Ngày pháp luật

Luật sư Đậu Thị Quyên: 5 bước xác lập quyền đối với nhãn hiệu. (Bài 1)

Luật sư Đậu Thị Quyên

Nhãn hiệu là cánh cửa đầu tiên để mở đường cho doanh nghiệp đến với người tiêu dùng trong kinh doanh. Vì vậy mà nhãn hiệu là đối tượng rất thường xuyên bị xâm phạm.

Điển hình như các tranh chấp nhãn hiệu Phở Hùng với Phở ông Hùng, mì Hảo Hảo với mì Hảo Hạng…Các bên thứ ba cũng rất hay làm giả sản phẩm mang nhãn hiệu đã có chỗ đứng trên thị trường để tận dụng lợi thế thương mại sẵn có nhằm kinh doanh bất chính.

Không giống như những thủ tục hành chính khác, việc bảo hộ nhãn hiệu trong vai trò là một loại tài sản trí tuệ mất rất nhiều thời gian và phải trải qua nhiều công đoạn. Nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến việc kinh doanh trên thực tế (trừ một số trường hợp đặc biệt cần văn bằng để chứng minh quyền sở hữu). Dưới đây là 05 bước xác lập quyền đối với nhãn hiệu theo thông lệ kinh doanh và quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) Việt Nam mà doanh chủ nào cũng cần am hiểu.

Luật sư Đậu Thị Quyên: 5 bước xác lập quyền đối với nhãn hiệu. (Bài 1) - Ảnh 1

 

Bước 1: Xác định xem mình có đầu tư xây dựng giá trị thương mại cho nhãn hiệu này không?

Doanh chủ nên suy xét xem liệu mình có sử dụng, đầu tư sử dụng hay muốn bảo vệ nhãn hiệu này trên thực tế hay không. Nếu một nhãn hiệu ra đời chỉ để test thị trường, doanh chủ không phát triển lâu dài nhãn hiệu này, không muốn bảo vệ nó...thì không nên quan tâm đến việc xác lập quyền sở hữu. Ngoại trừ trong thông lệ kinh doanh, rất nhiều nhãn hiệu được đăng ký chỉ nhằm mục đích “bao vây” cho nhãn hiệu chủ lực. Khi đó, chủ sở hữu sẽ đăng ký mà không cần xem xét đến giá trị thương mại của nó.

Bước 2: Cần tiến hành tra cứu sơ bộ trước khi nộp đơn

Nếu câu trả lời Bước 1 là có thì doanh chủ cần tiến hành tra cứu sơ bộ xem nhãn hiệu đó có khả năng bảo hộ được hay không. Nghĩa rằng nó có trùng, hoặc tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu đã được nộp vào Cục SHTT hay chưa. Lưu ý, doanh chủ có thể thấy nhãn hiệu mình trùng, tương tự với nhãn hiệu của người khác trên thực tế, nhưng nếu nhãn hiệu của người đó chưa được nộp vào Cục SHTT thì doanh chủ không cần phải lo lắng. Chỉ những nhãn hiệu nào đã được nộp đơn vào Cục SHTT thì mới có cơ hội trở thành “đối chứng” của mình. Do vậy, việc tra cứu để “biết mình, biết ta” là hết sức cần thiết. Tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc cho việc theo đuổi đơn sau này.

Luật sư Đậu Thị Quyên: 5 bước xác lập quyền đối với nhãn hiệu. (Bài 1) - Ảnh 2

Luật sư Đậu Thị Quyên - Co-Founder & CEO, VIPMAC

Bước 3: Nộp đơn càng nhanh càng tốt

Nếu câu trả lời Bước 2 là không thì doanh chủ cần tiến hành soạn thảo đơn đăng ký và các hồ sơ kèm theo nộp lên Cục SHTT càng sớm càng tốt. Bởi vì Luật SHTT quy định ngày nộp đơn đầu tiên, người nào có ngày nộp đơn sớm hơn sẽ luôn được ưu tiên cấp bằng, giống như hình thức “first come, first served”. Bước này khá đơn giản, nếu doanh chủ không thể tiến hành, có thể nhờ sự hỗ trợ của các đại diện sở hữu trí tuệ. Lưu ý, doanh chủ nên chọn những đơn vị dịch vụ đã được Cục SHTT ghi nhận đại diện trong lĩnh vực này.

Bước 4: Theo dõi đơn

Việc đăng ký nhãn hiệu sẽ kéo dài từ 9 - 12 tháng theo quy định của pháp luật. Nhưng trên thực tế, thời gian này có thể kéo dài hơn, lên đến 15 - 18 tháng hoặc hơn. Đơn sẽ trải qua hai hình thức thẩm định là thẩm định hình thức (trong vòng 01 tháng kể từ ngày nộp đơn hợp lệ) và sau đó được tự động chuyển sang giai đoạn thẩm định nội dung. Cục SHTT sẽ  ban hành các thông báo, quyết định có liên quan đến đơn trong các giai đoạn này và ấn định các thời hạn phúc đáp (thông thường là 1 tháng - 2 tháng kể từ ngày Cục SHTT ra văn bản đó). Nên doanh chủ cần theo dõi ở Cục SHTT để đảm bảo phản hồi đúng thời hạn nhằm bảo vệ quyền lợi của mình.

Luật sư Đậu Thị Quyên: 5 bước xác lập quyền đối với nhãn hiệu. (Bài 1) - Ảnh 3

 

Bước 5: Tiếp nhận kết quả

Để xác lập được quyền SHTT cho nhãn hiệu là một công đoạn khá dài và trong nhiều trường hợp còn phức tạp. Không chỉ ở Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới đều phải trải qua các công đoạn như vậy để xác lập được quyền sở hữu của mình. Nhưng không vì thế mà doanh chủ lơ là hay bỏ qua việc xác lập quyền đối với đối tượng này. Bởi khi bước ra thương trường và xây dựng một thương hiệu, điều không thể thiếu để đi lâu dài là có quyền hợp pháp với “đứa con tinh thần” mà mình đã tạo ra!

Kết quả của việc đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu sẽ có hai hướng: Một là nhãn hiệu bị từ chối bảo hộ, hai là nhãn hiệu được bảo hộ. Trong trường hợp được bảo hộ, Cục SHTT sẽ ban hành thông báo nộp phí, lệ phí cấp văn bằng và doanh chủ sẽ nộp phí cấp bằng để được cấp trong thời hạn 2 tháng sau đó. Trường hợp nếu bị từ chối, Cục SHTT sẽ ra thông báo dự định từ chối bảo hộ và ấn định thời hạn phúc đáp cho chủ đơn. Doanh chủ thông thường khi nhận được thông báo này thì bỏ luôn nhãn hiệu mà không xem xét kỹ liệu việc từ chối của Cục SHTT có hợp tình hợp lý hay không.

Có thể thấy rằng, việc bảo hộ độc quyền cho một nhãn hiệu hoặc một chủ sở hữu nào đó, đồng nghĩa với việc cả thị trường sẽ mất độc quyền đối với nhãn hiệu đó. Do vậy Cục SHTT sẽ luôn thận trọng và tìm mọi cách để xem xét cẩn thận, kỹ lưỡng. Không phải trong mọi trường hợp, Cục SHTT đều đúng. Do vậy, khi nhận được thông báo dự định từ chối, doanh chủ cần trao đổi kỹ với các đại diện sở hữu công nghiệp hoặc người có chuyên môn để được tư vấn bước tiếp theo. (Còn tiếp)