Khi mới tiếp quản Berkshire Hathaway vào năm 1965, Warren Buffett đứng trước thử thách lớn bởi lúc đó công ty này chỉ là một xưởng dệt đang gặp khó khăn New Bedford, Massachusetts. Còn hiện tại, Berkshire Hathaway được giới kinh doanh biết đến như một tập đoàn lớn mạnh với tổng số vốn hóa thị trường hơn 500 tỷ USD.
Đã thành thông lệ, mỗi năm Warren Buffett sẽ tự tay viết bức thư tri ân các cổ đông đã và đang gắn bó với Berkshire Hathawa. Đúc kết lại từ những bức thư này, chúng ta có thể học được hai bài học đáng quý sau đây:
Bằng cấp không phải tất cả
Trong thư gửi cổ đông năm 1988, Buffett dành lời khen cho đội ngũ Berkshire Hathaway về những điều tuyệt vời họ đã làm được. Đồng thời, ông truyền cho họ một thông điệp tạo nên văn hoá tuyển dụng của công ty: đặt kinh nghiệm lên trên bằng cấp.
“Chúng ta đã không có những trải nghiệm tốt đẹp với các thạc sĩ quản trị kinh doanh mới ra trường,” Buffett đã bày tỏ trong lá thư gửi cổ đông năm 1988. “Họ luôn trưng ra những bảng điểm đẹp, phỏng vấn trôi chảy và hiểu biết, thế nhưng lại không gắn bó dài lâu với doanh nghiệp, cũng như từ chối học hỏi các kiến thức kinh doanh nền tảng. Rất khó để đào tạo những nhân viên như thế này, bởi họ đã quen thói "một mình một kiểu" - Buffett chua chát nói.
Không làm mọi thứ vì tiền
Trong thư gửi cổ đông năm 1989, Warren Buffett cho biết, có cả tá cách để Berkshire Hathaway tạo ra lợi nhuận khổng lồ. Nhưng tiền bạc không phải tất cả.
“Chúng ta có thể kiếm được khoản lợi nhuận sau thuế khổng lồ bằng cách chuyển đổi đầu tư một cách thường xuyên,” vị tỷ phú 88 tuổi nói. Dù vậy, nhiều năm kinh nghiệm đã mách bảo Buffett và người cộng sự lâu đời Charlie Munger rằng “chúng tôi thà ở yên một chỗ, kể cả khi điều đó có nghĩa là lợi nhuận thấp hơn.”
“Lý do của chúng tôi khá đơn giản,” Warren Buffett giải thích. “Chúng tôi đã thiết lập được hàng loạt mối quan hệ kinh doanh vô cùng hiếm có và thú vị khiến chúng tôi muốn giữ lại tất cả những gì mình đã phát triển.” Dù chúng không mang lại kết quả tốt nhất, họ biết mình sẽ đạt được những kết quả tốt.
“Chúng tôi không muốn từ bỏ quãng thời gian làm việc cùng những con người thú vị và đáng khâm phục mà mình đã biết bấy lâu chỉ để chạy theo người lạ - người có khi còn chẳng đạt được những phẩm chất trung bình. Thế thì chẳng khác nào kết hôn vì tiền cả - và đây chính là sai lầm mà không một người giàu tỉnh táo nào lại làm,” Buffett viết.