Ngày pháp luật

Logistics Việt: Chờ cơ hội bứt phá, tăng tốc!

Ngành logistics đang đứng trước những thách thức và khó khăn vô cùng lớn, nhưng vượt lên tất cả, các doanh nghiệp (DN) vẫn vững vàng, hát bài ca kết đoàn, tìm giải pháp vượt khó…

Gánh nặng kép!

Theo khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report): Ngành logistics Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với những lực cản lớn như chi phí logistics còn cao so với các nước trong khu vực, hạ tầng giao thông chậm phát triển, chưa tương xứng với lợi thế địa lý, hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, nhất quán, mức độ ứng dụng công nghệ còn thấp và nguồn nhân lực còn thiếu và yếu. Cùng với đó là những khó khăn liên quan đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu dưới tác động của đại dịch như sự mất cân đối cung – cầu, tình trạng thiếu lao động và các điều kiện hoạt động thuận lợi khác.

Khoảng 2/3 số DN tham gia khảo sát cho biết, họ đã gặp không ít khó khăn do hàng hóa bị lưu kho, lưu cảng, chờ thông quan nhiều ngày do kiểm soát biên giới, hạn chế thương mại tới các nước có vùng dịch. Ngoài ra, do phía cung cũng chịu tác động từ đứt gãy chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất dẫn đến thiếu hụt hàng hóa nên lượng đơn hàng của trên 53% số DN bị giảm sút đáng kể.

Logistics Việt: Chờ cơ hội bứt phá, tăng tốc! - Ảnh 1

Thực tế cho thấy, mất cân đối cung – cầu cũng kéo theo tình trạng thiếu hụt container. Số lượng container toàn cầu được tính toán và cung cấp trên số liệu tăng trưởng kinh tế và vòng quay container theo dữ liệu lịch sử (trước khi đại dịch diễn ra). Trong khi đó, lượng cầu vận chuyển hàng hóa tăng thêm do các gói kích thích tiêu dùng của Chính phủ gần đây đã tạo nên áp lực đối với hoạt động vận tải hàng hóa đường biển bằng container khi ngành này chịu ít hơn các thiết chế cấm túc như trong ngành vận chuyển hành khách. Áp lực này đủ lớn để gây ra những tình trạng chậm trễ hải trình, thay đổi lịch trình theo hướng kéo dài thời gian quay vòng của các tàu container dẫn đến thiếu hụt, bất cân bằng trầm trọng lượng cung thiết bị container cũng như tải trọng trên thế giới.

Việt Nam hiện có khoảng 4.000 - 4.500 DN cung cấp logistics trực tiếp và có đến hơn 30.000 công ty liên quan. Các đợt bùng phát dịch liên tiếp đã bào mòn sức chống chịu của đại bộ phận DN logistics. Tác động chủ yếu nằm ở nhóm DN vừa và nhỏ - bộ phận chiếm hơn 90% số DN toàn ngành. Thiếu lao động cũng là một trong những thách thức hàng đầu của gần 54% số DN logistics hiện nay. Đại dịch Covid-19, nhất là đợt bùng phát lần thứ tư với những giai đoạn giãn cách xã hội và phong tỏa nghiêm ngặt đã khiến cho tình trạng thiếu lao động trở nên nghiêm trọng hơn. Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, quy mô nhân sự của gần 40% số DN trong ngành hiện đã giảm so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch. Trong khi đó, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 là giai đoạn mà nhu cầu hàng hóa tăng cao, cần sử dụng nhiều lao động để phục hồi sản xuất, đặc biệt ở các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các DN trong ngành.

Logistics Việt: Chờ cơ hội bứt phá, tăng tốc! - Ảnh 2

Bên cạnh đó, sự lúng túng trong việc quản lý và sự không nhất quán trong việc ban hành và thực thi các văn bản, chính sách liên quan đến phòng chống dịch bệnh giữa các địa phương thời gian qua (quy định về thời hạn giấy xét nghiệm, tiêm vắc-xin, cơ chế phân luồng…) cũng gây ra những cản trở nhất định đối với điều kiện hoạt động của các DN logistics. Theo ước tính của Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), tình trạng trên đã gây thiệt hại cho các DN vận tải ít nhất 100 tỷ đồng/ngày. Ngoài ra, các chi phí liên quan đến xét nghiệm, hoạt động “ba tại chỗ” cũng tạo áp lực về tài chính, bào mòn lợi nhuận của DN.

Nỗ lực phục hồi!

Khó khăn là vậy, nhưng theo đánh giá của VLA: Thời gian chống dịch vừa qua, logistics đã thể hiện là ngành dịch vụ trọng yếu của nền kinh tế. Ngành dịch vụ logistics đã tích cực tham gia các hoạt động: Hỗ trợ các DN xuất khẩu hàng nông hải sản sang thị trường Trung Quốc, các DN kinh doanh kho bãi đã chủ động giảm 10 - 20% giá cho thuê kho lạnh; Tích cực tham gia vận chuyển hàng hóa cho thị trường nội địa ngoài phục vụ cho xuất nhập khẩu, nhất là hàng phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong thời gian giãn cách xã hội.

Để giải quyết khó khăn trong kinh doanh, các DN đã làm tốt công tác phản biện xã hội, kịp thời phản ánh các ý kiến của DN qua các Hiệp hội, Hội để Chính phủ, các cơ quan quản lý Nhà nước hỗ trợ giải quyết nhằm giảm chi phí dịch vụ logistics như mục tiêu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra, đề xuất các giải pháp, sáng kiến tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái thiết nền kinh tế ứng phó với dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho DN có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. DN sẽ được hưởng lợi từ quyết định này bên cạnh các biện pháp hỗ trợ khác của Chính phủ, góp phần giải quyết một phần khó khăn cho DN kinh doanh dịch vụ logistics trong sản xuất, kinh doanh, rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm chi phí vận tải như giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi, phí lưu giữ phương tiện, thuế với nhiên liệu bay...

Để thực sự tạo điều kiện cho ngành logistics phát triển, Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng: Chính phủ cần cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho DN về tình hình diễn biến dịch bệnh và kịch bản kinh tế; Chính phủ nên làm việc với các hãng vận tải, hãng tàu nhằm giảm giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa, giảm phí dịch vụ tại cảng để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ DN sản xuất và DN logistics; Kiểm soát được giá, không tăng giá quá cao, đặc biệt là phí LSS, LSS tăng theo quý (hiện tại hãng tàu đang tăng theo tháng); Các cơ quan liên quan triển khai công tác đảm bảo chống dịch ở các cửa khẩu đường bộ, cảng biển theo hướng tạo thuận lợi cho DN; Phối hợp với các tỉnh biên giới phía Bắc bố trí lực lượng chức năng phân luồng, phân tuyến tại đường bộ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa phương tiện được lưu thông thông tốt nhất.

Logistics Việt: Chờ cơ hội bứt phá, tăng tốc! - Ảnh 3

Ngân hàng Nhà nước cần xem xét giảm lãi suất cơ bản; Các ngân hàng thương mại cần khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất cho vay, mở rộng hạn mức cho vay, cơ cấu lại các khoản vay đối với các DN trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ dịch Covid-19 như du lịch, dịch vụ, xuất khẩu nông sản, vận tải, dệt may, giày dép… Đối với các DN kho lạnh, kho mát cần được ưu đãi về giá điện dùng (hiện nay giá cao hơn giá điện sản xuất từ 25 - 30%); Ưu đãi thuế (như giảm thuế, không phạt chậm nộp thuế…) cho các chuỗi nhà hàng, khách sạn, cung ứng thực phẩm; Giãn tiến độ nộp, giảm tiền thuê đất và mặt bằng sản xuất kinh doanh cho các DN chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch.

Ông Hồ Tài - Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Hồ Gia:

“Theo nhìn nhận của tôi, nghành logistics đang phục hồi một cách cầm chừng, nhỏ lẻ và việc ứng dụng công nghệ để liên kết các Hội, nhóm trong ngành cũng đã được sử dụng tối đa nhằm giảm bớt thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, dịch bệnh vừa lắng xuống thì xăng dầu lại tiếp tục “leo thang”, xung đột chiến tranh giữa Nga và Ucraine đã dẫn đến những bất ổn nghiêm trọng cho ngành logistics. Chưa tính trong thời gian dịch bệnh Covid-19 xảy ra, các chuỗi cung ứng nguyên liệu và sản xuất bị đứt gãy dẫn đến những khó khăn vô cùng lớn cho các DN. Hiện tại, chỉ có ngành du lịch tạm thời tiến triển nhanh hơn các nghành khác nhưng về lâu dài vẫn phải có những kế hoạch, kiến trúc, tầm nhìn lâu dài cho phù hợp.

Ông Hồ Tài - Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Hồ Gia
Ông Hồ Tài - Giám đốc Công ty TNHH Thiết bị và Xây dựng Hồ Gia

Thực tế, nhiều DN logistics ở Việt Nam đã ứng phó với Covid-19 bằng hàng loạt các biện pháp: Cắt giảm lương/hoặc giờ làm việc của nhân viên; Cắt giảm chi phí không cần thiết; Đàm phán điều khoản thanh toán cho chi phí đầu vào và chi phí khác; Thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh… Đây chỉ là những giải pháp trước mắt để vượt qua khó khăn. Về lâu dài, các DN logistics cần chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, trình độ quản trị theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi số để bắt kịp với xu thế ứng dụng công nghệ thông tin hầu hết trong các khâu của logistics. Bên cạnh đó, phải nâng cao quy trình, công nghệ, nguồn nhân lực có chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực logistics; Chủ động tìm kiếm, liên kết với các DN quốc tế có uy tín để cùng phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ logistics.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH SMR Express (Logistics SAMURAI):

“Điểm sáng nổi bật nhất của ngành logistics hiện tại chính là hoạt động chuyển phát nhanh, giao hàng chặng cuối (last mile delivery). Đây là hoạt động vận tải hàng hóa từ trung tâm phân phối/kho lưu trữ hàng hóa đến người tiêu dùng cuối cùng. Chiếm đến 28% tổng chi phí vận chuyển hàng hoá, sự chuyển dịch của dòng hàng ở khâu cuối cùng này đang dần đóng vai trò quyết định trong trải nghiệm khách hàng đối với dịch vụ của DN, đặc biệt đối với các nhà bán lẻ trong thời đại của thương mại điện tử (e-commerce) và tiếp thị đa kênh (omni-channel).

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH SMR Express (Logistics SAMURAI)
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc Công ty TNHH SMR Express (Logistics SAMURAI)

Logistics hoạt động theo chuỗi dịch vụ từ giai đoạn tiền sản xuất cho tới khi hàng hóa tới tay người tiêu dùng cuối cùng. Lĩnh vực này liên quan trực tiếp đến hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục dịch vụ hành chính, tư vấn (hải quan, thuế, bảo hiểm…), xuất nhập khẩu - thương mại, kênh phân phối, bán lẻ… Xác định: Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ sẽ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin...; Phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh sẽ tạo cơ hội bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước phù hợp với pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Logistics SAMURAI luôn không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng, phòng cách phục vụ.

Để xây dựng và định vị thương hiệu logistics trên bản đồ thế giới, logistics Việt Nam cần phải: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Ban hành các chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành dịch vụ logistics phát triển; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, đảm bảo tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải với mục tiêu phát triển ngành dịch vụ logistics; Phát triển thị trường dịch vụ logistics…; Tập trung cải thiện cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển trên thế giới và khu vực; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý để phục vụ sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ logistics.

Đặc biệt, phải đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực logistics; Tiếp tục mở rộng kết nối hạ tầng logistics với các nước trong khu vực ASEAN, Đông Bắc Á và các khu vực khác trên thế giới nhằm phát huy tác dụng của vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới và quá cảnh; Xây dựng công trình giao thông, kho bãi, trung tâm logistics trên các tuyến đường, hành lang kết nối các cảng của Việt Nam với Lào, Campuchia, Thái Lan và Nam Trung Quốc”…

Ông Vương Xuân Tại - Giám đốc Kinh doanh Công ty Tiếp vận Liên minh Việt Nam:

“Công ty TNHH Tiếp vận Liên minh Việt Nam (Alliance Logistics Vietnam) được thành lập vào tháng 08/2015 bởi ông Đỗ Trọng Kiên cùng các cộng sự đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực logistics. Mục tiêu của công ty là cung cấp dịch vụ giao nhận hàng hóa tốt nhất cả nước bằng cách mang đến sự tôn trọng với các hãng tàu cũng như các giải pháp vận tải tối ưu cho khách hàng.

Thực tế, chi phí đầu vào là thành phần chính quyết định đến giá vốn sản phẩm của các đơn vị sản xuất và thương mại. Với các đơn vị nhập khẩu nguyên liệu, các chi phí từ nguyên liệu, logistics quyết định rất nhiều đến doanh thu và lợi nhuận của DN. Điều này cũng đúng với các DN xuất khẩu, đặc biệt là DN nông, thủy sản…Vào thời điểm hiện tại, giá cước biển trung bình các tuyến đang cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, vấn đề cơ cấu DN và tối ưu hệ thống cũng như sản xuất thực sự trở lên cấp thiết.

Ông Vương Xuân Tại - Giám đốc Kinh doanh Công ty Tiếp vận Liên minh Việt Nam
Ông Vương Xuân Tại - Giám đốc Kinh doanh Công ty Tiếp vận Liên minh Việt Nam

Là một đơn vị cung cấp dịch vụ logistics, Alliance Logistics Vietnam đã lắng nghe, thấu hiểu “nỗi đau” của khách hàng. Chúng tôi tiếp cận với DN như những người bạn, lắng nghe vấn đề của DN như làm thế nào để tối ưu chi phí và thời gian vận tải từ nhà cung cấp đến DN (thời gian vận chuyển, quy cách đóng gói, phương tiện vận tải trong và ngoài nước…).

Hiện Alliance Logistics Vietnam đang cung cấp các dịch vụ vận tải đường biển, đường hàng không và đường bộ gồm có xe và đường sát liên vận quốc tế, nên chúng tôi có thể tư vấn đầy đủ, chi tiết các giải pháp cho khách hàng, DN.

Bản thân là một đơn vị làm logistics lâu năm, chúng tôi rất cảm ơn về sự quan tâm và hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước trong thời gian dịch bệnh vừa rồi. Chúng tôi mong muốn Chính phủ có thêm nhiều Hiệp định xúc tiến thương mại giữa các nước và khu vực để mang lại những chuỗi cung ứng hàng hóa mới được bảo hộ và hỗ trợ. Thực tế cho thấy, Việt Nam cần có một hãng tàu biển vận tải đủ lớn để có thể đáp ứng được các nhu cầu vận tải quốc tế của các DN trong nước!”.

Tin Cùng Chuyên Mục