Sau sự việc một bé 2 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư may mắn được người phía dưới đỡ nên thoát chết, nhiều gia đình ở các chung cư cao tầng đã đổ xô lắp đặt lưới an toàn. Tuy nhiên việc lắp lưới bảo hộ nhằm mục đích giảm tai nạn và phòng tránh sự cố xuất phát từ bán công, lô gia của các chung cư nên hiểu đúng ra sao, các chuyên gia đã đưa ra các lý giải xung quanh vấn đề này.
Theo bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội, về chức năng, ban công, cửa sổ ngoài tác dụng giúp lấy ánh sáng và lấy gió, còn là nơi thoát hiểm, là đường tiếp cận trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Do vậy cư dân cần chú ý việc lắp lưới an toàn, nếu sử dụng chất liệu quá cứng hoặc quá chắc chắn sẽ gây khó khăn trong trường hợp giải cứu khi có hỏa hoạn và sự cố.
Bà Hạnh cho biết các chủ nhà khi có con nhỏ, đặc biệt dưới 5 tuổi, nên lắp đặt thêm lưới an toàn trên ban công và cân nhắc thận trọng về chất liệu lưới. Lưới có thể là dạng dây kim loại mềm, dây cáp và có khả năng chịu lực tốt.
Mỗi gia đình cũng nên có dụng cụ cắt phá phần dây lưới trong trường hợp xảy ra sự cố cần thoát nạn. Đặc biệt, theo chuyên gia này, tránh sử dụng các vật liệu như khung sắt, khung inox vì khi có sự cố cháy nổ hoặc tình huống cần thoát nạn xảy ra, việc cắt phá những khung quá kiên cố này có thể không thực hiện được, hoặc nếu có công cụ thì sẽ mất rất nhiều thời gian cắt phá. Khi sự cố xảy ra, thời gian là vàng bạc, việc thoát nạn và cứu hộ thậm chí phải tính bằng giây.
Ngoài ra các gia đình có trẻ nhỏ không nên để bàn ghế, các thùng hộp ở ban công và lô gia, hạn chế kê giường tủ, bàn ghế cạnh cửa sổ. Đây là những khu vực trẻ dễ leo trèo và dễ xảy ra sự cố tai nạn. Việc lắp đặt hệ thống khóa chốt cửa sổ, cửa ban công cũng cần được cân nhắc.
Hơn nữa, các gia đình có trẻ nhỏ cần có trách nhiệm giám sát trẻ liên tục, không để trẻ một mình gần các khu vực có thể xảy ra tình huống nguy hiểm này.
Đối với ban quản lý dự án, hoạt động kiểm soát an toàn và phòng ngừa rủi ro tại các dự án nhà ở cần được thực hiện nghiêm túc. Theo quy định hiện hành của nhà nước, mỗi dự án nhà ở cần triển khai hoạt động kiểm soát an toàn và phòng ngừa rủi ro định kỳ 6 tháng một lần. Song, với sự phát triển hiện tại của lĩnh vực quản lý, vận hành bất động sản tại Việt Nam, có rất ít ban quản lý và doanh nghiệp quản lý sở hữu bộ phận chuyên trách về kiểm soát an toàn và rủi ro.