Tại Hội thảo: “Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia - PCTHRB” vừa được Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 2 Đông Nam Á về sử dụng rượu, bia; đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 trên thế giới về sử dụng rượu, bia.
Ngoài ra, rượu, bia còn gây ra vô vàn hệ lụy nghiêm trọng khác. Đó là lý do khiến chúng ta phải đẩy nhanh tiến độ ban hành Luật PCTHRB.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện có tới 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu, bia, trong đó sử dụng ở mức độ nguy hại chiếm tới 44,2%. Độ tuổi sử dụng rượu, bia ngày càng trẻ hóa; Nhiều người trong độ tuổi 55-69 tuổi còn sử dụng thứ “ma men” này mỗi ngày. Nhiều vụ tai nạn thương tâm cũng đã xảy ra do lạm dụng bia, rượu. Và bia, rượu là 1 trong 10 nguyên nhân gây tử vong ở Việt Nam.
Không chỉ có vậy, chúng ta cũng đang phải đối mặt với sự gia tăng ngày càng chóng mặt của bệnh nhân mắc ung thư do lạm dụng thứ độc dược này.
Còn nhiều khoảng trống pháp lý...
Thực tế cho thấy, tác hại của rượu, bia ngày càng trở nên nghiêm trọng và đã đến mức báo động. Theo bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, các nghiên cứu cho thấy rượu, bia là hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng nên các quốc gia đều không khuyến khích tiêu dùng. Tuy nhiên, hiện ở Việt Nam việc sản xuất, kinh doanh rượu mới phải có giấy phép, còn việc sản xuất, kinh doanh bia vẫn quản lý như thực phẩm thông thường, chưa được kiểm soát.
Mặt khác, việc quảng cáo rượu dưới 15 độ, bia và đồ uống có cồn được quảng cáo như hàng hóa, dịch vụ bình thường. Do đó, không hạn chế đối tượng tiếp cận, cũng như nội dung, thời gian, không gian...; Việc tài trợ của các thương nhân sản xuất, kinh doanh bia chưa được điều chỉnh.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thiếu các quy định liên quan đến việc trưng bày rượu, bia và in cảnh báo sức khỏe trên nhãn sản phẩm rượu, bia; Thiếu quy định nhằm hạn chế tình trạng uống nhiều và say rượu, bia đối với người lớn, đặc biệt là tại cộng đồng; Thiếu các quy định liên quan đến địa điểm, phương thức, thời gian không được bán rượu, bia.
Vì thế, theo bà Trang trong thời gian tới tất cả những khoảng trống pháp lý, cũng như các quy định nêu trên phải được bổ sung và điều chỉnh và đưa vào áp dụng trong thực tế.
Vẫn sẽ phải cấm bán rượu, bia sau 22h!
Đề cập tới lộ trình xây dựng Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia (Luật PCTHRB), TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, Ban soạn thảo Luật PCTHRB đang gấp rút hoàn thiện Dự thảo luật để trình Bộ Tư pháp thẩm định vào tháng 11/2016. Sau đó trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong năm 2017 để kịp thời phê duyệt và ban hành vào năm 2018...
Điều 16. Khoản đóng góp bắt buộc cho PCTHRB và nâng cao sức khỏe cộng đồng:
1. Cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia nộp một khoản đóng góp bắt buộc để chi cho các hoạt động PCTHRB và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
2. Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia được tính theo tỷ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình: 1% từ ngày Luật này có hiệu lực; 1,5% từ ngày 01/01/2020; 2% kể từ ngày 01/01/2025. Khoản đóng góp bắt buộc được khai, nộp cùng với thuế tiêu thụ đặc biệt do cơ sở sản xuất, nhập khẩu rượu, bia tự khai, tự tính, tự nộp theo quy định, hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Theo đó, Dự thảo Luật PCTHRB quy định rất rõ chính sách của Nhà nước trong PCTHRB, cũng như các biện pháp nhằm giảm nhu cầu sử dụng rượu, bia: Thông tin, giáo dục, truyền thông về PCTHRB; Ghi nhãn, in cảnh báo sức khỏe trên bao bì rượu, bia; Các trường hợp không được uống rượu, bia; Các biện pháp kiểm soát trong khuyến mại, quảng cáo, tài trợ rượu, bia...
Bên cạnh đó, là những quy định về biện pháp nhằm kiểm soát nguồn cung cấp rượu, bia (Các biện pháp quản lý, sản xuất, kinh doanh rượu, bia để PCTHRB; Đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm đối với rượu, bia; địa điểm, phương thức không được bán rượu, bia; Biện pháp phòng ngừa và xử lý rượu, bia nhập lậu, giả; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia và Hiệp hội Bia, Rượu và Nước giải khát Việt Nam...).
Ngoài ra, là các biện pháp giảm tác hại, bảo đảm nguồn lực cho PCTHRB, trong đó có vai trò của Qũy nâng cao Sức khỏe cộng đồng (Kiểm soát rượu, bia đảm bảo an toàn giao thông; Điều trị, phục hồi chức năng cho người nghiện rượu, bia; Khoản đóng góp bắt buộc cho PCTHRB và nâng cao sức khỏe cộng đồng; Xây dựng Qũy Nâng cao sức khỏe cộng đồng; Xử lý vi phạm pháp luật về PCTHRB...).
Về quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, một thời gian gây xôn xao trong dư luận về tính bất khả thi, ông Quang cho hay, quy định này sẽ vẫn phải thực hiện. Hiện nay, hầu hết các quốc gia đều đã cho ra đời các quy định tương tự liên quan đến phòng chống tác hại của rượu, bia. Với quy định cấm bán rượu, bia sau 22h, hiện cũng đã có tới gần 70 nước triển khai áp dụng và rất hiệu quả.
Theo phân tích của lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nhiều nghiên cứu cho thấy, từ 22h đến 24h là khoảng thời gian cơ địa của con người phải ngơi nghỉ để tái tạo sức lao động. Trong khi đó, chúng ta lại dùng thời gian vàng đó cho việc vui chơi, sử dụng các chất gây nghiện là rất có hại cho sức khỏe.
Thêm vào đó, quãng thời gian này, nếu sử dụng rượu, bia sẽ có hại rất lớn cho hệ hô hấp, tuần hoàn, tiêu hóa…, đặc biệt rất dễ gây nghiện các chất kích thích lúc đó. Tuy nhiên, để xây dựng có hiệu quả quy định này, chúng ta cần phải nghiên cứu và học tập kinh nghiệm của các nước đã triển khai có hiệu quả quy định nêu trên.
Muốn quy định này đi vào cuộc sống, theo ông Quang, tùy điều kiện, quy định sẽ có cơ chế “mở” đối với những khu vực kinh doanh, du lịch đặc thù, có đông người nước ngoài sinh sống và hoạt động, để làm sao “vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội” - TS. Nguyễn Huy Quang nhấn mạnh.