Ngày pháp luật

Lỗ tới 187 triệu USD, tăng trưởng chậm lại, kỳ lân Ninja Van xa rời mục tiêu trước đó

Túc An

Với khoản lỗ trước thuế lên tới 187 triệu USD trong năm tài chính 2022, Kỳ lân Ninja Van đang ngày càng rời xa mục tiêu IPO trước đó.

Lỗ nặng, tăng trưởng chậm

Mới đây, Ninja Van - công ty logistics có trụ sở tại Singapore - đã tiết lộ khoản lỗ hàng năm tăng hơn gấp đôi trong năm kết thúc vào tháng 6/2022. Theo Tech in Asia, nguyên nhân đến từ việc doanh thu tăng trưởng chậm lại, không theo kịp chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng cao.

Lỗ tới 187 triệu USD, tăng trưởng chậm lại, kỳ lân Ninja Van xa rời mục tiêu trước đó - Ảnh 1

Tăng trưởng doanh thu cho năm tài chính 2022 của Ninja Van giảm rõ rệt từ 95% của năm tài chính 2021 xuống còn 21%. Trong khi đó, chi phí bán hàng và chi phí quản lý tăng lần lượt 44% và 29% so với cùng kỳ. Chính vì vậy, khoản lỗ trước thuế của công ty đã tăng từ 74 triệu USD trong năm tài chính 2021 lên 187 triệu USD trong năm tài chính 2022.

Trong cùng kỳ, tỷ suất lợi nhuận gộp của Ninja Van giảm từ 62% xuống 54%, mặc dù tỷ lệ này vẫn cao hơn mức 50% ghi nhận trong năm tài chính 2020.

Trong đại dịch, các công ty logistics như Ninja Van đã góp phần thúc đẩy sự bùng nổ thương mại điện tử. Tuy nhiên, khi mọi thứ trở về trạng thái bình thường, mức độ tăng trưởng của họ bắt đầu giảm dần.

Các chuyên gia cho rằng, sở dĩ Ninja Van phát triển nhanh trong những năm vừa qua là bởi đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm thương mại điện tử và tạo điều kiện cho các dịch vụ hậu cần như Ninja Van được sử dụng nhiều hơn.

Tuy nhiên, khi Covid-19 qua đi, người dân trở lại với hoạt động mua sắm thường ngày tại các cửa hàng truyền thống, nhu cầu giao vận sẽ giảm dần.

Một nguyên nhân khác và quan trọng hơn đến từ việc các đối tác lớn của Ninja Van như GoTo (trước đây là PT Tokopedia), Lazada và Shopee đều đang theo đuổi chính sách tối ưu chi phí, dẫn tới động thái siết chặt các bên giao vận thứ 3.

Chẳng hạn, Shopee đã có bộ phận giao vận riêng là Shopee Xpress. Cuối năm ngoái, Shopee tại Philippines cũng đã chấm dứt quan hệ hợp tác với Ninja Van. Lazada cũng có đơn vị vận chuyển của riêng mình là LEX (Lazada Express). Tương tự với GoTo là có thể tận dụng dịch vụ GoSend của Gojek.

Nói cách khác, Ninja Van dường như "đang cưỡi trên lưng hổ", khi những năm qua startup này phát triển mạnh mẽ nhờ sự đi lên các đối tác thương mại điện tử.

Tuy nhiên, khi thị trường giao vận thương mại điện tử đủ lớn và trở nên tiềm năng, các đối tác của Ninja Van là GoTo, Lazada và Shopee đều nhận ra họ có thể tự làm mà không cần tới các bên thứ 3.

Tương tự như với Shopee tại Philippines, nguy cơ Ninja Van bị loại khỏi cuộc chơi tại các quốc gia khác, hay với các đối tác như Lazada và GoTo là rất lớn. Trong báo cáo tài chính năm 2022 của Ninja Van, ảnh hưởng của việc ngừng hợp tác với Shopee tại Philippines đã không được phản ánh.

Thực tế, ban lãnh đạo Ninja Van dường như đã lường trước được tình huống này, khi muốn mở rộng sang mảng giao hàng cá nhân.

Chẳng hạn như tại Việt Nam, Ninja Van đang tích cực đẩy mạnh mô hình "hợp tác kinh doanh chuyển phát nhanh" với các nhà đầu tư cá nhân từ số vốn nhỏ hoặc có sẵn mặt bằng trống, nhằm xây dựng các điểm gom hàng, nhận hàng trên toàn quốc.

Hiện Ninja Van đang hoạt động với mạng lưới 9 kho hàng trên khắp cả nước, gồm 2 kho tổng tại Hà Nội, TP. HCM và các kho vệ tinh. Công ty có gần 800 trạm giao nhận và hơn 4.700 phương tiện giao hàng hóa, tính đến cuối năm 2022.

Tất nhiên, điều này sẽ sớm đẩy Ninja Van vào cuộc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp hàng đầu như: VNPost, Viettel Post, Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm, hay gần đây là sự mở rộng của J&T Express.

Nhìn lại hành trình của kỳ lân Ninja Van

 

Câu chuyện về hành trình khởi nghiệp từ thất bại trở thành kỳ lân của Ninja Van là câu chuyện rất hay về khởi nghiệp mảng logistics đáng để học hỏi.

Từ bỏ công việc danh giá tại Ngân hàng Barclays, Chang Wen Lai cùng hai người bạn là Boxian Tan và Shaun Chong dấn thân vào thị trường thương mại điện tử đang bùng nổ tại Singapore với một thương hiệu thời trang trực tuyến dành cho nam giới.

Thời gian đầu, công việc kinh doanh của Chang Wen Lai diễn ra khá thuận lợi. Tuy nhiên, khi số lượng đơn hàng ngày một tăng lên, những người sáng lập trẻ cũng phát hiện ra, việc bán hàng chỉ mới là bước đầu.

Vài tuần sau đó, bộ ba này quyết định sử dụng khoản tiền tiết kiệm để mua một vài chiếc xe tải cũ giải quyết bài toán giao vận, đồng thời khép lại mảng kinh doanh thời trang.

Vào năm 2014, startup giao vận Ninja Van do Chang Wen Lai, Boxian Tan và Shaun Chong sáng lập đã trở thành công ty hậu cần đầu tiên ở Singapore cung cấp các cập nhật theo dõi thời gian thực.

Nhiều tháng sau đó, Ninja Van đã mở rộng sang Malaysia và Indonesia. Tới năm 2016, startup này đã có mặt tại Việt Nam, Philippines và Thái Lan.

Tháng 9/2021, Ninja Van huy động thành công 578 triệu USD trong vòng gọi vốn Series E, nâng định giá của công ty lên 1 tỷ USD và chính thức trở thành một startup Kỳ lân mới tại khu vực Đông Nam Á.

Trung bình mỗi ngày, Ninja Van giao khoảng 2 triệu bưu kiện với hơn 1,5 triệu người gửi hàng và khoảng 100 triệu người nhận. Từng có thời điểm, đội ngũ sáng lập Ninja Van đã nghĩ tới mục tiêu IPO, đồng thời, hướng đến việc có lãi trong báo cáo tài chính 2022.

Thế nhưng, theo hồ sơ công khai mới nhất trên Cơ quan Quản lý Kế toán và Doanh nghiệp Singapore (ACRA), khoản lỗ trước thuế của Ninja Van đã tăng từ 74 triệu USD trong năm tài chính 2021 lên 187 triệu USD trong năm tài chính 2022.

 

Tin Cùng Chuyên Mục