Hiện tại, theo số liệu của Cục Viễn thông, Việt Nam vẫn còn khoảng 24 triệu thuê bao 2G trên tổng số 130 triệu thuê bao đi động. Tuy nhiên, 2G là xu thế đã thoái trào và ngày càng bị thay thế bởi các công nghệ tiên tiến hơn.
Bộ Thông tin & Truyền thông hiện nay cũng đang thúc đẩy phát triển công nghệ 5G. Mới đây, Viettel và Mobifone cũng vừa được cấp phép thử nghiệm thương mại 5G. Đồng thời, các nhà mạng không thể cùng một lúc duy trì bốn công nghệ di động gồm 2G, 3G, 4G, 5G gây tốn kém tài nguyên, chi phí.
Do đó, việc dừng công nghệ cũ là cần thiết, giúp nhà mạng tập trung nguồn lực, dành băng tần số cho công nghệ mới. Cũng theo đánh giá của cơ quan lý, tắt sóng 2G sẽ đẩy nhanh đề án chuyển đổi số, cũng như thúc đẩy kinh tế số, xã hội số khi người dân chuyển sang sử dụng thiết bị hỗ trợ từ 3G trở lên.
Cục trưởng Viễn thông Hoàng Minh Cường mới đây cho biết, trước đây Bộ Thông tin & Truyền thông đề xuất mục tiêu tắt sóng 2G nhưng được Chính phủ đề nghị đổi thành đề án phát triển smartphone giá rẻ. Theo ông Cường, phổ cập được smartphone sẽ tạo điều kiện để "nhà mạng có thể tắt sóng 2G khi số thuê bao sử dụng công nghệ này còn dưới 5%".
"Cùng một mục tiêu nhưng cách tiếp cận khác nhau một chút. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Thông tin & Truyền thông vẫn đặt mục tiêu làm thế nào để các nhà mạng đủ điều kiện tắt sóng 2G vào đầu năm 2022", Cục trưởng Viễn thông nói.
Theo ông Cường, cục đã phân tích, trong 24 triệu thuê bao 2G hiện tại có những số dùng cho máy phụ thứ hai của người dùng đã có smartphone. Sau khi tính toán lại, còn khoảng 12,4 triệu người chỉ sử dụng duy nhất điện thoại "cục gạch" Đây chính là những đối tượng nhà mạng sẽ phải hỗ trợ để chuyển đổi.
"Để đạt mục tiêu dưới 5%, số thuê bao di động 2G phải còn 5 - 7 triệu, tương đương với mức giảm khoảng 6 -7 triệu so với hiện nay", ông Cường nói. Từ năm ngoái đến nay, khi cơ quan quản lý chưa có tác động nào, lượng thuê bao di động 2G cũng đã giảm được khoảng 6 triệu. Như vậy, mục tiêu này có thể này khả thi.
Cùng với đó, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đưa ra một loạt giải pháp để các nhà mạng sớm tắt sóng 2G. Trong đó, với nhà mạng, Cục Tần số đã thông báo không cấp lại tần số cho 2G khi giấy phép hết hạn vào năm 2024. Cục Viễn thông theo lộ trình cũng sẽ ban hành thông tư giảm giá kết nối thoại, nhằm tạo sức ép cho nhà mạng không phụ thuộc nguồn thu từ kết nối thoại, phải chuyển sang từ dữ liệu (data).
Bộ dự kiến ban hành quy chuẩn vào năm tới bắt buộc điện thoại sản xuất tại Việt Nam hoặc nhập khẩu phải hỗ trợ 3G trở lên. Điện thoại smartphone giá rẻ cũng đang được thúc đẩy sản xuất để hỗ trợ người dân chuyển đổi.
Trong mục tiêu xây dựng chương trình viễn thông công ích năm 2021 - 2025, Cục đang đề xuất bố trí kinh phí hỗ trợ chuyển đổi cho những người dân yếu thế, ở vùng sâu, vùng xa.
Ông Cường cũng cho biết, hiện có 630.000 người trên 70 tuổi chỉ sử dụng điện thoại 2G. Trước đây, có ý kiến cho rằng người già không thể sử dụng smartphone nên vẫn phải sử dụng điên thoại "cục gạch".
"Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam đã sản xuất được điện thoại "cục gạch" 4G, giá rẻ. Theo tính toán, cùng với sự hỗ trợ của các nhà mạng, điện thoại này có thể được sản xuất và bán cho người dùng với giá khoảng 600.000 đồng", Cục trưởng Viễn thông cho hay.