Tạp chí Forbes Việt Nam chính thức công bố danh sách 50 Phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2019 trong số báo đặc biệt tháng 3/2019.
Theo Trí thức Trẻ, trong lần bình chọn này, kinh doanh vẫn là lĩnh vực tiếp tục có sự đóng góp của nhiều gương mặt nhất, với 20 nữ lãnh đạo hàng đầu. Đây cũng là đặc tính của thương hiệu Forbes vốn tập trung vào mảng kinh doanh và kinh tế. So với các danh sách trước, có 30% là gương mặt mới lần đầu tiên có mặt.
Một trong những cái tên nổi bật có mặt trong danh sách là nữ tướng FPT Nguyễn Bạch Điệp. Chị vẫn được biết đến với danh xưng "Người đàn bà thép", đảm nhận chức danh CEO FPT Retail. Dưới sự điều hành của chị, FPT Shop từ chỗ chập chững xuất hiện 6 năm trước đây đã vươn lên thành nhà bán lẻ di động top 2 thị trường, chỉ sau Thế Giới Di Động. Thậm chí xét về hiệu quả kinh doanh, FPT Shop còn là nhà bán lẻ với doanh thu trên mỗi m2 sàn ở mức 15.717 USD/m2, cao gấp 3 lần con số của của Thế Giới Di Động.
Tại sự kiện Women's Summit 2018 do Forbes Việt Nam tổ chức, khi được hỏi về biệt danh "người đàn bà thép", chị Điệp thừa nhận mình cũng không rõ nó mang nghĩa tiêu cực hay tích cực. Tuy vậy, chị không quá quan tâm và chỉ tập trung vào mục tiêu công việc.
Theo kinh nghiệm của nữ tướng FPT Nguyễn Bạch Điệp, một người lãnh đạo để được tôn trọng cần có những phẩm chất sau:
Thứ nhất, lãnh đạo phải có tầm.
Thứ hai, phải thật chân thành. Mặc dù trong công việc rất khó tính, đòi hỏi cao với nhân viên, nhưng quan trọng họ nhìn thấy mình là người chân thành.
Thứ ba, mình tự đặt cho mình nhiệm vụ phải đảm bảo quyền lợi của nhân viên. Nếu mình đặt mục tiêu cao, bắt nhân viên phải chịu tính cách khắt khe của mình thì đổi lại, toàn bộ nhân viên và công ty phải nhận lại được điều gì đó. Có như vậy họ mới tôn trọng lãnh đạo.
Chia sẻ với VnExpress, CEO Nguyễn Bạch Điệp cho biết mình đã từng phải đương đầu với việc nhân viên có phản ứng tiêu cực với lãnh đạo. Thời điểm những năm 90, khi được tin tưởng giao chức danh cửa hàng trưởng, kéo theo trách nhiệm cao hơn khiến chị cảm thấy rất áp lực. Chị bắt đầu trở nên khắt khe hơn, biến bầu không khí làm việc theo hướng ngột ngạt hơn nhưng chính bản thân chị khi đó lại không nhận ra.
"Cho đến một hôm tôi biết được các nhân viên trong shop bàn với nhau chuyện đối phó với mình, tôi thật sự rất buồn và bất ngờ," chị Điệp nhớ lại.
"Tối về tôi suy nghĩ xem nên xử lý họ như thế nào nhưng sáng hôm sau, tôi quyết định hỗ trợ ngược. Nghĩa là tôi chia sẻ khách hàng của mình cho họ; hoặc khi họ gặp vấn đề với khách thì tôi dùng kinh nghiệm bán hàng trước đây của mình để tư vấn họ giải quyết thành công, thay vì phải nói nhiều".
Nhờ chiến lược này, từ chỗ bất mãn với sếp, những nhân viên đó đã cảm nhận được sự chân thành của chị Điệp, cùng phối hợp làm việc để đẩy doanh thu cửa hàng tăng liên tục.
"Tôi nhận ra khi gặp vấn đề với nhân viên, quan trọng là mình phản ứng thế nào. Nếu đi từ cái tâm đến cái tâm thì sẽ thuyết phục được họ. Và tôi lựa chọn cách ấy", chị tâm sự.