Các nhà bán lẻ Mỹ đang đau đầu với bài toán giải quyết hàng tồn, trong bối cảnh nền kinh tế khủng hoảng mùa dịch Covid-19.
Không còn cảnh "người mua, kẻ bán" chật kín các cửa hàng phân phối, hay các chiêu trò kích thích nhu cầu mua sắm bằng nghệ thuật sắp đặt, giờ đây, tất cả chỉ còn là những cánh cửa im lìm sau lệnh phong toả lãnh thổ. Kéo theo đó là cơn khủng hoảng thực sự vì người dân chẳng còn tâm trí mua sắm, hoặc chỉ tập trung vào mặt hàng thiết yếu. Đó là chưa kể tới tỷ lệ thất nghiệp tăng phi mã trên toàn cầu.
Theo một cuộc khảo sát mới đây, các nhà bán lẻ đang tập trung vào bốn hoạt động chính: đẩy mạnh kênh online, giảm chi phí vận hành, kho bãi, tung ra ưu đãi giảm giá.
Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích tới từ các chuyên gia, trong đó gợi ý những điều mà nhãn hàng bán lẻ nên làm
Tạm dừng sản xuất đơn hàng mới
Các nhãn hiệu thời trang lớn như Gap, H&M đã quyết định dừng sản xuất các mẫu quần áo thu và hè, nhằm mục đích cắt lỗ và đẩy nhanh hàng tồn kho.
Một chuyên gia đến từ công ty phân tích bán lẻ Edited, nhận định: "Chúng ta sẽ chứng kiến hàng loạt thương hiệu thắt chặt chuỗi cung ứng, tập trung vào các mẫu quần áo cơ bản thay vì chạy theo xu hướng, đồng thời đưa ra các chương trình khuyến mại kích cầu."
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh: "Ảnh hưởng của đại dịch là không thể bàn cãi, nhưng nhìn vào mặt tích cực, nó buộc các nhà bán lẻ phải tự thích nghi để tồn tại."
Nhà phân tích mảng bán lẻ Sucharita Kodali cho biết: "Tôi chắc rằng các nhãn hàng sẽ đồng loạt huỷ hoặc hoãn các đơn hàng sản xuất quần áo theo mùa, một số có thể vẫn bán với mức giá ưu đãi"
Một chuyên gia phân tích khác, ông JoAnn Martin, lại đưa ra một dự đoán trái ngược. Theo đó, ông cho rằng các nhà bán lẻ sẽ cố tình "giấu" các sản phẩm thuộc nhóm "không bao giờ lỗi mốt" lại để bán vào năm sau, rồi đem trưng bày ra ngoài chỉ toàn hàng tồn với mục đích tiêu thụ nhanh hơn.
"Các mẫu quần áo, giày dép cơ bản và có thể mặc quanh năm sẽ được cất riêng lại để có thể tiêu thụ vào mùa sau."
Xả hàng thông qua các nhà bán lẻ giá thấp
Chiến lược giảm giá sâu, tiêu thụ thông qua các nhà bán lẻ giá thấp như TJMaxx, Nordstrom Rack, Macy's, chính là điều mà nhiều chuyên gia nhắc tới.
"Xả hàng thông qua các nhà bán lẻ với mức giá siêu rẻ là điều chẳng có gì lạ", Sucharita Kodali nói.
Tận dụng kênh bán hàng online
Mùa dịch Covid-19 là dịp thương mại điện tử lên ngôi, mặc dù đó chỉ là một mảng nhỏ đối với hầu hết các công ty bán lẻ.
"Các nhãn hãng nên cân nhắc đưa các ưu đãi chớp nhoáng, tận dụng các ngày lễ để giảm giá và xả hàng", Olivier Schott, Giám đốc Marketing nền tảng thương mại trực tuyến Scalefast chia sẻ với Bussiness Insider.
Đồng thời, các thương hiệu nên tận dụng, biến cửa hàng đang "bỏ không" thành nơi giải quyết, xử lý đơn hàng online. Đây là cách nhiều nhãn hàng sử dụng để điều phối đơn hàng hiệu quả hơn.
Chủ động tuyên bố phá sản, thanh lý hàng hoá
Nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài, khả năng cao nhiều nhà bán lẽ không thể trụ vững và buộc phải tuyên bố phá sản. Khi tuyên bố phá sản một cách chủ động, các doanh nghiệp sẽ tránh được việc sa lầy vào các khoản nợ.
Nhà phân tích Jim Hull nhận định lệnh phong toả gây ra thiệt hại thấy rõ. "Tôi cho rằng nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ rời khỏi cuộc chơi. Đó là sự tàn nhẫn của dịch bệnh".