Ngày pháp luật

Lợi nhuận lao dốc, âm nặng dòng tiền, vốn hóa của Thaiholdings (THD) của bầu Thụy 'bay' hơn 36.000 tỷ đồng từ đầu năm

Quỳnh Chi

Nguyên nhân khiến cổ phiếu THD rớt “thảm hại” trên sàn có thể đến từ tình hình kinh doanh không mấy khả quan, các kế hoạch đầu tư “viển vông” trong bối cảnh dòng tiền đang có vấn đề.

Vốn hóa “bốc hơi” hơn 36.000 tỷ đồng

Sau một năm thăng hoa với nhiều kỷ lục, thị trường chứng khoán đã khởi đầu năm 2022 đầy biến động, nhiều cổ phiếu thậm chí còn rơi sốc từ đỉnh trong đó nổi bật là THD của Công ty Cổ phần Thaiholdings.

Cổ phiếu này đạt đỉnh lịch sử 277.000 đồng/cổ phiếu vào đúng phiên cuối cùng của năm 2021 trước khi liên tục rơi mạnh với nhiều phiên sàn và có thời điểm xuống dưới 170.000 đồng/cổ phiếu. Hiện thị giá THD đang dừng ở mức 173.000 đồng/cổ phiếu, thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.

Từ cổ phiếu có thị giá cao nhất sàn HNX, THD đã giảm 37,5% từ đầu năm 2022 qua đó lùi xuống vị trí thứ 3 về thị giá sau L14 của Licogi 14 và WCS của Bến xe Miền tây. Vốn hóa thị trường tương ứng “bốc hơi” 36.400 tỷ đồng (~1,6 tỷ USD) xuống gần 60.585 tỷ đồng.

Lợi nhuận lao dốc, âm nặng dòng tiền, vốn hóa của Thaiholdings (THD) của bầu Thụy 'bay' hơn 36.000 tỷ đồng từ đầu năm - Ảnh 1

Lợi nhuận lao dốc, âm nặng dòng tiền

Một trong những nguyên nhân khiến cổ phiếu THD rớt “thảm hại” trên sàn có thể đến từ tình hình kinh doanh không mấy khả quan của doanh nghiệp dưới chướng ông Nguyễn Đức Thụy (“bầu” Thụy).

Lợi nhuận lao dốc, âm nặng dòng tiền, vốn hóa của Thaiholdings (THD) của bầu Thụy 'bay' hơn 36.000 tỷ đồng từ đầu năm - Ảnh 2

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Thaiholdings ghi nhận doanh thu thuần gấp 3,3 lần cùng kỳ, đạt 2.220 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn thậm chí còn tăng đột biến hơn khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 136 tỷ đồng.

Con số này thực tế sẽ không đủ bù đắp các khoản chi phí phát sinh và có thể dẫn đến lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh nếu không có các hoạt động bất thường đến từ bán các khoản đầu tư và hoàn nhập dự phòng chứng khoán.

Riêng trong quý cuối năm, Thaiholdings đã ghi nhận đến gần 966 tỷ đồng lãi từ bán các khoản đầu tư vào Công ty TNHH Phát triển và Đầu tư Thành Long, CTCP Bình Minh Group, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Cường Thịnh Thi và Công ty Cổ phần Tplus Phú Quốc. Ngoài ra, công ty còn hoàn nhập dự phòng hơn 123 tỷ đồng chứng khoán kinh doanh và đầu tư.

Dù vậy, sau khi ghi nhận lỗ khác hơn 200 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 1.126 tỷ đồng), Thaiholdings lãi ròng gần 682 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế lũy kế cả năm 2021 đạt 1.020 tỷ đồng, giảm gần 12% so với năm 2020 và không hoàn thành được kế hoạch đề ra. Thậm chí, Thaiholdings còn tiếp tục âm nặng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh hơn 675 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2021, Thaiholdings ghi nhận 600 tỷ đồng khoản phải thu dài hạn với Xuân Thiện Thanh Hoá 2 và Xuân Thiện Thanh Hoá 3 liên quan đến các hợp đồng hợp tác kinh doanh đầu tư dự án chăn nuôi công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hoá. Mục tiêu của các dự án này đều là chăn nuôi lợn và sản xuất lợn giống.

Ngoài ra, Thaiholdings còn nắm giữ 68 lô đất tại Khu đô thị Xuân Thành, phường Ninh Khánh, TP. Ninh Bình với nguyên giá tại ngày 31/12/2021 là 105,5 tỷ đồng, nhằm mục đích chờ tăng giá để bán. Toàn bộ bất động sản này đã được dùng để thế chấp, cầm cố bảo đảm cho các khoản vay của Công ty.

Tham vọng bay vào vũ trụ “viển vông”?

Trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan, dòng tiền kinh doanh gặp vấn đề, Thaiholdings lại gây sốc với tham vọng bay vào vũ trụ. Cụ thể, trong tháng 12/2021, HĐQT Công ty đã thông qua việc góp vốn thành lập Thaispace với vốn điều lệ 26.688 tỷ đồng nhằm mục tiêu đầu tư dự án cảng vũ trụ tại Phú Quốc, Việt Nam.

Theo kế hoạch, Thaiholdings dự kiến góp 1.334,4 tỷ đồng, tương ứng 5% vốn điều lệ Thaispace. Tuy nhiên, tại ngày 31/12/2021, Công ty của “bầu” Thụy mới chỉ ghi nhận khoản góp vốn 80 tỷ đồng vào pháp nhân này.

Trong năm 2021, các công ty con của Thaiholdings gồm Thaigroup và Tôn Đản Hà Nội cũng đã mua thêm 14,9 triệu cổ phần, tương đương 38,45% vốn điều lệ Thailand với tổng giá trị đầu tư lên tới 539,4 tỷ đồng. Hậu thương vụ này, nhóm Thaiholdings nắm giữ 43,45% vốn tại công ty bất động sản này và ghi nhận giá gốc của khoản đầu tư tại thời điểm cuối năm ngoái lên tới 558,8 tỷ đồng.

Trước đó, Thaiholdings đã có một loạt động thái thoái vốn tại các khoản đầu tư trong năm 2021, nổi bật là khoản đầu tư chứng khoán kinh doanh từng có giá gốc lên tới 1.225,3 tỷ đồng. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là khoản đầu tư vào cổ phiếu LPB của LienVietPostBank – “bầu” Thuỵ đang làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Tuy nhiên sau đó, Thaiholdings đã mạnh tay thoái vốn khỏi LPB và nhiều khả năng cũng bán sạch các cổ phiếu ngân hàng khác như STB, CTG và MBB đồng thời tất toán khoản vay giao dịch ký quỹ (margin) hơn 936,2 tỷ đồng tại các công ty chứng khoán. Đến thời điểm 31/12/2021, khoản mục chứng khoán kinh doanh của Thaiholdings chỉ còn ghi nhận vỏn vẹn 2,6 triệu đồng.

Bên cạnh đó, Thaiholdings đã bán các khoản đầu tư tại Đầu tư và Phát triển Thành Long, Bình Minh Group, Tập đoàn Đầu tư xây dựng Cường Thịnh Thi và Tplus Quốc tế. Công ty cũng đã chuyển nhượng 9,38 triệu cổ phần Đầu tư Thaihomes, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 16% vốn điều lệ.

Tin Cùng Chuyên Mục