Tuy nhiên, Vinagame cũng nhấn mạnh đang nắm giữ 24,6% quyền sở hữu Tiki.Việc Tiki thua lỗ không có gì quá lạ vì hầu hết các nền tảng thương mại điện tử Việt Nam đang trong giai đoạn đốt tiền để giành thị phần và đầu tư hạ tầng logistics.
Theo Deal Street Asia, chỉ riêng trong năm 2018, sau khi được đầu tư thêm vốn từ Vinagame và JD.com, mức lỗ của Tiki đã tăng gấp ba lần lên hơn 750 tỉ đồng. Và trong ba năm gần đây, công ty đã lỗ lũy kế tổng cộng hơn 1.000 tỉ đồng.
Ông Trần Thái Sơn, Giám đốc điều hành Tiki trả lời phỏng vấn Deal Street Asia cho biết các khoản lỗ chủ yếu đến từ khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các trung tâm vận hành của công ty. Hiện Tiki đang sở hữu hơn 30.000 m2 trung tâm vận hành và dự kiến sẽ đạt 100.000 m2 trong vòng từ sáu đến tám tháng tới.
Tuy nhiên, Tiki cũng đang rất lạc quan về triển vọng phát triển của mình khi đã vươn lên nhóm đầu các trang thương mại điện tử, vượt qua cả ông lớn Alibaba. Mặt khác, Tiki đang có những tín hiệu tích cực về khả năng gọi thêm 100 triêu USD từ một quỹ đầu tư Hàn Quốc.Báo cáo của Google-Temasek năm 2018, thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng kép 35% trong giai đoạn 2015-2018 và có giá trị 2,8 tỉ USD (chỉ tính giá trị của kênh Doanh nghiệp tới người tiêu dùng-B2C). Còn theo Bộ Công thương, tính trên quy mô toàn thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể đạt mức 10 tỉ USD đến cuối năm 2020.
Google Đông Nam Á cho biết ngày càng có nhiều người Việt Nam tham gia mua sắm trực tuyến. Theo số liệu của Temasek, trung bình một năm có 3,2 triệu người Việt Nam bắt đầu tiến hành hình thức mua sắm trực tuyến.
Google cho biết xu hướng này thể hiện rất rõ khi nhìn vào số lượng tìm kiếm về các sàn thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Tiki, Shopee.