CTCP Tập đoàn Lộc Trời (mã CK: LTG) công bố nghị quyết HĐQT về việc góp vốn thành lập CTCP Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời vào ngày 19/6/2024.
Cụ thể, Lộc Trời và 3 công ty con là CTCP Nông sản Lộc Trời; Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời và Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời sẽ cùng góp vốn thành lập CTCP Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời.
Cụ thể, CTCP Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời có vốn điều lệ 55 tỷ đồng, trong đó Lộc Trời góp 41,25 tỷ đồng, chiếm 75% vốn điều lệ; Nông sản Lộc Trời và Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời mỗi bên góp 5,5 tỷ đồng (chiếm 10%); Viện nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời góp 2,75 tỷ đồng (chiếm 5% còn lại).
Thời gian góp vốn trong vòng 90 ngày kể từ ngày Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời hoạt động kinh doanh chính là bán buôn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp; bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại; bán buôn bao bì các loại; ...
Ở một diễn biến khác, Tập đoàn Lộc Trời vừa công bố sửa đổi, bổ sung tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 26/6 tới đây.
Theo đó, Tập đoàn Lộc Trời đã điều chỉnh kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt sang hình thức cổ phiếu với tỷ lệ được giữ nguyên là 30%. Trong năm 2024 và năm 2025, công ty dự kiến mức cổ tức bằng cổ phiếu là 30%. Điều này được công ty giải thích nhằm đảm bảo và tăng cường lợi ích cho cổ đông kết nối với hiệu suất kinh doanh.
Một nội dung đáng chú ý trong tài liệu sửa đổi, bổ sung là tờ trình đề xuất của cổ đông Marina Viet Pte.Ltd về việc trình cổ đông xem xét và phê duyệt kế hoạch niêm yết cổ phiếu LTG trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2024. Đây là cổ đông lớn nhất, hiện đang nắm giữ 25,12% vốn điều lệ của Tập đoàn Lộc Trời.
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị công ty cũng sẽ trình cổ đông triển khai các thủ tục liên quan đến niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE trong năm 2024.
Thực tế, nội dung chuyển giao dịch cổ phiếu LTG từ UPCoM sang HOSE đã được Đại hội đồng cổ đông năm 2018 thông qua, nhưng trong 2 kỳ họp sau đó vào năm 2019, 2020 liên tục được gia hạn.
Đến Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022, cổ đông của LTG tiếp tục thông qua gia hạn chuyển sàn và dự kiến hoàn tất niêm yết HOSE chậm nhất đến năm 2025.
Theo báo cáo tài chính, tại ngày 31/03/2024, Lộc Trời có 22 công ty con và 5 công ty liên kết, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất và bán buôn gạo, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, vật tư nông nghiệp...
Bước sang quý đầu năm 2024, doanh thu của Lộc Trời đạt 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên công ty vẫn lỗ sau thuế tới 96 tỷ đồng trong quý 1/2024, cao hơn mức lỗ của cùng kỳ năm trước.
Theo lý giải từ Lộc Trời, để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, công ty phải ứng trước tiền sản xuất, giống... cho nông dân với lãi suất 0%. Trong khi đó, công ty lại phải vay vốn ngân hàng với lãi cao trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn. Đây chính là nguyên nhân chính "ăn mòn" lợi nhuận tạo ra. Cộng thêm việc lỗ tỷ giá hối đoái khiến lợi nhuận của Lộc Trời bị bào mòn.
Không chỉ kinh doanh thua lỗ, Lộc Trời còn có thêm tai tiếng khi nợ tiền lúa của nông dân ở An Giang và một số địa phương khác ở ĐBSCL hàng trăm tỷ đồng. Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy, trong vụ Đông Xuân 2023 - 2024, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 16.070 ha. Vào thời điểm ngày 12/4/2024, Tập đoàn Lộc Trời còn nợ của 928 nông dân với tổng số tiền gần 246 tỷ đồng. Thời gian cam kết chi trả dứt điểm toàn bộ số tiền còn nợ nông dân chậm nhất đến ngày 26/4/2024.
Tuy nhiên tính đến ngày 9/5/2024, Tập đoàn Lộc Trời vẫn còn chưa thanh toán cho nông dân số tiền hơn 159 tỷ đồng.
Đến ngày 20/5/2024, Lộc Trời đã phối hợp với ngân hàng Tiên Phong (TPBank) hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền thu mua lúa còn thiếu, thực hiện đúng cam kết với bà con nông dân và chính quyền địa phương.
Lộc Trời lý giải việc chậm trễ trong thanh toán là do gặp khó khăn trong việc thu xếp dòng tiền từ các khoản vay ngân hàng, trong khi các khách hàng quốc tế cũng chậm thanh toán. Để giải quyết vấn đề, công ty chấp nhận bán lúa với giá thấp để nhanh chóng có tiền trả nợ và đẩy nhanh tiến độ làm việc với các ngân hàng, đối tác nhằm giải ngân cho nông dân.