Từng bước lấy lại đà tăng trưởng
Báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty cổ phần May Sông Hồng (mã CK: MSH) cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.541 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Do chi phí đầu vào tăng 6% lên mức 1.342 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 20% lên 46,4 tỷ đồng nên dù Công ty tiết kiệm được chi phí quản lý doanh nghiệp giảm tới 31% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của Công ty đạt 100 tỷ đồng, giảm 8% so với cùng kỳ.
Quý II/2023, Công ty tiếp tục ký được nhiều đơn hàng nên doanh thu tăng, nhưng chi phí đầu vào tăng nên lợi nhuận giảm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 2.179 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế đạt 139 tỷ đồng. Kết quả này suy giảm khá lớn so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhìn vào quý II/2023 cho thấy, doanh nghiệp đã hạn chế được đà suy giảm của quý I và đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng.
May Sông Hồng cho biết, trong bối cảnh khó khăn của ngành dệt may hiện nay trước nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn giảm sút, Công ty tập trung vào 3 vấn đề cốt lõi.
Thứ nhất, giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt. Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thứ hai, giữ chân khách hàng, chấp nhận biên lợi nhuận mỏng để có việc làm cho người lao động và để khách hàng không chuyển đi nơi khác. Xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài. Khai thác thị trường mới.
Thứ ba, quản trị chặt chẽ chi phí, giảm tối đa các chi phí chưa thực sự cần thiết của doanh nghiệp.
Mục tiêu 2023 đạt lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng
Tại ĐHCĐ thường niên 2023 Công ty cổ phần May Sông Hồng tổ chức mới đây, đại diện công ty cho biết, năm 2022, May Sông Hồng đạt 5.521 tỷ đồng doanh thu, tăng 16,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế đạt 439 tỷ đồng, giảm 19,1% so với năm 2021. Dù vậy, công ty vẫn đảm bảo chi trả cổ tức 25% bằng tiền mặt. So với kế hoạch đã được đại hội cổ đông thông qua, doanh thu của Công ty tăng 12,7%, lợi nhuận trước thuế thấp hơn 12,2%.
Nguyên nhân chủ yếu là giá vốn hàng bán tăng nhanh ở mức 22,9% một phần do ảnh hưởng của tình trạng lạm phát trên thế giới cũng như các vấn đề về gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu hụt container đã khiến giá nguyên vật liệu tăng lên. Tỷ trọng giá vốn hàng bán so với doanh thu thuần là gần 85%, tăng so với 80,4% trong 2021.
Không đạt kế hoạch lợi nhuận đề ra nhưng xét trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều bất lợi, việc MSH vẫn đảm bảo việc làm cho hàng chục nghìn người lao động, đảm bảo cổ tức 25% bằng tiền mặt cho cổ đông là những nỗ lực lớn.
Ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch MSH đánh giá: “Đội ngũ kinh doanh đã rất linh hoạt chủ động trong việc khai thác các khách hàng và đơn hàng mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu hàng hóa của các nhà máy. Hoạt động sản xuất của các nhà máy được duy trì tương đối ổn định và đón đầu được hồi phục nhu cầu hàng may mặc từ các thị trường xuất khẩu”.
Trước những diễn biến bất thường trên thị trường như nhu cầu giảm, chuỗi cung ứng hàng may mặc toàn cầu đang dịch chuyển theo hướng bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam, đại hội đã thông qua kế hoạch năm 2023 với doanh thu thuần 4.800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 350 tỷ đồng, giảm 13% và 20% so với thực hiện 2022, cổ tức dự kiến 15-35%.
Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp, đây là kế hoạch thận trọng, nếu điều kiện thuận lợi về cuối năm, Công ty có thể đạt kết quả cao hơn.
Các giải pháp trọng tâm mà MSH thực hiện trong năm 2023 bao gồm tiếp tục phát triển các khách hàng FOB truyền thống và tiềm năng, thị trường chăn ga gối nệm và logistics để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng doanh thu của Công ty. Giữ ổn định công việc cho cán bộ nhân viên bằng cách đa dạng hóa khách hàng và chủng loại hàng hóa, tăng cường khả năng cung cấp các dịch vụ có giá trị gia tăng cho khách hàng như phát triển mẫu, đầu tư bảo vệ môi trường để nâng cao niềm tin của các khách hàng chiến lược của Công ty. Tiết kiệm các chi phí đầu tư, tiếp tục khâu số hóa quản trị để nâng cao hiệu quả và giảm chi phí hoạt động.
Theo đại diện doanh nghiệp, các tập đoàn Mỹ, châu u đang dịch chuyển nhà máy sang các vị trí địa lý gần như Trung Mỹ, châu Phi để hạ giá thành vận chuyển, nhân công. Dù vậy, hàng phức tạp, hàng khó họ vẫn làm ở Việt Nam. Đây là xu hướng tốt cho các doanh nghiệp lớn.
Các tập đoàn lớn như Wal-mart, Columbia, Target vẫn gia tăng đơn hàng với MSH. Tình hình khó khăn chung nhưng MSH vẫn đang phát triển ổn định, tài chính lành mạnh.
Về đơn hàng năm nay, Sông Hồng năm nào cũng có đơn hàng, có điều là hàng nhiều hay ít. Đặc thù của dệt may là tháng Hè làm đơn hàng mùa Đông, tháng Đông lại làm hàng Hè. Như tôi đã đề cập, hiện hàng dệt kim các hãng có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường khác nên quý III có thể sẽ chút khó khăn về đơn hàng, quý 4 thì đơn hàng lại dồi dào.