Ngày pháp luật

Lợi nhuận nhóm VN30 vẫn tăng trưởng dương trong năm Covid thứ nhất

Theo Người đồng hành

Vinhomes, Hòa Phát, TTC Sugar, Chứng khoán SSI là những điểm sáng lợi nhuận năm 2020 bất chấp dịch Covid-19. Lợi nhuận ròng doanh nghiệp nhóm VN30 ghi nhận mức tăng trưởng 2,4% trong năm 2020, riêng nhóm ngân hàng tăng 13%.

Năm 2020 chứng kiến đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới đã làm thay đổi quan điểm, hành vi của con người và có tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế. Dù vậy, các doanh nghiệp trong nhóm VN30 vẫn ghi nhận kết quả lợi nhuận tăng trưởng dương.

Theo thống kê Người Đồng Hành, tổng lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ của các doanh nghiệp trong nhóm VN30 đạt hơn 168.100 tỷ đồng, tăng 2,4% so với năm 2019. Riêng quý IV ghi nhận 54.167 tỷ đồng, đóng góp 32% và ghi nhận mức tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước.

Đồng thời, 18/30 doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước, không đơn vị nào bị lỗ.

Lợi nhuận nhóm VN30 vẫn tăng trưởng dương trong năm Covid thứ nhất - Ảnh 1

Vinhomes dẫn đầu về lợi nhuận, Hòa Phát quán quân tăng trưởng

Xét về con số tuyệt đối, Vinhomes ( HoSE: VHM ) ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong nhóm VN30 và cũng dẫn đầu trong số các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán, bỏ xa đơn vị đứng thứ 2 là Vietcombank. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2020 của Vinhomes đạt 27.840 tỷ đồng, tăng 28% so với năm trước.

Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản trong hệ sinh thái Vingroup ( HoSE: VIC ) đặc biệt nổi trội trong quý IV khi doanh thu thuần tăng 54% đạt 21.512 tỷ đồng và lãi sau thuế 11.502 tỷ đồng, tăng 79% so với quý IV/2019.

Nguyên nhân được doanh nghiệp lý giải là do bước vào thời kỳ bàn giao lớn các sản phẩm chủ yếu của 4 dự án Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Grand Park, Vinhomes Smart City và Vinhomes Symphony. Ngoài ra, doanh thu tài chính quý IV tăng mạnh từ 1.388 tỷ đồng lên 10.175 tỷ đồng nhờ lãi từ hoạt động chuyển nhượng các khoản đầu tư.

Trong khi đó, Hòa Phát ( HoSE: HPG ) là quán quân tăng trưởng lợi nhuận năm 2020 trong VN30 với mức tăng 79%. Năm vừa qua là năm thuận lợi của Hòa Phát cả ở mảng thép và mảng nông nghiệp.

Ở mảng thép, doanh nghiệp đạt sản lượng sản xuất 5,8 triệu tấn thép thô, gấp đôi năm 2019, tiêu thụ đạt mức kỷ lục trên 5 triệu tấn. Hỗ trợ đà tăng trưởng là nhờ lò cao số 1 và 2 thuộc dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đi vào vận hành chính thức từ đầu năm. Đến tháng 8 lò cao số 3 cũng bắt đầu sản xuất giúp doanh nghiệp có thể cung ứng thép cuộn cán nóng (HRC) ra thị trường. Tập đoàn cho biết lò cao số 4 thuộc khu liên hợp dự kiến có thể hoạt động ổn định từ đầu năm 2021 sẽ nâng tổng sản lượng thép thô lên 8 triệu tấn/năm, cho phép doanh nghiệp nâng cao sản lượng thép xây dựng thành phẩm, HRC và đẩy mạnh xuất  khẩu thép thô.

Sau 5 năm đầu tư, mảng nông nghiệp của Hòa Phát cũng thuận lợi hơn trong năm 2020 khi ghi nhận hơn 1.670 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 6 lần năm 2019 và đóng góp 12,4% tổng lợi nhuận sau thuế tập đoàn.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp khác ghi nhận kết quả lợi nhuận năm 2020 tăng trưởng trên 30% bất chấp dịch bệnh Covid-19 như TTC Sugar (SBT), Chứng khoán SSI, Bảo Việt (BVH), BĐS Phát Đạt (PDR).

Lợi nhuận Vietjet, Petrolimex phục hồi quý IV

Hãng hàng không Vietjet ( HoSE: VJC ) báo cáo năm 2020 lãi vỏn vẹn 70 tỷ đồng, giảm đến 98% so với năm trước. Tuy vậy, đây là hãng hàng không hiếm hoi vẫn có lợi nhuận trong năm Covid thứ nhất, bối cảnh dịch bệnh khiến lĩnh vực hàng không lao đao, lỗ lớn hoặc phá sản.

3 quý đầu năm, Vietjet rơi vào tình trạng doanh thu không đủ bù giá vốn, lỗ gộp hoạt động kinh doanh chính. Riêng quý IV, mặc dù doanh thu vẫn giảm 68% nhưng đơn vị có lãi gộp 494 tỷ đồng. Kết hợp với nguồn thu nhập khác 745 tỷ đồng, hãng hàng không báo cáo lãi quý IV đạt 995 tỷ đồng, tăng 85%.

Trong năm, hãng đã mở 8 đường bay nội địa mới, tăng cường mảng vận tải hàng hóa, triển khai dịch vụ tự phục vụ mặt đất, quản lý tốt chi phí, mua xăng dầu giá thấp vào thời điểm tháng 5/2020… để cải thiện hoạt động kinh doanh.

Petrolimex ( HoSE: PLX ) cũng có bước phục hồi đáng kể sau quý đầu năm lỗ lớn 1.893 tỷ đồng, giúp cả năm có lãi 970 tỷ đồng giảm 77% so với năm trước. Riêng quý IV, doanh thu tập đoàn đạt 31.277 tỷ đồng, giảm 37%; lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ đạt 933 tỷ đồng, giảm 5%.

Năm 2020 cũng không phải là năm thành công của Tập đoàn Masan ( HoSE: MSN ) khi lợi nhuận giảm đến 78% xuống 1.234 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2015. Doanh thu tập đoàn gần gấp đôi lên 77.218 tỷ đồng nhờ hợp nhất mảng bán lẻ từ chuỗi siêu thị VinMart, VinMart+ song giá vốn tăng mạnh hơn 2,2 lần, chi phí lãi vay gấp đôi, chi phí bán hàng gấp 3,3 lần năm trước đã đẩy lợi nhuận giảm sâu.

Doanh nghiệp lý giải lợi nhuận năm 2020 giảm sâu do hợp nhất mảng bán lẻ, giảm lợi nhuận ở Masan High-Tech Materials (MSR) do tác động dịch Covid-19 lên giá và sản lượng bán và chi phí lãi vay tăng.

Trong năm Masan Group đã tăng vay nợ thêm tới 32.000 tỷ đồng, nâng tổng nợ lên 62.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu 2,5 lần.

Điểm sáng là quý IV, Tập đoàn Masan báo cáo VinCommerce lần đầu ghi nhận EBITDA dương 0,2% với 16 tỷ đồng. Nếu không tính chi phí quản lý chung, các siêu thị VinMart+ và VinMart đạt biên EBITDA dương lần lượt 4,1% và 2,8%.

Lợi nhuận nhóm VN30 vẫn tăng trưởng dương trong năm Covid thứ nhất - Ảnh 2

Lợi nhuận Vietcombank, BIDV giảm do tăng trích lập dự phòng

Lợi nhuận của 9 ngân hàng thuộc rổ VN30 ghi nhận mức tăng 13% lên 80.726 tỷ đồng trong năm 2020. Vietcombank và BIDV báo lợi nhuận giảm do tăng mạnh chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Năm 2020, Vietcombank ( HoSE: VCB ) lãi ròng đạt 18.447 tỷ đồng, giảm 0,3% so với năm trước do tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng từ 6.790 tỷ đồng lên 9.916 tỷ đồng. Trong khi các nguồn thu chính như thu nhập lãi thuần tăng 6%, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 53%, lãi từ hoạt động kinh doanh ngoại hối tăng 15%.

Thu nhập lãi thuần của BIDV ( HoSE: BID ) năm 2020 gần như đi ngang nhưng hoạt động dịch vụ tăng 22%, mua bán chứng khoán lãi gấp 3 lần năm trước. Theo đó, ngân hàng đạt 32.338 tỷ đồng lợi nhuận thuần, tăng 5% so với năm 2019. Song, đơn vị tăng trích lập dự hòng từ 20.132 tỷ lên 23.125 tỷ đồng đã khiến lợi nhuận ròng giảm 15% về 7.127 tỷ đồng.

Ngược lại, VietinBank ( HoSE: CTG ) là điểm sáng khi báo cáo lãi ròng năm 2020 đạt 13.679 tỷ đồng, tăng 45% nhờ doanh thu tăng ở hầu hết các hoạt động và giảm chi phí trích lập dự phòng từ 13.000 tỷ về 12.148 tỷ đồng.

Lợi nhuận nhóm VN30 vẫn tăng trưởng dương trong năm Covid thứ nhất - Ảnh 3

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục