Ngày pháp luật

Long Châu sẽ đi theo mô hình kinh doanh như Pharmacity, nhưng đây chưa phải là thời điểm đúng

Theo Quỳnh Như/Trí Thức Trẻ

Theo lãnh đạo của FPT Retail, người tiêu dùng Việt Nam chỉ mới có nhu cầu chữa bệnh chứ chưa có nhu cầu phòng bệnh, thế nên đây chưa phải là thời điểm đúng để Long Châu phát triển theo mô hình kinh doanh như Pharmacity.

Long Châu đang chạy hết tốc lực trên đường đua giành lấy trái tim của người tiêu dùng trong mảng dược phẩm. Mặc dù, đối thủ chưa nhiều, nhưng vì đường đua mới, nên hành trình không hề dễ dàng.

Long Châu sẽ đi theo mô hình kinh doanh như Pharmacity, nhưng đây chưa phải là thời điểm đúng - Ảnh 1

 Nhà thuốc Long Châu vừa mở ở Tiền Giang.

Công cuộc mở rộng chuỗi cửa hàng của Long Châu vẫn rất cam go

Theo chia sẻ từ bà Nguyễn Bạch Điệp – CEO FPT Retail với chúng tôi, thì hiện tại Long Châu đang có 35 nhà thuốc. Nếu tính ra, đến cuối tháng 5/2019, họ mới mở được 13 nhà thuốc, trong khi mục tiêu trong năm 2019 là sẽ phải mở thêm 50 nhà thuốc mới, để nâng con số nhà thuốc lên 70.

Hiện tại, Long Châu đã có 3 cửa hàng ở các tỉnh lân cận TP. HCM: 2 ở Đồng Nai và 1 tại Tiền Giang. Sắp tới, ngoài TP. HCM và 2 tỉnh vừa kể trên, Long Châu sẽ mở cửa hàng ở Vũng Tàu, Bình Dương, Long An…

Khi tấn công các thị trường ở tỉnh, Long Châu gặp khá nhiều khó khăn trong giai đoạn mở cửa hàng đầu tiên vì chưa quen thuộc các quy trình thủ tục giấy tờ, nhưng thuận lợi là họ có thể áp dụng mô hình kinh doanh đúng mà họ đã tìm ra tại TP.HCM cho tất cả.

"Khi mở cửa hàng ở các tỉnh, cái đầu tiên không bao giờ nhanh hơn TP. HCM. Đến mỗi tỉnh, chúng tôi lại phải bắt đầu tìm hiểu các quy chế thủ tục riêng và đường đi nước bước để mở một nhà thuốc sẽ như thế nào. Tuy nhiên, sau khi nắm được vấn đề thì việc mở các nhà thuốc sau sẽ nhanh hơn.

Hiện tại, Long Châu đang áp dụng mô hình đúng đã tìm ra ở TP. HCM cho tất cả các nhà thuốc ở tỉnh. Tất nhiên, chúng tôi không máy móc mà sẽ dựa vào tình hình hoạt động cụ thể để rút ra kinh nghiệm, xem mô hình đó nên thay đổi hay sửa chữa như thế nào để phù hợp nhất với từng địa phương.

Tuy nhiên, trước mắt, ‘trộm vía’, theo đánh giá sơ bộ của tôi, mô hình đúng ở TP. HCM đang tỏ ra rất phù hợp với các địa phương lân cận, khiến chúng tôi không phải chỉnh sửa gì nhiều. Cơ bản là thói quen tiêu dùng của khách hàng TP. HCM hay các tỉnh lân cận không khác nhau bao nhiêu", bà Nguyễn Bạch Điệp nhận định. Long Châu vẫn đang rất cố gắng trong hoạt động mở rộng chuỗi để kịp tiến độ!

Chiến lược của Long Châu chính là cạnh tranh về số lượng thuốc và giá

Một trong những lý do khiến FPT Retail quyết định mua lại chuỗi Long Châu thay vì các chuỗi khác khi muốn khai phá vùng đất mới – dược phẩm, là bởi doanh số của Long Châu luôn cao hơn đồng nghiệp.

Cũng như mô kinh doanh đúng mà họ đã tìm ra cho mảng dược phẩm, thì chuyện vì sao Long Châu có doanh thu vượt trội như thế thuộc về bí quyết kinh doanh, không thể tiết lộ.

Long Châu sẽ đi theo mô hình kinh doanh như Pharmacity, nhưng đây chưa phải là thời điểm đúng - Ảnh 2

 Bà Nguyễn Bạch Điệp - CEO của FPT Retail

Tuy nhiên, trước sự tò mò của chúng tôi, bà Nguyễn Bạch Điệp cũng chịu bật mí 2 bí quyết: nhờ số lượng sản phẩm trong mỗi nhà thuốc của Long Châu rất nhiều và giá của họ luôn thấp hơn 20% so với thị trường.

Khách hàng luôn thích đến một nơi mua được tất cả các loại thuốc hơn là đến nhiều nơi mua từng loại thuốc trong một toa. Ngoài ra, bởi nguyên nhân đó, trung bình giá trị đơn hàng của Long Châu luôn lớn.

Ở khía cạnh khác, vì bà Điệp không biết các ‘đội bạn’ lấy nguồn thuốc từ đâu và được nhà cung cấp chiết khấu như thế nào, nên không thể bình luận về giá cả của họ. Còn sở dĩ giá thuốc của Long Châu luôn thấp hơn 20% so với thị trường là do trước đây, các cửa hàng của Long Châu là hộ kinh doanh cá thể, phải bán giá như thế thì mới cạnh tranh với các các hộ kinh doanh dược phẩm cá thể khác.

Thêm nữa, Long Châu muốn định vị mình trong lòng khách hàng là cửa hàng bán thuốc với giá cả phải chăng, để tạo mối quan hệ sâu sắc với khách hàng hơn. Về mặt tâm đức, nếu bán thuốc cho người bệnh mà có giá quá cao thì họ cũng cảm thấy không đành lòng.

Còn ở những chuỗi khác, chiến lược của họ có thể đi khác, ví dụ như đề cao sự tiện lợi hơn là cạnh tranh về giá. Tức là, người tiêu dùng phải trả tiền nhiều hơn cho sự tiện lợi, khi khách hàng chỉ cần bước ra khỏi nhà là có thể mua thuốc ngay lập tức, như các nhà thuốc ở ngay dưới khu chung cư.

Dù Long Châu đang thể hiện một bộ mặt rất khác so với các nhà thuốc truyền thống hay hộ kinh doanh đơn lẻ, song bà Điệp không cho rằng, mình mạnh hơn mà ‘mỗi mô hình có một lợi thế riêng" và doanh nghiệp này chỉ muốn làm tốt nhất trong khả năng của mình.

"Sản phẩm của Long Châu luôn an toàn - ổn định, được bảo quản bởi hệ thống lạnh đúng chuẩn, nhân viên được đào tạo – tư vấn bài bản, có nhiều chương trình khuyến mãi…; tuy nhiên, chúng tôi cũng có những quy định – quy trình được soạn ra phù hợp với mô hình chuỗi và nó có thể không được linh hoạt như các nhà thuốc nhỏ lẻ.

Điều quan trọng cuối cùng là khách hàng tin vào cách làm nào hoặc thị hiếu của họ hợp với mô hình nào, mình sống hay không là ở chỗ đó. Các nhà thuốc nhỏ cũng vậy, nếu họ không đáp ứng được nhu cầu thì họ sẽ không thu hút được khách hàng", bà Điệp nói.

Hiện tại, Long Châu vẫn chưa đo đếm được những tác động từ sự xuất hiện các cửa hàng của họ lên các nhà thuốc nhỏ lẻ trong khu vực; tuy nhiên, nếu lấy kinh nghiệm từ mảng điện thoại di động, thì ngày thoái trào của những cửa hàng thuốc nhỏ lẻ không còn xa. Ngày xưa, Việt Nam cũng có vài ngàn hộ kinh doanh điện thoại nhỏ lẻ, sau khi Thế Giới Di Động xuất hiện và tạo lập nên cung cách tư vấn và phục vụ mới, thì dần dần các cửa hàng nhỏ lẻ cũng biến mất.

Long Châu sẽ đi theo mô hình kinh doanh như Pharmacity, nhưng đây chưa phải là thời điểm đúng - Ảnh 3

 Pharmacity ngoài bán dược phẩm, còn bán thực phẩm dinh dưỡng, mỹ phẩm và thực phẩm chất năng.

Long Châu sẽ đi theo mô hình của Pharmacity nhưng đây chưa phải là thời điểm đúng

Thật ra, nếu xét kỹ, mô hình kinh doanh hiện tại của Long Châu chẳng có gì mới, chỉ là nâng cấp và chuẩn hóa quy trình kinh doanh kiểu cũ. Nhưng, trong tương lai, ngoài bán thuốc, Long Châu sẽ bán thêm các loại mỹ phẩm – thực phẩm chức năng – thực phẩm dinh dưỡng, như chuỗi Pharmacity bây giờ.

Có hai nguyên do buộc Long Châu phải đa dạng hóa các sản phẩm trong nhà thuốc của mình: đầu tiên, dù thực phẩm chức năng và các sản phẩm ngoài thuốc mang lại doanh thu rất nhỏ cho Long Châu (do họ mới chỉ bán thử nghiệm vài loại) song tỷ suất lợi nhuận lại rất cao so với thuốc; thứ hai, Long Châu không thể chống lại xu hướng của thế giới.

"Tất nhiên, Long Châu sẽ phát triển theo xu hướng chung của thế giới, nhiều chuỗi nhà thuốc thành công trên thế giới không chỉ bán dược phẩm mà còn bán thực phẩm chức năng – mỹ phẩm…

Tuy nhiên, Việt Nam chưa đi đến các giai đoạn đó. Chúng ta vẫn đang ở giai đoạn mà người dân chỉ quan tâm đến vấn đề về bệnh và thuốc. Trong tương lai, khi nào người dân Việt Nam giàu hơn hoặc rủng rỉnh tiền bạc hơn, thì họ có thể bỏ thêm tiền mua mỹ phẩm làm đẹp da, mua thực phẩm chức năng nâng cao sức khỏe, phòng ngừa bệnh. Bây giờ, người dân mới trả tiền để chữa bệnh chứ chưa cho chuyện phòng bệnh.

Chắc chắn Long Châu cũng sẽ đi theo xu hướng của thị trường, nhưng quan trọng vẫn là thời điểm: thời điểm nào sẽ kinh doanh cái gì thì phù hợp với thị trường Việt Nam và nhu cầu của người dân", CEO FPT Retail cho biết.

Đánh giá cao mảng tiêu dùng và tiết lộ sẽ xây dựng nhiều chuỗi khác nhau

Với viễn cảnh mảng smartphone sẽ bão hòa trong nay mai, FPT Retail đã nghiên cứu rất nhiều mảng khác nhau để tìm cách phát triển, duy trì tăng trưởng. Trong tất cả, bà Nguyễn Bạch Điệp đánh giá mảng tiêu dùng nhanh rất cao.

Theo bà, quy mô thị trường của mảng tiêu dùng nhanh là cực lớn - hơn vài lần so với những mảng hiện tại mà FPT Retail đang kinh doanh, nên về bản chất là rất hấp dẫn. Thứ hai, theo mọi người đánh giá, trong mảng tiêu dùng nhanh, kênh bán hàng hiện đại mới chiếm hơn 20%, còn kênh bán hàng truyền thống như chợ - tiệm tạp hóa vẫn chiếm tới 80%, nên tiềm năng là rất lớn.

Khi được chúng tôi hỏi là FPT Retail có dự định nhảy vào lĩnh vực tiêu dùng nhanh hay không,  bà Điệp đã bỏ ngỏ vấn đề đó mà chỉ khẳng định "chắc chắn sau chuỗi thuốc sẽ có nhiều chuỗi khác". Hiện doanh nghiệp này đang có 3 phương án thử nghiệm và nếu thành công bất cứ phương án nào, họ chỉ có thể triển khai rầm rộ sau khi mảng dược phẩm lớn mạnh, tức là phải sau 2 đến 3 năm nữa.

Tin Cùng Chuyên Mục