Luật mới không quy định “hồi tố”
Theo quy định tại khoản 1 điều 156 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (có hiệu lực ngày 01/7/2016) về áp dụng văn bản quy phạm pháp luật, thì:
“Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó”.
Hiệu lực trở về trước của văn bản quy phạm pháp luật (mà chúng ta quen gọi là hồi tố), là những quy định của văn bản quy phạm pháp luật, cho phép được áp dụng đối với cả những hành vi (hay sự kiện pháp lý) đã xảy ra trước thời điểm luật mới được ban hành.
Ví dụ: Quy định về huỷ niêm yết bắt buộc tại khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định 155/2020) đối với các trường hợp “Kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ trong 03 năm liên tục” (điểm e khoản 1 điều 120); Tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp (điểm h khoản 1 Điều 120) về nguyên tắc, chỉ áp dụng từ ngày 01/1/2021, là ngày nghị định này có hiệu lực.
Trường hợp nhà làm luật muốn áp dụng các quy định trên cho cả những hành vi (hay sự kiện pháp lý) đã xảy ra trước đó, thì văn bản quy phạm pháp luật (bắt buộc) phải có điều khoản quy định hiệu lực trở về trước, với nội dung đại khái như sau:
Quy định về huỷ niêm yết bắt buộc đối với các trường hợp“Kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ trong 03 năm liên tục”; “Tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp” tại điểm e, điểm h, khoản 1 Điều 120 của Nghị định này, cũng được áp dụng cho những trường hợp xảy ra trước ngày nghị định này được ban hành (hoặc trước ngày nghị định này có hiệu lực)
Thế nhưng, nội dung của Nghị định 155/2020/NĐ-CP không có điều khoản nào quy định hiệu lực trở về trước đối với trường hợp kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ trong 03 năm liên tục. Còn đối với trường hợp Tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính (BCTC) năm trong 03 năm liên tiếp thì theo quy định tại khoản 12 Điều 310 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, chỉ được áp dụng sau 01 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.
Như vậy, đối với trường hợp “Kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị thua lỗ trong 03 năm liên tục”, do nội dung của Nghị định 155/2020/NĐ-CP không quy định hiệu lực trở về trước, nên không áp dụng cho các trường hợp doanh nghiệp bị thua lỗ 03 năm liên tiếp (từ năm 2017 đến năm 2019 trở về trước). Vì thời điểm này Nghị định 155/2020/NĐ-CP chưa được ban hành.
Riêng đối với trường hợp: “Tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp, do không được quy định trong các Nghị định 58/2012 và 60/2015 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán, mà chỉ mới được quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP nên được xem là thuộc trường hợp quy định về “Trách nhiệm pháp lý mới”.
Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề quy định “Trách nhiệm pháp lý mới”, tại điểm a khoản 2 điều 152 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 nêu rõ: văn bản quy phạm pháp luật không được quy định hiệu lực trở về trước trong trường hợp “Quy định trách nhiệm pháp lý mới đối với hành vi mà vào thời điểm thực hiện hành vi đó, pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý”.
Vì vậy, đối với trường hợp BCTC có ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong 03 năm liên tiếp, Nghị định 155/2020/NĐ-CP đã lùi thời hạn áp dụng sau một năm (kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực).
Áp dụng luật mới thế nào?
Như vậy, nếu BCTC của doanh nghiệp có ý kiến kiểm toán ngoại trừ trong 03 năm liên tiếp, xảy ra tại thời điểm Nghị định có hiệu lực (1/1/2021) thì cũng không áp dụng Nghị định 155/2020/NĐ-CP để huỷ niêm yết bắt buộc, mà thời điểm 03 năm đó phải được tính đến sau ngày 1/1/2022.
Ví dụ: Doanh nghiệp A. có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với BCTC trong 03 năm liên tục (từ năm 2018 đến năm 2020). Nhưng do điều luật cho phép áp dụng lùi 01 năm, nên đến năm 2021 nếu BCTC của doanh nghiệp không còn ý kiến kiểm toán ngoại trừ nữa, thì không áp dụng điểm h, khoản 1 Điều 120 để huỷ niêm yết bắt buộc. Nếu BCTC năm 2021 của doanh nghiệp A. tiếp tục có ý kiến kiểm toán ngoại trừ, thì quy định trên sẽ được áp dụng để huỷ niêm yết bắt buộc.
Trở lại với trường hợp của HAG, mặc dù vào năm 2020, doanh nghiệp có điều chỉnh hồi tố về kết quả hoạt động kinh doanh (thua lỗ trong 03 năm liên tiếp, từ năm 2017 đến năm 2019). Tuy nhiên, Nghị định 155/2020/NĐ-CP không có quy định hiệu lực trở về trước (hồi tố) đối với trường hợp này nên không có căn cứ để huỷ niêm yết bắt buộc theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 120.
Mặt khác, cơ sở để huỷ niêm yết bắt buộc đối với doanh nghiệp thua lỗ trong 03 năm liên tiếp là căn cứ trên kết quả thua lỗ thể hiện trong BCTC kiểm toán hàng năm của doanh nghiệp. Trong khi đó, các BCTC kiểm toán hàng năm của HAG (từ năm 2017 đến năm 2019) đều phản ánh kết quả kinh doanh có lãi, chỉ đến năm 2020 doanh nghiệp mới điều chỉnh thông tin, số liệu với kết quả thua lỗ. Và đây là trường hợp pháp luật chưa dự liệu, chưa có quy định về chế tài xử lý, nên không có căn cứ áp dụng điểm e khoản 1 Điều 120 để huỷ niêm yết bắt buộc đối với HAG.
Riêng đối với vấn đề “Tổ chức kiểm toán có ý kiến ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm trong 03 năm liên tiếp” thì BCTC có ý kiến ngoại trừ của HAG chỉ tồn tại trong 03 năm (từ năm 2017 đến năm 2019). Kể từ năm 2020 đến nay, BCTC của doanh nghiệp không còn tồn tại ý kiến ngoại trừ.
Vì vậy, cũng không có cơ sở để huỷ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu HAG theo quy định tại điểm h, khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Nếu trong trường hợp các cơ quan chức năng hủy niêm yết cổ phiếu HAG thì chắc chắn sẽ đối mặt với vấn đề kiện tụng hết sức phức tạp từ các cổ đông…