Ngày pháp luật

Lợi nhuận doanh nghiệp gạo sụt giảm quý I/2025 dù tăng xuất khẩu

Lạc Lạc

Dù sản lượng xuất khẩu tăng, giá gạo giảm sâu trong quý đầu năm 2025 khiến lợi nhuận nhiều doanh nghiệp ngành lúa gạo sụt giảm, thậm chí thua lỗ. Bức tranh kinh doanh quý I cho thấy sự phân hóa rõ rệt và những thách thức lớn cho phần còn lại của năm.

Theo số liệu tổng hợp từ báo cáo kết quả kinh doanh đối với một số doanh nghiệp gạo niêm yết như: Vinafood II, Foodcosa, AngimexTrung An, CTCP Thương mại Kiên Giang, Xây lắp Cơ khí và Lương thực Thực phẩm, Giống cây trồng Miền Nam,... tổng doanh thu thuần quý I/2025 đạt gần 8.700 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng bình quân giảm 23%, xuống gần 47 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính được xác định là do giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam trong quý I/2025 đã giảm 20,2% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 522 USD/tấn. Sự sụt giảm này chủ yếu do Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu kéo dài 14 tháng, khiến thị trường toàn cầu đón nhận một lượng lớn gạo giá rẻ. Do đó, dù sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong quý tăng 6,5%, đạt 2,3 triệu tấn, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn giảm 15%, chỉ còn 1,2 tỷ USD.

Trong bối cảnh đó, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp ngành gạo có sự phân hóa mạnh. Có 4/10 doanh nghiệp báo lỗ, 3 doanh nghiệp giảm lãi và chỉ 3 cái tên ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận.

Nhiều "ông lớn" lỗ sâu, doanh thu chạm đáy

Nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành ghi nhận kết quả kinh doanh tiêu cực. CTCP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, UPCoM: AGM) báo lỗ gần 19 tỷ đồng trong quý I/2025, đánh dấu quý thứ 6 thua lỗ liên tiếp và tăng so với mức lỗ 15 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024. Doanh thu công ty chạm đáy lịch sử, chỉ còn dưới 21 tỷ đồng, giảm 64% do không còn doanh thu hợp nhất từ các công ty con đã thoái vốn. Tính đến 31/3/2025, Angimex lỗ lũy kế 482 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu âm 300 tỷ đồng, một hệ quả kéo dài sau biến cố liên quan đến Louis Holdings từ năm 2022.

Tương tự, CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (HNX: TAR) cũng không thoát khỏi khó khăn, với doanh thu quý I thấp kỷ lục chỉ 327 tỷ đồng, giảm tới 63%. Giá vốn chiếm tới 97% khiến biên lãi gộp chỉ còn 1%. Kết quả, công ty lỗ ròng 18 tỷ đồng, là quý lỗ thứ 4 liên tiếp.

Tổng công ty Lương thực Miền Nam - Vinafood II (UPCoM: VSF) và CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco - Foodcosa (UPCoM: FCS) cũng rơi vào tình trạng thua lỗ, lần lượt là 5,3 tỷ đồng và 1 tỷ đồng, đảo chiều so với mức lãi khiêm tốn cùng kỳ. Lỗ lũy kế của FCS lên hơn 195 tỷ đồng, trong khi VSF gánh khoản lỗ lũy kế khổng lồ lên tới 2.794 tỷ đồng, một phần do ảnh hưởng từ các sai phạm của lãnh đạo cũ sau cổ phần hóa năm 2018. Cả hai doanh nghiệp này đều ghi nhận doanh thu giảm, song điểm tích cực là biên lãi gộp có sự cải thiện.

Những điểm sáng mong manh

Một số doanh nghiệp khác tuy có lãi nhưng lợi nhuận cũng sụt giảm. Lợi nhuận của CTCP Xuất nhập khẩu Kiên Giang (KTC) giảm 16%, xuống dưới 12 tỷ đồng, chủ yếu do hụt nguồn thu tài chính và chi phí bán hàng gia tăng. CTCP Chế biến Thực phẩm Xuất khẩu Miền Tây (UPCoM: MCF) và CTCP Giống cây trồng Miền Nam (HOSE: SSC) chứng kiến lợi nhuận giảm mạnh hơn, lần lượt 39% (còn 1,8 tỷ đồng) và 64% (còn 2,5 tỷ đồng). MCF cho biết hiệu quả quý I chủ yếu đến từ mảng lúa gạo, trong khi các ngành khác hoạt động kém hiệu quả.

Giữa bức tranh chung kém khả quan, vẫn có những điểm sáng. Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam - Vinaseed (HOSE: NSC), công ty mẹ của SSC, báo lãi ròng tăng 4% lên hơn 37 tỷ đồng, nhờ chiến lược tái cơ cấu dưới sự lãnh đạo mới. CTCP Xuất nhập khẩu Lương thực Kiên Giang (UPCoM: KGM) cũng tăng trưởng lợi nhuận 15%, đạt 3,7 tỷ đồng, dù doanh thu giảm, nhờ giá vốn giảm mạnh.

Ấn tượng nhất là TCO Holdings (UPCoM: TCO) với lãi ròng tăng vọt 280%, lên hơn 33 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận đột biến này đóng vai trò "cứu cánh" giúp lợi nhuận bình quân toàn nhóm không bị giảm sâu hơn. Tuy nhiên, đây không phải là lợi nhuận từ mảng kinh doanh cốt lõi mà nhờ thoái vốn khỏi CTCP Tập đoàn Nam An. Mảng kinh doanh gạo chính của TCO lại chứng kiến sự sụt giảm biên lãi gộp.

Thách thức và chiến lược ứng phó

Dù biên lợi nhuận gộp trung bình của 10 doanh nghiệp khảo sát có cải thiện nhẹ từ 8,6% lên 9,3% trong quý I, thách thức duy trì lợi nhuận và thị phần cho các doanh nghiệp gạo Việt Nam trong phần còn lại của năm 2025 vẫn còn rất lớn.

Đối mặt khó khăn, các doanh nghiệp đang chủ động tìm cách ứng phó. Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT TAR, cho rằng tác động từ việc Ấn Độ quay lại thị trường chỉ là tạm thời, vì gạo Việt Nam chủ yếu nhắm vào phân khúc chất lượng cao, và kỳ vọng giá sẽ phục hồi trong quý II/2025 do nhu cầu nhập khẩu tăng từ nhiều thị trường.

Trong khi đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Vinaseed, đã nhấn mạnh chiến lược ưu tiên chất lượng, hướng tới việc thâm nhập các thị trường có tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Tin Cùng Chuyên Mục