Bài viết dưới đây lược dịch ý kiến của tác giả Maelle Gavet về những thay đổi trong cách nhìn đối với người dùng của các mạng xã hội lớn hiện nay.
Khi tôi nói chuyện với những người bạn làm việc tại các công ty mạng xã hội lớn, họ luôn nói bản thân không làm vì tiền mà bởi thứ khác lớn lao hơn. Dù vậy, tiền lương của họ vẫn là con số đáng kể.
Và khi được hỏi tại sao vẫn đi làm tại các mạng xã hội đang gây ra nhiều tác động xấu đến cộng đồng, thay cho Apple, Microsoft hoặc bất kỳ công ty công nghệ nào khác, họ vẫn trả lời: vì những thứ lớn lao hơn.
Lúc gia nhập những công ty đó, bạn tôi tin rằng Facebook, Twitter và YouTube đều hoạt động vì mục đích tốt đẹp: Facebook muốn giúp mọi người có thể kết nối và gặp gỡ nhau; YouTube là nơi người ta thể hiện bản thân và tiếp cận với thế giới; Twitter đặt ra mục tiêu trở thành nơi chia sẻ ý tưởng và thông tin mà không có bất cứ ranh giới nào.
Họ tin cả ba công ty này muốn đem lại những điều tốt đẹp như giúp mọi người liên lạc với người nhà hay bạn cũ, đem lại tiếng nói cho những người yếu thế. Thực tế, các mạng xã hội này cũng từng thực sự hy vọng xây dựng nền tảng do con người và vì con người, với ước muốn tất cả cùng nhau tiến bộ.
Vậy tại sao giờ đây Facebook, YouTube, Twitter cùng những nhân viên của mình, kể cả bạn tôi, đang dần đi lệch khỏi mục đích lớn lao ban đầu của họ là phục vụ cho sự phát triển nhân loại? Chắc chắn không phải do sức mạnh đồng tiền vì họ đã có quá đủ. Từ CEO đến nhiều nhân viên bình thường, ai cũng là triệu phú USD.
Chúng ta cũng không thể đổ lỗi cho sự thiếu đồng cảm của Mark Zuckerberg, Jack Dorsey hay Susan Wojcicki. Kể cả điều đó là sự thật, hàng nghìn nhân viên của ba công ty này không thể nào cùng mắc một khuyết điểm như thế.
Họ lại càng không thể do e sợ Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi xét trên nhiều mặt, ba công ty này thậm chí còn có nhiều quyền lực hơn.
Xa rời mục tiêu ban đầu
Vậy lý do thực sự là gì? Với 15 năm kinh nghiệm làm việc trong các công ty công nghệ, tôi xin đưa ra một vài giả thuyết.
Các mạng xã hội đa số do kỹ sư lập trình vận hành. Phần lớn kỹ sư này lại cho rằng máy móc và các phần mềm có thể giải quyết vấn đề, đưa ra giải pháp tốt hơn con người.
Những thứ cảm xúc như đồng cảm không thể nào đưa vào các quy trình kỹ thuật, vì cảm xúc là thứ khó đoán định trước. Chính vì thế, những yếu tố tinh thần ít được quan tâm đến trong quá trình phát triển mạng xã hội.
Hơn nữa, trong thế giới công nghệ hiện đại, tốc độ là điều cốt yếu. Khi các nhà sáng lập chạy theo cuộc đua cho ra mắt những tính năng nhanh hơn, họ cũng vô tình bị cuốn theo nhịp điệu chóng mặt của những sản phẩm mình làm ra.
Một nguyên nhân khác nằm ở việc mạng xã hội thường không hạn chế nội dung, các nhân viên làm việc tại những công ty này được tiếp xúc với mặt tích cực nhất cũng như tiêu cực nhất của loài người.
Điều này về lâu dài có thể khiến họ cảm thấy mệt mỏi, chán chường và không còn là chính mình. Theo thời gian, những nhân viên này dần cho rằng mặt xấu xí, tiêu cực luôn tồn tại trong bản chất con người cũng như trên mạng xã hội, dù có lọc bao nhiêu nội dung xấu cũng như "dã tràng xe cát".
Lọc nội dung như trò chơi đập chuột, dù có gỡ bỏ bao nhiêu bài viết, hình ảnh vi phạm, tiêu cực, vẫn sẽ có bài mới nội dung tương tự xuất hiện. Có cố gắng thế nào, người dùng vẫn tìm được cách lách luật. Đây là công việc gây kiệt sức và cho người ta cảm giác không thể nào hoàn thành.
Tách biệt với thế giới thực
Thế giới công nghệ phát triển dựa trên khái niệm "không bao giờ là đủ". Dù số người dùng, lượng nhấp chuột có nhiều đến đâu, không bao giờ là đủ với mạng xã hội.
Dù bạn có thành công, giàu có đến đâu, cũng không bao giờ là đủ. Lối suy nghĩ này vẫn tồn tại trong các ngành nghề khác, nhưng được giới công ty công nghệ khuếch trương mạnh mẽ hơn.
Trong thế giới hiện tại, mọi người nghĩ đến những việc họ "phải" đạt được hơn là những việc bản thân đã làm được. Hơn cả cạnh tranh với người khác, họ cạnh tranh với chính bản thân mình.
Các công ty mạng xã hội tin rằng một công ty thành công phải luôn phát triển theo cấp số nhân, luôn trên tinh thần cạnh tranh với các đối thủ khác, dù đôi khi không có đối thủ nào cả. Việc này thúc đẩy sự thành công của thung lũng Silicon, cũng khiến nơi này không chấp nhận những trì trệ trong phát triển công ty.
Nhiều nhân viên của các ông lớn công nghệ lớn sống tách biệt với thế giới bởi mọi nhu cầu của họ đã được công ty đáp ứng. Họ sống trong cộng đồng khép kín, thiếu sự đa dạng, từ đó khiến khả năng đồng cảm với người khác dần suy giảm.
Thung lũng Silicon cũng là cộng đồng thiếu thực tế và thích những điều lớn lao. Những nguyên tắc họ đề ra như tự do ngôn luận, tự do thông tin, cởi mở, dân chủ khó được tuân theo tuyệt đối trong thực tế.
Họ cho rằng không nên thỏa hiệp với thực tại mà có thể thay đổi nó nếu quyết tâm và chăm chỉ làm việc. Việc này khiến họ thiếu bao dung với những ý kiến khác biệt lẫn khuyết điểm của người khác.
Tuy nhiên, việc đổ lỗi cho mạng xã hội thiếu tính đồng cảm, vị tha cũng chưa hoàn toàn đúng. Xã hội phát triển một phần nhờ những xúc cảm tiêu cực như phẫn nộ, xúc phạm và nhục mạ người khác.
Ở phương Tây, chủ nghĩa phản trí thức, chủ nghĩa dân tộc hay chủ nghĩa quân phiệt cứ vài thập kỷ lại nổi lên, dưới nhiều dạng thức khác nhau. Trong thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, tính đồng cảm hay vị tha ít được xem trọng hơn. Nếu nhìn ở góc độ khác, mạng xã hội chỉ đang phản ánh lại thế giới. Tuy vậy, trong thế giới thuật toán, sự tiêu cực có nhiều cơ hội bùng nổ hơn.
Link bài gốc