Ngày pháp luật

Ly kỳ cuộc đời và vòng xoáy tù tội của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp

Quốc Chiến/ Trí thức trẻ

Nữ đại gia bất động sản tiến thân thông qua việc mua bán những căn nhà, chung cư cũ, cải tạo nâng cấp rồi bán lại thu lời. Bà này bị khởi tố do liên quan tới việc hoán đổi công sản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố, bắt tạm giam bà Dương Thị Bạch Diệp (70 tuổi, quê Bình Định, Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) để điều tra về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Liên quan vụ án, ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM), Trần Nam Trang (Phó Giám đốc Sở Tài chính), Nguyễn Thành Rum (cựu Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch), Vy Nhật Tảo (cựu Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP HCM) bị bắt giam về tội "Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" theo Điều 219 BLHS 2015.

Ly kỳ cuộc đời và vòng xoáy tù tội của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp - Ảnh 1

Nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp

Nhà chức trách xác định các bị can vi phạm quy định về quản lý, hoán đổi tài sản công tại Trung tâm ca nhạc nhẹ, sở Văn hóa TP HCM với Công ty Diệp Bạch Dương, Agribank chi nhánh TP HCM và các cơ quan liên quan. Việc này gây thất thoát và thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước.

Trước đó, vào đầu tháng 12/2018, ông Tài bị bắt để điều tra về những sai phạm trong việc cho thuê khu "đất vàng" 5.000 m2 tại số 8-12 đường Lê Duẩn (quận 1, TP HCM) không qua đấu giá, gây thiệt hại cho nhà nước.

Bộ Công an đã khởi tố ông Nguyễn Thành Tài, bà Dương Thị Bạch Diệp và 3 cựu cán bộ khác.

Bà "trùm" bất động sản ở Sài Gòn

Bà Dương Thị Bạch Diệp sinh trưởng và lập gia đình, làm việc tại Hải Phòng. Sau năm 1975, bà Diệp vào Nam bắt đầu lập nghiệp. Ban đầu, người phụ nữ chỉ mua lại những căn chung cư giá rẻ rồi nâng cấp, sữa chữa bán lại kiếm lời.

Khởi đầu với 4 lượng vàng và có được căn nhà số 100 đường Trần Hưng Đạo (một trong những con đường trung tâm thành phố). Sau khi sửa chữa, bà có thể bán lại căn nhà trên với giá trị 80 lượng vàng. 

Việc kinh doanh thuận lợi như diều gặp gió khi nắm bắt được nhu cầu buôn bán nhà cửa đất đai, bà Diệp đầu tư mạnh tay và nhanh chóng trở thành một doanh nhân buôn bất động sản nổi tiếng, sở hữu nhiều vị trí đất vàng khu trung tâm TP HCM.

Khi việc kinh doanh còn thịnh vượng, nữ đại gia từng đại diện pháp luật 4 công ty hoạt động kinh doanh về bất động sản. Hiện nay, 2 công ty vẫn còn hoạt động là: Công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương (trụ sở trên đường Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3) và công ty TNHH Nam Nam Phương (đường Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, quận 1).

Ly kỳ cuộc đời và vòng xoáy tù tội của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp - Ảnh 2

 Chân dung nữ đại gia bất động sản một thời, bà Dương Thị Bạch Diệp.

Ở giai đoạn đỉnh cao, bà Dương Thị Bạch Diệp nổi tiếng trong giới bất động sản khi sở hữu nhiều khu đất đẹp ở trung tâm TP HCM như: 7 mặt bằng tại số 31 đường Lê Duẩn (quận 1), dự án khách sạn – trung tâm hội nghị hơn 3.100m2 tại số 179Bis Hai Bà Trưng (quận 3), dự án khách sạn 5 sao Diep Bach Duong’s Senla Boutique…

Bà Bạch Diệp cũng từng khiến dư luận xôn xao khi là người đầu tiên sở hữu xe siêu sang Rolls Royce Phantom mang BKS hiếm: 77L – 7777. Sau đó, nữ đại gia đã bán chiếc siêu xe này vì cho rằng không mang lại may mắn trong công việc làm ăn.

Trong vụ án này, nữ đại gia bị buộc liên quan đến hoán đổi công sản tại Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM, sở Văn hoá TP HCM. Bà Diệp được một số các bị can trong vụ án ưu ái sử dụng đất vàng công sản, gây thoát và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản Nhà nước.

Liên quan tới vụ án vừa khởi tố, Công ty Diệp Bạch Dương có vốn điều lệ hơn 905,6 tỷ đồng. Trong đó bà Diệp chiếm 57,54% vốn, phần còn lại 42,46% là của con gái Nguyễn Thị Châu Hà. Cuối năm 2018, Cục thuế TP HCM công khai thông tin 256 doanh nghiệp nợ thuế. Trong đó, Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương nợ 35,5 tỷ đồng.

Vòng xoáy tin đồn và tù tội

Trước khi bị khởi tố, bà Diệp cũng từng nhiều lần dính phải tin đồn vỡ nợ, vướng vòng lao lý. Lần đầu tiên là hồi tháng 12/1982, khi bà đang có mặt ở cơ quan thì Công an quận Tân Bình đến đọc lệnh bắt giam bà với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Sau quá trình điều tra, bà Diệp được cơ quan chức năng xác định vì tin người, nể nang bạn bè chứ không có ý định vụ lợi, hay chiếm đoạt tiền bạc của người khác. Sau 2 tháng bị bắt, bà này được tạm tha và sau đó là quyết định miễn tố, trả tự do.

Biến cố tù tội chưa dừng lại, hồi tháng 11/1994, bà Diệp lại bị bắt giam với cáo buộc liên quan đến việc lừa đảo trong hợp đồng mua bán nhà 37 Nguyễn Thị Diệu. Sau 6 tháng tạm giam, cơ quan điều tra không tìm được bằng chứng phạm tội, ngày 23/5/1995 bà Bạch Diệp được trả tự do.

Ly kỳ cuộc đời và vòng xoáy tù tội của nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp - Ảnh 3

 Ngoài nổi tiếng về việc kinh doanh bất động sản, bà Diệp còn dính nhiều vòng xoáy tù tội.

Hồi năm 2005, vợ chồng Lã Thị Thùy Vân (61 tuổi, quê ở Hà Nam) và Lâm Phúc Lâm (59 tuổi, quê ở Thanh Hóa) mời bà Dương Thị Bạch Diệp đầu tư dự án tại chung cư 64 Nguyễn Văn Trỗi (quận Phú Nhuận, thuộc sở hữu Nhà nước).

Bà Diệp không đầu tư nhưng đồng ý chuyển sang ký hợp đồng thế chấp cho Vân vay hơn 2.500 lượng vàng. Sau đó, nữ đại gia phát hiện Vân dùng chung cư này cùng lúc bán cho nhiều người, bà Diệp tố cáo lên cơ quan công an. Với thế lực của mình, bà Diệp khiến kẻ lừa đảo phải nhanh chóng trả lại toàn bộ số vàng đã cho mượn.

Gần đây nhất, khoảng năm 2008, một lần nữa nhiều tin đồn Dương Thị Bạch Diệp vỡ nợ, bị bắt, bị cấm xuất ngoại, thiếu nợ, rửa tiền, buôn bán ma túy... được lan truyền. Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí, bà Diệp cho rằng vẫn giữ mối quan hệ kinh doanh bình thường. Nữ đại gia cho rằng khởi điểm của tin đồn này xuất phát từ những người tranh chấp trong kinh doanh với mình.

Thời gian gần đây, bà Diệp đã rút dần các hoạt động kinh doanh bất động sản, chủ yếu khai thác nguồn lợi từ đất công sản. Trong số đó, nữ đại gia lợi dụng các mối quan hệ để thâu tóm công sản tại Trung tâm ca nhạc nhẹ TP HCM thông qua Công ty Diệp Bạch Dương. Qua điều tra, cơ quan điều tra khởi tố bắt tạm giam bà Diệp cùng 4 cựu cán bộ khác tại TP HCM như đã nói trên.

Tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"

Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về. hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù 1-5 năm 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3-12 năm: Vì vụ lợi; có tổ chức; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới một tỷ đồng.

Phạm tội gây thiệt hại về tài sản một tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù 10-20 năm.

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Tin Cùng Chuyên Mục