Hai doanh nghiệp hàng không lớn của Việt Nam vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2018, trong đó bức tranh lợi nhuận của Vietjet Air và Vietnam Airlines mang những màu sắc trái ngược.
Các hãng hàng không Việt đều đang gặp khó khăn chung về tình hình biến động tỷ giá và chi phí nhiên liệu tăng mạnh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh vận tải hàng không, tuy nhiên con số lợi nhuận của hai hãng lại có sự khác biệt.
Vietjet Air tăng 59% lợi nhuận
So với cùng kỳ năm 2017, công ty mẹ của hãng hàng không Vietjet ghi nhận doanh thu đạt 12.712 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lên đến đến 1.709 tỉ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lý giải về lợi nhuận, đại diện Vietjet cho hay nhờ việc tăng cường thêm đội máy bay mới, hiện đại, mở thêm nhiều đường bay quốc tế, chủ động điều chỉnh tải cung ứng mùa thấp điểm với tỉ lệ lấp đầy các chuyến bay đạt xấp xỉ 89%. Các sản phẩm, dịch vụ phụ trợ cũng tăng trưởng mạnh với doanh thu 2.177 tỉ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ 2017.
Cụ thể, doanh thu của Vietjet Air không chỉ đến từ nghiệp vụ bán và tái thuê máy bay (sales and leaseback) mà còn nằm phần lớn ở hoạt động phụ trợ (chọn ghế ngồi, bữa ăn, hành lý tăng thêm…).
Theo tính toán, Vietjet Air thu về khoảng 588 tỷ đồng lợi nhuận từ 5 công ty con, trong đó có 4 công ty hoạt động trong lĩnh vực mua bán máy bay. Điều này cho thấy nhiều khả năng phần lớn khoảng lợi nhuận 588 tỷ đồng mà các công ty con trên mang về cho Vietjet đến từ nghiệp vụ sale and leaseback máy bay.
Cũng theo Vietjet Air, việc đưa vào vận hành thế hệ máy bay mới A320/A321 Neo tiết kiệm nhiên liệu lên tới 16%, hơn nữa ở các chặng bay quốc tế hãng đổ xăng ở nước ngoài nơi có giá xăng thấp hơn ở Việt Nam khoảng 30% (do chính sách thuế, phí của các nước) giúp Vietjet giảm thêm chi phí.
Các chương trình cải tiến trong công tác vận hành cũng tiết kiệm các chi phí khai thác không bao gồm xăng dầu khoảng 5%.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia hàng không, Vietjet Air đang ở vào thời kỳ "bên kia sườn dốc" lợi nhuận sale and leaseback và lợi nhuận từ nghiệp vụ này của hãng sẽ giảm mạnh trong khoảng 5-10 năm tới.
Vietnam Airlines có kết quả trái ngược Vietjet Air
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt doanh thu quý III khoảng 25.300 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 571 tỉ đồng, giảm tới 65% so với cùng kỳ.
|
Hai hãng hàng không lớn của Việt Nam đang có kết quả kinh doanh quý III/2018 trái ngược nhau. Ảnh: Ngô Minh. |
Lý giải với Zing.vn về mức giảm lợi nhuận, đại diện Vietnam Airlines cho hay hãng gặp phải những khó khăn chung về tỷ giá và chi phí nhiên liệu. Tuy nhiên vị này cũng khẳng định những vấn đề này đã được doanh nghiệp tính toán từ đầu năm và quan trọng là khó khăn này có ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh cả năm của hãng hay không.
"Ngay từ đầu năm chúng tôi đã tính toán nên thời điểm này lợi nhuận vẫn đang ở mức đúng theo kế hoạch, có nghĩa là quý III/2018 giảm lợi nhuận đã nằm trong kế hoạch từ trước của Vietnam Airlines. Lợi nhuận trước thuế lũy kế 9 tháng đầu năm 2018 của hãng vẫn đang vượt 4% so với kế hoạch", đại diện Vietnam Airlines nhận định.
Vị này cũng cho hay, quý 4 là thời điểm bắt đầu vào cao điểm cuối năm nên nhiều khả năng doanh thu sẽ ổn định trở lại và đảm bảo kế hoạch năm của doanh nghiệp.
Trước đó vào đầu tháng 8/2018, với lý do giá xăng dầu thế giới dao động theo chiều hướng tăng, cả 3 hãng hàng không cùng có ý kiến với cơ quan chức năng về việc cho phép tăng giá vé.
Riêng Jetstar Pacific đề nghị cụ thể tăng mức tối đa lên đến 25% so với quy định hiện tại.