Lý Nhân (Hà Nam): Bỏ tiền túi giúp người dân lại mang tiếng "xả thải bẩn ra môi trường"

PV

Dự án Trạm xử lý nước thải Hoà Hậu (huyện Lý Nhân) dù sắp hoàn thành nhưng chưa vận hành được do mức độ ô nhiễm của nước thải đầu vào vượt ngưỡng nhiều lần so với thiết kế. Trong khi đang áp dụng giải pháp tình thế để giúp người dân duy trì sản xuất, đơn vị thi công đã "gặp họa"...

Trước đó, Công an Tỉnh Hà Nam thông tin đã bắt quả tang Trần Quang Dũng (SN 1979, trú tại xóm 1B, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân) - phụ trách vận hành hệ thống xử lý nước thải của Khu xử lý nước thải Cụm dệt nhuộm Hòa Hậu, đang cùng công nhân thực hiện hành vi xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường.

Trần Quang Dũng khai nhận, do lượng nước thải từ các công ty trong Cụm dệt nhuộm Hòa Hậu phát sinh lớn, hệ thống xử lý nước thải của công ty đang trong quá trình vận hành thử nghiệm, không xử lý kịp, sợ nước thải tràn vào trong khu xử lý nên Dũng đã dùng bơm, bơm xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý vào hố ga thu gom nước mưa của công ty.

Được biết, dự án Trạm xử lý nước thải Hoà Hậu do tỉnh Hà Nam đầu tư bằng ngân sách địa phương và ngân sách Trung ương với hệ thống bể chứa nhỏ. Dự án do Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) thi công, đã hoàn thành đúng thiết kế và đảm bảo chất lượng song chưa đi vào vận hành do chất lượng nước đầu vào vượt ngưỡng quá lớn so với thiết kế ban đầu.

Lý Nhân (Hà Nam): Bỏ tiền túi giúp người dân lại mang tiếng

Trạm xử lý nước thải Hoà Hậu đang chờ vận hành.

Bên cạnh đó, khi xây dựng trạm, đơn vị tư vấn thiết kế đã có bản báo cáo khảo sát về mức độ ô nhiễm nước thải đầu vào, kèm theo báo cáo của tỉnh Hà Nam về nồng độ ô nhiễm của nguồn nước xả thải tại Xã Hòa Hậu, căn cứ vào đó đơn vị đã tư vấn chủ đầu tư là Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Hà Nam đầu tư hệ thống xử lý thải của một hãng sản xuất hàng đầu Nhật Bản, có thể xử lý nước thải có nồng độ ô nhiễm cao gấp 3 lần số liệu khảo sát tại thời điểm đó.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hoàn thành công tác xây dựng nhà máy và chuẩn bị đưa nhà máy vào vận hành chạy thử, AIC tiến hành đo lại nồng độ của nguồn nước thải ở đây thì thấy mức độ ô nhiễm cao hơn gấp 10 lần so với thiết kế ban đầu. Nhà thầu thiết bị đã đưa ra khuyến cáo phải đưa nước thải có nồng độ ô nhiễm về theo đúng thiết kế trước khi đưa vào màng lọc, nếu không sẽ làm hệ thống tê liệt hoàn toàn và hãng sản xuất sẽ không có trách nhiệm bảo hành hay sửa chữa khi hệ thống gặp sự cố.

Vì 2 nguyên do nêu trên, Trạm xử lý nước thải Hoà Hậu chưa có đủ điều kiện để đưa hệ thống vào vận hành chạy thử theo đúng yêu cầu mà phải bổ sung thêm giải pháp để xử lý để nước đầu vào đạt tiêu chuẩn theo đúng yêu cầu của hãng sản xuất. Song, để đảm bảo cho việc sản xuất của các hộ dân diễn ra bình thường mà vẫn đảm bảo an toàn cho môi trường, từ đề nghị của chủ đầu tư, AIC chấp nhận bỏ ra một khoản chi phí ngoài vốn đầu tư để gom nước thải vào các bể và tiến hành xử lý bằng hoá chất.

“Phương án xử lý bằng hoá chất như hiện nay rất tốn kém nhưng đây là giải pháp tạm thời trước khi nhà máy xử lý được đưa vào vận hành”, đại diện AIC khẳng định.

Trước tình trạng nêu trên, ngày 22/6/2017 các đơn vị liên quan đã có cuộc họp khẩn cấp nhằm tìm ra giải pháp khắc phục tạm thời. Tại cuộc họp, ông Vũ Hữu Song (Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, kiêm Giám đốc Ban quản lý dự án) khẳng định: “Yếu tố cốt lõi nhất là phải đảm bảo an toàn cho môi trường, lúc này phương án nào tối ưu nhất là chúng ta thực hiện. Khi nào mà chưa tìm ra giải pháp để xử lý việc này thì khi đó các hộ dân phải dừng toàn bộ các hoạt động sản xuất nhuộm vì nước thải mà ra môi trường sẽ độc hại vô cùng”.

Trước ý kiến này, đại diện các hộ sản xuất tỏ ra đồng tình với việc phải đảm bảo an toàn cho môi trường, sau khi có yêu cầu về việc dừng hoạt động để tìm phương án giải quyết thì hầu hết các hộ đều đã chấp hành. Tuy nhiên, hiện tại dường như vẫn còn 3 hộ vẫn đang sản xuất nên vẫn có nước thải được bơm trực tiếp ra môi trường.

Trong buổi làm việc, các bên đã cùng nhau tập trung và việc tìm ra phương án giải quyết trước mắt để đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân mà vẫn bảo đảm được các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Tại đây, phía đơn vị xây dựng Trạm xử lý nước thải khẳng định, trước mắt, việc xử lý tạm thời nguồn nước thải vẫn được tiến hành bằng nguồn kinh phí của công ty, phía chủ đầu tư và người dân hoàn toàn không phải chi trả chi phí này.

Việc xử lý này ngoài việc để tìm ra phương án giải quyết cho trạm xử lý thì còn giúp các hộ dân tiếp tục sản xuất, tránh tình trạng tồn đọng các đơn hàng. Chi phí xử lý tạm tình hiện nay là khoảng 40.000đ/m3, tuy nhiên đơn vị trình phương án bổ sung công nghệ (với kinh phí khoảng 10% tổng mức đầu tư cho dự án) nhằm xử lý triệt để lâu dài, chi phí xử lý sau khi hoàn thành xấp xỉ 25.000đ/m3.

Được biết, hiện đơn vị xây dựng nhà máy đã đưa ra những giải pháp lâu dài, tuy nhiên để thực hiện giải pháp công trình đưa hệ thống vào hoạt động lâu dài, sẽ một khoảng thời gian nhất định. Do vậy để đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư và các hộ dân trong cụm dệt nhuộm, đảm bảo được môi trường xung quanh và đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân, đơn vị đề xuất vẫn sử dụng phương án xử lý hóa lý, nước thải đầu ra tạm thời có thể chấp nhận được để xả ra mà không làm ảnh hưởng tới môi trường.

Lý Nhân (Hà Nam): Bỏ tiền túi giúp người dân lại mang tiếng

 

“Chúng tôi mong Công an tỉnh Hà Nam và các cơ quan chức năng nhanh chóng điều tra, làm sáng tỏ sự việc, trả lại uy tín cho doanh nghiệp. Việc áp dụng biện pháp tình thế như hiện nay chúng tôi vẫn đang thực hiện là nằm ngoài phạm vi hợp đồng, và chúng tôi đang tiến hành bằng chính kinh phí của mình nhằm giúp cho các hộ dân trong cụm duy trì sản xuất mà vẫn bảo đảm môi trường tại địa phương theo như tinh thần cuộc họp. Vậy nhưng chúng tôi lại bị nêu trên truyền thông như cố tình xả thải trộm ra môi trường", đại diện đơn vị này bức xúc.