năm tới, khi quy mô hoạt động đủ lớn, một số công ty cầm đồ có định hướng phát triển tốt, có khả năng tối ưu chi phí sẽ đưa ra thị trường những gói vay với lãi suất và chi phí quản lý khoản vay thấp, phục vụ cho đối tượng khách hàng yếu thế trong xã hội.

Các công ty cầm đồ có đang hoạt động hợp pháp?

Để trả lời câu hỏi về tính hợp pháp, nên xem xét trên bốn căn cứ như sau:

Thứ nhất là về Lãi suất:

Hiện nay, hầu hết các công ty cầm đồ tại Việt Nam đang áp dụng mức lãi suất vay trong hạn tối đa là 1.66% * Giá trị khoản vay/tháng (tương đương với 20%/năm). Mức lãi suất này phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự 2015: “Lãi suất vay do các bên thỏa thuận. Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay”. Nếu lãi suất cho vay vượt quá tỷ lệ lãi suất theo quy định của Bộ luật Dân sự sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng” theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Hai là Phí thẩm định điều kiện vay:

Hiện nay, mặt bằng chung mức phí thẩm định điều kiện cho vay mà các công ty cầm đồ đang áp dụng là khoảng1.4% x Giá trị khoản vay/ tháng. Việc thu phí này là đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp : “Kinh doanh là việc thực hiện liên tục một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình, đầu tư, từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm hoặc cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi.”. Như vậy, doanh nghiệp được phép thu các khoản phí để bù đắp các chi phí liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh. Với các công ty cầm đồ, phí thẩm định điều kiện cho vay được dùng cho các công việc: Thu thập thông tin Khách hàng, kiểm tra, xác thực đảm bảo khách hàng đủ điều kiện về độ tuổi, năng lực pháp luật, năng lực hành vi, thông tin khách hàng trùng khớp với thông tin tài sản cầm cố. Kiểm tra điều kiện về nhân thân khách hàng bằng phương pháp gọi điện hoặc các nghiệp vụ thu thập để xác thực thông tin, loại trừ tranh chấp, giả mạo và gian lận. Nghiên cứu dữ liệu và đánh giá thị trường để tạo ra sản phẩm dịch vụ phù hợp, thuận lợi hơn cho khách hàng.  

Ba là Phí quản lý tài sản cầm cố:

Các công ty cầm đồ hiện nay đang áp dụng mức Phí quản lý tài sản cầm cố từ 2.9% đến 5.0%/tháng * Giá trị khoản vay theo đúng quy định của pháp luật về cầm cố tài sản. Luật Dân sự 2015 cũng quy định:“Quyền của bên nhận cầm cố: Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố”. Việc thu phí quản lý tài sản cầm cố được tính toán và dựa trên các hoạt động thực tế gồm chi phí trang bị hệ thống kho bãi và Chi phí mua bảo hiểm rủi ro mất mát, cháy nổ trong quá trình lưu giữ tài sản. Nhìn chung, đối với các tài sản cầm cố cỏ, các công ty cầm đồ có các biện pháp bảo quản phổ biến như: (i) bảo quản trong tủ bảo quản và két sắt bảo mật; (ii) sử dụng túi zip, niêm phong; (iii) sử dụng hệ thống camera vận hành 24h/24h; và (iv) sử dụng hệ thống an ninh đảm bảo tính an toàn và bảo mật tài sản của Khách hàng. Đối với các tài sản cầm cố lớn như xe máy, ô tô, các công ty cầm đồ ưu tiên thuê kho chuyên biệt, đảm bảo đủ điều kiện phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự để bảo quản các tài sản cầm này. Song song, các công ty cầm đồ còn bỏ thêm chi phí để mua bảo hiểm rủi ro mất mát, cháy nổ trong quá trình công ty cầm đồ lưu giữ tài sản cầm cố của khách hàng.

Bốn là Phạt vi phạm hợp đồng:

Trong trường hợp một trong hai bên vi phạm hợp đồng (ví dụ như đơn phương chấm dứt Hợp đồng trước hạn, chậm thanh toán chi phí vay…) thì sẽ áp dụng mức phạt từ 3% đến 5%, trong trường hợp đã thực thi được 2/3 thời gian hợp đồng thì sẽ được miễn Phạt hợp đồng. Việc này được áp dụng theo Điều 301 Luật Thương mại 2005, theo đó “Mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thoả thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm”

Như vậy, có thể khẳng định hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ hiện nay đã có hành lang pháp lý rõ ràng và các đơn vị đã tuân thủ đúng quy định. Hình thức cho vay này đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, giải quyết nhu cầu tài chính cấp thiết cho một bộ phận không nhỏ người dân yếu thế đã giúp họ có cuộc sống tốt đẹp hơn đồng thời góp phần thay đổi những định kiến xã hội đối về ngành nghề cầm đồ.

Tin Cùng Chuyên Mục