Khi khách bước vào Teeth – một quán bar ở San Francisco (Mỹ), họ có hai lựa chọn: gọi món ở quầy bar hoặc thông qua mã QR.
Giải pháp không chạm lâu dài
Trên mỗi bàn ở Teeth đều đặt một tờ giấy ép nhựa có in một hình vuông chứa mã vạch ma trận. Khách hàng chỉ cần quét mã bằng camera trên điện thoại là có thể mở trang web để gọi món trực tuyến. Sau đó, họ có thể nhập thông tin thẻ tín dụng để trả tiền, mà không cần chạm vào menu giấy hay tương tác với người phục vụ.
Mười tám tháng trước, cách thức gọi món như vậy còn hiếm gặp, nhưng giờ đã khá phổ biến. “Trong 13 năm sở hữu quán bar ở San Francisco, tôi chưa từng thấy một thay đổi lớn mà khiến phần lớn khách hàng chấp nhận thay đổi hành vi nhanh như thế này”, Ben Bleimen, chủ quán Teeth cho biết.
Mã QR được phát minh ở Nhật Bản năm 1994 và được dùng rộng rãi ở Trung Quốc sau khi công nghệ được tích hợp vào ứng dụng thanh toán số AliPay và WeChat. Ở Mỹ, đến năm 2017 khi Apple cho phép camera của iPhone đọc được mã QR, công nghệ mới phổ biến hơn. Nhưng chỉ đến khi đại dịch COVID-19 và nhu cầu giao dịch không cần chạm tăng cao, mã QR mới nổi lên như một giải pháp công nghệ sẽ tồn tại lâu dài.
Một nửa số nhà hàng đủ dịch vụ (full-service) ở Mỹ đã đồng loạt chọn menu bằng mã QR, theo Hiệp hội Nhà hàng Quốc gia. Tháng Năm 2020, PayPal giới thiệu công nghệ mã QR và kể từ đó đã có thêm nhiều khách hàng lớn như CVS, Nike, Foot Locker và khoảng một triệu doanh nghiệp nhỏ khác. Mã QR được giới thiệu trên khắp bao bì, thư từ, cho đến quảng cáo trên bảng hiệu và TV.
Đằng sau một giao dịch không chạm
Việc phổ biến công nghệ mã QR cũng dẫn đến việc các doanh nghiệp tích hợp thêm nhiều công cụ để theo dõi, nhắm mục tiêu và phân tích - báo động đỏ cho các chuyên gia bảo mật.
Mã QR có thể lưu trữ các thông tin số như thời gian, địa điểm và tần suất quét. Doanh nghiệp cũng có thể mở một ứng dụng hoặc một trang web để theo dõi thông tin cá nhân của người dùng hoặc yêu cầu họ nhập thông tin vào đó. Nhờ vậy, một số nhà hàng có thể xây dựng cơ sở dữ liệu về lịch sử gọi món và thông tin liên hệ của khách hàng. Tại các chuỗi bán lẻ, mọi người có thể sớm nhận được ưu đãi chung và cả ưu đãi được cá nhân hóa được tiếp thị trong hệ thống thanh toán bằng mã QR.
“Mọi người không hiểu rằng khi sử dụng mã QR, toàn bộ hệ thống theo dõi trực tuyến sẽ được chèn vào“, Jay Stanley, nhà phân tích chính sách cấp cao tại American Civil Liberties Union nhận xét. Việc đơn giản là ngồi xuống dùng bữa đột ngột trở thành một phần của đế chế quảng cáo trực tuyến, ông cảnh báo.
Lợi ích mã QR mang lại
Các doanh nghiệp không dễ dàng từ bỏ lợi ích mà mã QR mang lại. Dùng menu mã QR tiết kiệm được từ 30-50% chi phí nhân công vì không cần người nhận món và thanh toán, theo Tom Sharon, đồng sáng lập công ty cung cấp giải pháp Cheqout.
Chưa hết, tương tác trên menu mã QR cũng dễ thuyết phục khách hàng chi tiêu nhiều hơn nhờ vào hình ảnh bắt mắt, theo bà Kim Teo, đồng sáng lập công ty cung cấp giải pháp gọi món trực tuyến Mr. Yum. Khách hàng đặt món qua công nghệ này cũng giúp nhà hàng biết được món nào đang bán chạy để điều chỉnh menu: làm nổi bật những món muốn bán hoặc giới thiệu cho khách những món được nhiều người yêu thích.
Nhờ khả năng theo dõi, nhà hàng lưu lại được lịch sử mua hàng và thông tin cá nhân của người dùng, từ đó có thể đưa ra gợi ý riêng cho mỗi khách hàng. Theo bà Lucy Bernholz, giám đốc Phòng thí nghiệm xã hội dân sự số của Đại học Stanford, mã QR khiến trải nghiệm ngoài đời thực của mọi người bị theo dõi như cách Google đang làm.
Vấn đề khác của mã QR ngoài bảo mật
Bà Kim Teo cho biết công ty chỉ cung cấp dữ liệu khách hàng cho chính nhà hàng đó và Mr. Yum không sử dụng thông tin này để tiếp cận khách hàng. Công ty cũng cam kết không bán dữ liệu cho bất kỳ nhà môi giới bên thứ ba nào. Cheqout cũng tương tự.
Thực khách cũng chia sẻ nhiều ý kiến trái chiều về hệ thống đặt món bằng mã QR. Một số người cho rằng nó rất tiện lợi nhưng nói thêm rằng họ thích dùng menu truyền thống tại một nhà hàng cao cấp.
“Nếu bạn đang hẹn hò và làm mất điện thoại, đó là một điều khiến bạn mất tập trung”, theo Daniela Sernich, 29 tuổi. Jonathan Brooner-Contreras, 26 tuổi, cho rằng sự tiện lợi của mã QR khiến anh sợ mình phải bỏ công việc nhân viên pha chế. “Giống như nếu một nhà máy thay thế tất cả công nhân của mình bằng robot”, anh lo lắng về vấn đề việc làm.
Dù khách hàng cảm nhận thế nào, ông Bleiman, chủ quán bar Teeth cho biết: theo dữ liệu của Cheqout khoảng một nửa số đơn đặt hàng của Teeth, trong đó có đến 65% đơn đặt ngay trong giờ phát trận đấu thể thao trên truyền hình, đến qua hệ thống mã QR.
“Họ có thể không thích mã QR, nhưng họ vẫn cứ dùng”, ông nói.