"Con cưng" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lấn sân lĩnh vực vận tải hành khách
Sau khi ra mắt thị trường thành công hai mẫu xe "Made in Vietnam" là Vinfast Lux (A2.0, SA2.0) và VinFast Fadil, tập đoàn VinGroup đã chính thức đặt dấu mốc lịch sử cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong động thái mới nhất, VinGroup tiếp tục thể hiện ý định muốn "lấn sân" sang mảng vận tải hành khách.
Ngày 2/5, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus, chính thức tham gia lĩnh vực vận tải hành khách.
Cụ thể, công ty TNHH Dịch vụ Vận tải VinBus có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng theo mô hình phi lợi nhuận nhằm góp phần xây dựng nền giao thông công cộng văn minh, hiện đại, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn cho các đô thị lớn của Việt Nam.
Đặc biệt, VinGroup hướng tới loại hình năng lượng mới để giảm thiểu khí thải, tiếng ồn. Xe buýt VinBus sẽ sử dụng 100% xe buýt điện. Trước mắt, công ty sẽ đưa vào vận hành 3.000 xe buýt điện do hãng xe VinFast sản xuất.
Dự kiến, VinBus sẽ cung cấp dịch vụ vận tải từ tháng 3/2020, bắt đầu tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TPHCM và Cần Thơ.
Trước đó, VinGroup đã mở rộng quy mô tập đoàn sang hai lĩnh vực dược phẩm và giáo dục. Riêng với dược phẩm, chuỗi nhà thuốc VinFa sẽ cạnh tranh với nhiều ông lớn khác như chuỗi nhà thuốc Châu Long (FPT), nhà thuốc An Khang (Thế giới Di động).
Vietjet bắt tay cùng các ngân hàng, khách sạn ra mắt dịch vụ mới
Chia sẻ với Nikkei, lãnh đạo Vietjet Air tiết lộ hãng đang có kế hoạch ra mắt một nền tảng thương mại điện tử, cung cấp mọi thứ từ các dịch vụ tài chính đến hàng tiêu dùng. Theo đó, Vietjet sẽ bắt tay cùng các ngân hàng, khách sạn và các doanh nghiệp để ra mắt dịch vụ trong 2 năm tới.
"Đi theo mô hình hãng hàng không tiêu dùng, chúng tôi sẽ có một nền tảng thương mại điện tử để cung cấp mọi thứ khách hàng cần, ngoài vé máy bay. Tất cả nhà cung cấp và đối tác sẽ gia nhập nền tảng này để bán sản phẩm không chỉ cho 30 triệu hành khách Vietjet, mà còn cho cả hàng trăm triệu người tiêu dùng ở Việt Nam và thế giới", bà Nguyễn Thị Thúy Bình – Phó tổng giám đốc Vietjet nói với Nikkei.
Bà Bình cho biết, nền tảng thương mại điện tử của Vietjet gồm các dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, khách sạn, hàng tiêu dùng... Vietjet muốn nhiều doanh nghiệp tham gia vào nền tảng này và sử dụng công nghệ khối chuỗi để chia sẻ các giao dịch. Hãng cũng đang đàm phán với một số công ty.
Đây được coi là nước đi thông minh trong bối cảnh thị trường hàng không đang cạnh tranh khốc liệt. Chiến lược phát triển thương mại điện tử của Vietjet cũng khá tương đồng với các hãng bay giá rẻ trong khu vực như Air Asia, Nok Air...
Hiện Vietjet chưa tiết lộ số tiền dự chi cho kế hoạch này.
Tập đoàn Tân Hiệp Phát và động thái mới trong mảng bất động sản
Gia đình ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát
Theo Dân Việt đưa tin, trong khoảng thời gian từ 18 - 24/4/2019, 10 công ty bất động sản với cùng số vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng đã được thành lập. Đáng chú ý là các doanh nghiệp này đều có cùng cơ cấu sở hữu: bà Trần Uyên Phương (con gái ông Trần Quý Thanh - ông chủ Tập đoàn Tân Hiệp Phát) nắm giữ 99,9%, bà Trần Ngọc Bích (con gái) nắm giữ 0,05% và bà Phạm Thị Nụ (vợ) nắm giữ 0,05%.
Đến ngày 14/5/2019, Công ty cổ phần Đầu tư và Bất động sản Lộc Điền được thành lập cũng với cơ cấu sở hữu như trên và vốn điều lệ là 3.830 tỷ đồng.
Trong gần 1 tháng, gia đình ông chủ Tân Hiệp Phát đã thành lập tới 11 doanh nghiệp bất động sản với tổng vốn điều lệ là 18.830 tỷ đồng. Điều này cho thấy Tân Hiệp Phát đang thực sự muốn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, sau nhiều bước chuẩn bị từ năm 2017.
Lý do chọn lĩnh vực bất động sản, theo ông Trần Quý Thanh từng chia sẻ, đó là bởi Tập đoàn Tân Hiệp Phát có 2 lợi thế mà không phải công ty nào cũng có được: nguồn vốn dồi dào cùng quỹ đất tương đối tốt.